Những điều quan trọng phải dạy trẻ trong mùa đông

Ngày 10/12/2015 17:05 PM (GMT+7)

Trời lạnh không chỉ nên ở trong nhà, quan tâm đến mọi người,... là những điều mẹ đừng quên dạy con khi tiết trời mùa đông đã sang.

Những ngày này, Hà Nội trở lạnh và mùa đông đã thực sự về. Ra đường, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người lớn và trẻ nhỏ vội vàng, co ro trước gió đông. Ai cũng mong mau chóng về nhà, chui vào chăn ấm và ăn gì đó nóng hổi. Nhiều bố mẹ thương con, xót con, con đi học là trùm kín mít, sợ ốm, sợ lạnh. Vậy không hiểu, những người kém may mắn sẽ chống chọi với mùa đông như thế nào nhỉ? Đã bao giờ con bạn nhìn thấy hình ảnh một cậu bé, cô bé bị lạnh run? Và bạn có bao giờ chia sẻ với con mình về những điều đó? Bạn muốn con bạn biết thêm điều gì khi trời lạnh?

Dạy con hãy tự chăm sóc mình

Thường thì các bậc phụ huynh sẽ cuống quýt tìm áo len, áo khoác, khăn quàng, tất… cho con và vội vàng thúc giục ‘Mặc vào nhanh lên con ơi! Ngoài trời lạnh lắm!’ Nhiều khi, vì bố mẹ lo lắng quá, bận bịu quá nên quên mất rằng, mỗi lần như vậy, hãy dành ra chút thời gian để nói chuyện cùng con, tỉ tê với con tại sao con phải mặc đủ ấm, con cần chú ý những  gì mỗi khi trời rét hay hôm nay con thích mặc đồ nào... Dần dần, con sẽ hiểu được nên chuẩn bị những đồ nào khi ra ngoài hoặc cần làm gì để không bị lạnh, v.v.. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, bố mẹ có thể dạy con các kĩ năng về thời tiết, có thể xem nhiệt độ bằng ipad hoặc điện thoại... Từ đó, trẻ sẽ tự đánh giá và có trách nhiệm chọn áo quần phù hợp với trời lạnh hơn hay ấm hơn. Làm như vậy cũng có nghĩa là bạn đã cho trẻ tự chủ động và có cơ hội làm chủ cuộc sống của trẻ ngay từ nhỏ.

Những điều quan trọng phải dạy trẻ trong mùa đông - 1

Hãy dạy con hãy tự chăm sóc mình. (Ảnh minh họa)

Trời lạnh không có nghĩa là chỉ nên ở trong nhà

Bố mẹ nào cũng thương con nên chẳng ai dại gì mà để con mình chịu lạnh cả. Tuy nhiên, nếu trẻ không được ra ngoài trời đủ trong cả mùa đông thì cũng không phải là ý hay. Điều quan trọng là bố mẹ cần chọn thời điểm, hoạt động phù hợp để con có thể chơi ở nơi có không khí trong lành, sạch sẽ và thoáng. Như vậy, con vẫn có thể tham gia nhiều hoạt động mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, bạn và con có thể bàn bạc cùng nhau để chọn lựa hoạt động phù hợp. Khi con đã ra ngoài, hãy để con vui chơi và lắng nghe con, thử để con dẫn dắt mình với các ý tưởng trò chơi. Cái đích mình muốn là con biết lắng nghe cơ thể và từ đó đưa ra các chọn lừa khôn ngoan phù hợp chứ không phải đợi chờ rằng người lớn là người đưa ra quyết định. Có thể hôm nay con chỉ muốn chơi 15 phút vì tự cảm lạnh; ngày mai có thể là 30 phút vì con đã biết chọn áo quần phù hợp với thời tiết hơn.

Quan tâm đến những người gần gũi nhất

Người lớn lúc nào cũng lo cho trẻ nhỏ, nhưng thử nghĩ xem, bố mẹ sẽ xúc động thế nào nếu đứa con bé bỏng biết hỏi thăm ‘Mẹ đi làm về có lạnh không?’, ‘Bố ơi, ngoài trời rét không bố?’… Thế nhưng, trẻ sẽ không thể tự dưng mà biết hỏi han người khác như thế được. Vậy nên, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để các ông bố bà mẹ làm hình mẫu lí tưởng cho con. Một khi bạn đã làm được những điều mà bạn muốn con mình làm theo, con sẽ thấy được con nên làm gì, và nếu con làm được, con sẽ được khen như thế nào. Bao lâu rồi bạn chưa gọi điện cho mẹ chồng? Vậy còn cô bạn thân hồi cấp 3 thì sao? Hãy là người bắt đầu quan tâm đến người khác trước nhé! Có bố mẹ làm mẫu rồi, con sẽ muốn gọi điện thoại cho ông bà; nói chuyện với bạn; tâm sự với cô giáo…

Những điều quan trọng phải dạy trẻ trong mùa đông - 2

Hãy dạy con từ những điều nhỏ nhất. (Ảnh minh họa)

Vậy còn những người kém may mắn?

Ở Canada, một nhóm trẻ em đã ‘mặc áo’ cho cột điện để tặng những chiếc áo khoác đó cho người vô gia cư. Ở Việt Nam, có lẽ, những việc như thế thì ‘không thực tế’ lắm với nhiều người. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dạy con chia sẻ theo nhiều cách khác. Qua nhiều phương tiện thông tin, con sẽ biết được có các bạn khác không đủ áo ấm, không được chăm sóc tốt... Từ đó, bạn có thể gợi ý để con cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện ở trường hoặc ở các nơi khác. Hãy để con tự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định đóng góp cái gì hay quyên góp, cho đi món đồ nào… Ví dụ, hôm trước, em họ ở quê ra chơi, em thích cái áo len cũ của con. Nếu bạn bảo con cho em, lúc đó, chưa chắc con đã thực sự muốn. Nhưng hôm sau, khi con đã tự suy nghĩ kĩ hơn, sâu hơn, biết đâu con sẽ bảo ‘Mẹ ơi, con không thích áo này nữa, con cho em nhé!’ Vậy là chính con đã chủ động và dẫn dắt người lớn đấy chứ!

Bạn thấy đấy, trong mọi hoàn cảnh, người lớn đều có thể chia sẻ và truyền tải những thông điệp khác nhau đến con trẻ. Nếu được tạo ‘môi trường thuận lợi’ và được hướng dẫn tốt, trẻ sẽ có cách nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn và học được những kĩ năng cần thiết. Đặc biệt, chỉ một vài mẹo nhỏ, một vài thay đổi đơn giản, bạn đã dạy cho con trách nhiệm và sự chủ động ngay từ bé phải không nào?

Xin chúc các gia đình một mùa đông thật ấm áp! Chúc các bạn có thời gian thật tuyệt vời bên con! 

Nguyễn Trần Nghi Tuệ - Cộng đồng Together We Share
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con