Hợp tác biển đảo “nóng” trong đề thi môn Địa

Ngày 03/06/2013 13:44 PM (GMT+7)

Nằm trong khuôn khổ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, môn Hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm kiến thức, thời gian làm bài ngắn 60 phút.

Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa sáng 3/6. Đề thi được đánh giá là tương đối mở, đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt được những thông tin cập nhật thời sự của đất nước và các em có thể bày tỏ được suy nghĩ, đánh giá của mình.

Tại khu vực Hà Nội: Thí sinh Phạm Đức Hiếu (THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Đề thi không khó, nhiều câu mở, mang tính chất thời sự nên bạn nào chịu khó xem thời sự sẽ làm tốt. Em cũng hay xem thời sự nên làm bài tương đối ổn và khá tự tin”.

Hợp tác biển đảo “nóng” trong đề thi môn Địa - 1

Đề thi tốt nghiệp địa lí 2013.

“Phần 1, câu thứ 3 em thấy rất hay. Vì vấn đề biển đảo hiện đang rất “nóng” và được nhiều người quan tâm. Thế hệ trẻ cần phải nắm được và hiểu những vấn đề liên quan đến biển đảo quê hương vì nó cũng thể hiện tình yêu nước. Chúng em hay đọc báo về vấn đề này nên hầu hết đều làm bài rất thoải mái”, thí sinh Trần Công Duy (THPT Đông Đô) chia sẻ.

Còn Tôn Khánh (THPT Ngọc Hồi) thì lo lắng. “Vì mải ôn thi nên em không có thời gian xem ti vi, cập nhật thời sự nên làm câu hỏi về biển đảo không được tốt lắm”, Khánh nói.

Khánh cho biết thêm, phần 2 câu 3 yêu cầu vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường) cũng khiến em hơi bối rối vì thông thường, đề thi tốt nghiệp môn Địa chỉ yêu cầu vẽ một loại biểu đồ hình tròn hoặc hình cột… Đề lần này là hơi khó với thí sinh.

Hợp tác biển đảo “nóng” trong đề thi môn Địa - 2

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Cầu Giấy vui vẻ rời phòng thi. Ảnh: Thu Trang

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và các dạng bài tập thì có thể làm được 80 – 90%. Tuấn Anh (lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) không theo ban C nhưng với đề này, Tuấn Anh cho rằng không có gì quá khó, nhiều bạn có thể đạt điểm khá trở lên. “Phần biển đảo đề cập đến vấn đề nóng, thời sự nên thí sinh có thể liên hệ với thực tế việc giữ gìn bảo vệ chủ quyền. Em nghĩ mình làm được 70%”.

Một thí sinh tại trường THPT Nhân Chính cho hay: “So với đề thi năm ngoái thì đề thi Địa lý năm nay có phần dễ hơn, em làm tốt nhất là câu 1 về vùng Đông Bắc, nguồn lao động và câu 3 về vấn đề biển đảo. Riêng vẽ biểu đồ thì chắc chắn em giành điểm tuyệt đối, còn các câu khác làm tương đối. Tính sơ sơ, em cũng được chừng trên 7 điểm”.

Ngoài câu hỏi về biển đảo, đề Địa năm nay còn đề cập đến một vấn đề thời sự khác là việc làm. Trong bối cảnh thất nghiệp đang gia tăng do tình hình kinh tế khó khăn, đề Địa đã buộc thí sinh phải tư duy với câu hỏi: "Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế xã hội lớn ở nước ta hiện nay?".

Hợp tác biển đảo “nóng” trong đề thi môn Địa - 3

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Nhân Chính. Ảnh: Thu Trang

Tại điểm thi ở trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), phần lớn thí sinh nhận định đề Địa dài, khó hơn mọi năm. Nhiều em không làm hết hoặc phải bỏ dở giữa chừng. Không hài lòng lắm với bài thi của mình, Vũ Trọng Hiếu, THPT Lê Quý Đôn tiếc rẻ vì phải bỏ một câu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nam sinh này cho hay, nhiều phần câu hỏi trong đề cậu chưa kịp học. “Đề Địa năm nay sát chương trình nhưng dài và hơi khó. Nếu thầy cô chấm thoải mái thì may ra em mới được 7 điểm”, Hiếu nói.

Cùng chung nhận định như Hiếu, Hiệp (THPT Trần Hưng Đạo) than đề khó và “vừa làm vừa bỏ”. Theo cậu, trong hầu hết câu hỏi, học sinh phải vận dụng kiến thức xã hội của mình và khó nhất là câu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với bài làm sáng nay, Hiệp đoán mình chỉ được khoảng 5 điểm.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh tỏ vẻ không hài lòng với kết quả làm bài sáng nay. Đa số các thí sinh cho rằng đề không khó nhưng để đạt được điểm cao thì rất khó.

Tại hội đồng thi Trần Đại Nghĩa, thí sinh An Bình lắc đầu nói: “Hai môn hôm qua em làm bài rất tốt còn sáng nay thì làm tàm tạm, chỉ đạt khoảng 5- 6 điểm. Đề thi không khó nhưng đòi hỏi chúng em phải biết vận dụng kiến thức xã hội và theo dõi thời sự”.

Hợp tác biển đảo “nóng” trong đề thi môn Địa - 4

Thí sinh bàn lại bài sau khi kết thúc môn thi Địa lí sáng nay. Ảnh: TTXVN

Thí sinh Thanh Trúc tại hội đồng thi trường THPT Trưng Vương cũng nhăn nhó nói: “Mọi năm hay ra 7 vùng kinh tế trọng điểm, tụi em tập trung học ở phần đó nhưng năm nay lại không ra. Đề thi năm nay khá mở, nếu chỉ học trong sách giáo khoa thì không đủ mà còn phải biết vận dụng kiến thức xã hội và phải suy luận nhiều”.

Đánh giá đề thi môn Địa lý sáng nay, thầy Tôn Thất Nghĩa, Giáo viên môn Địa lý trường  THPT Quốc tế Á Châu cho biết, đề thi này không khó nhưng các thí sinh khó đạt được điểm cao bởi nếu các em học trong sách giáo khoa mà không có kỹ năng vận dụng kiến thức thì chỉ đạt khoảng 5 - 6 điểm.

“Đề năm nay khá bất ngờ với các em học sinh bởi mọi năm ra những vùng kinh tế trọng điểm, nhiều học sinh tập trung vào phần này còn năm nay thì không ra nên những học sinh nào học tủ sẽ khó đạt được điểm trung bình. Còn câu về biển đảo thì cũng không bất ngờ vì đây là nội dung nằm trong sách giáo khoa và mấy năm gần đây đều ra phần này”, thầy Nghĩa phân tích thêm.

Theo Sở GD&ĐT thành phố, trong buổi thi sáng hôm nay, tất cả các hội đồng thi đều diễn ra an toàn và nghiêm túc, không có trường hợp học sinh đến trễ do kẹt đường.

(Theo TTXVN)
Nguồn:

Tin liên quan