Ngày Tết của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới cũng là cực Tây của Tổ quốc có một sức hút kỳ lạ, ở đó người ta quan niệm không phải “ăn Tết” mà là “say Tết”. Ba ngày Tết là ba ngày “say” nhất trong năm.
Có những người đã nhiền lần đến với cực tây A Pa Chải, cũng là một trong 2 ngã ba biên giới của nước ta, nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe, vẫn ao ước một lần được “say Tết Hà Nhì”. Những người đến với Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Chung Chải, A Pa Chải (những xã thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là địa bàn cư trú chính của người Hà Nhì bất cứ dịp nào trong năm đã “choáng” bởi rượu thì vào ngày Tết, ít ai mà từ chối được để rồi không ngất ngây, ngật ngưỡng ra về.
Ngày hội cộng đồng và du khách
Tết Hà Nhì thường không có ngày tổ chức cố định theo lịch mà nó được quyết định bởi những bậc chức sắc, những dòng họ lớn nơi vùng đất cực Tây xa xôi này. Thông thường Tết Hà Nhì được tổ chức vào trung tuần tháng 12 dương lịch. Đó là thời điểm người Hà Nhì cho rằng có thể nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài, vất vả. Cũng như quan niệm của rất nhiều dân tộc khác ở vùng cao phía Bắc, người Hà Nhì quan niệm ngày Tết là ngày no đủ, quãng thời gian thụ hưởng thành quả lao động.
Tết Hà Nhì không thể thiếu bánh dày làm từ chính gạo nương của người dân, nhà nào mổ trâu thì được coi là ăn Tết to còn nếu đơn giản lắm thì cũng phải mổ chú lợn béo tốt cỡ 1 tạ ăn “lai rai” mấy ngày Tết. Trong mấy ngày Tết thứ không thể thiếu là gạo mới và rượu mới. Tết Hà Nhì mang màu sắc cộng đồng nên gia chủ thường không phân biệt khách khứa thân sơ, miễn là đến vui Tết cùng gia đình thì sẽ được khoản đãi rượu thịt. Một điều nữa thể hiện màu sắc cộng đồng là các bản làng thường góp vui chung trong một đêm văn nghệ, nơi người Hà Nhì cùng nhau múa hát, diễn sướng những bài dân ca của dân tộc mình.
Đặc biệt, chén rượu là thứ không thể từ chối vào dịp này vì có một tiềm thức hằn sâu rằng, càng nâng ly để chúc nhau nhiều thì năm mới sẽ càng có nhiều may mắn. Chục năm trước, đường vào miền đất của người Hà Nhì cực kỳ gian nan, đi cả ngày đường mới đi được từ trung tâm huyện Mường Nhé vào đến A Pa Chải. Nếu đi từ TP Điện Biên Phủ vào được đến A Pa Chải phải mất hai ngày với quãng đường 240 cây số chập chùng đèo dốc và hàng chục con suối lớn nhỏ. Đó là giai đoạn Tết của người Hà Nhì khép kín trong cộng đồng dân tộc này nhưng hai năm trở lại đây, đường xá dễ đi hơn nhiều, du khách coi Tết Hà Nhì là ngày hội văn hoá.
Tết Hà Nhì không thể thiếu bánh dày làm từ chính gạo nương của người dân, nhà nào mổ trâu thì được coi là ăn Tết to còn nếu đơn giản lắm thì cũng phải mổ chú lợn béo tốt cỡ 1 tạ ăn “lai rai” mấy ngày Tết.
Bà Pờ Mì Ly, trưởng phòng dân tộc huyện Mường Nhé là người con của dân tộc Hà Nhì, tự hào kể: “Có không ít các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các nhà báo tìm đến với Tết Hà Nhì để được phiêu lãng trong một thế giới khác lạ. Thế nên bản thân các gia đình người Hà Nhì ở Mường Nhé mấy năm trở lại đây cứ dịp trước Tết là khách đã đăng ký đến ở chật kín”.
Tết và giấc mơ nơi ngã ba biên giới
Huyện Mường Nhé mới được thành lập cách đây gần chục năm khi tỉnh Lai Châu tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Mường Nhé bây giờ trước đây thuộc đất của huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu cũ). Đó từng là vùng đất xa xôi nhất gần như biệt lập với tỉnh lỵ chứ đừng nói là với miền đồng bằng hay thủ đô Hà Nội.
Nhiều người dân ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam đến đất này lập nghiệp vẫn còn kể chục năm trước nơi đây chỉ có những bản làng của người H’Mông, người Hà Nhì và rừng nguyên sinh ngút ngàn. Đó là khi vào đất Mường Nhé người ta nơm nớp nỗi lo: “Đi trước thì sợ rắn cắn, đi sau thì lo hổ vồ”...
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất này là năm 2006, khi đó huyện Mường Nhé mới được thành lập. Trung tâm huyện lúc ấy còn hoang sơ, cơ sở vật chất gần như chưa có gì. Từ đó đến nay, tôi đã 3-4 lần nữa trở vào mảnh đất cực Tây này và “say” hai cái Tết cùng bà con người Hà Nhì và chứng kiến sự lột xác của mảnh đất có một cái nhất rất đặc biệt: vừa là cực Tây vừa là một trong 2 ngã ba biên giới của Việt Nam.
Cực Tây giờ đã trở thành nơi chinh phục của những người mê khám phá ở bất kỳ lứa tuổi nào bởi ai cũng khát khao được chạm tay vào cái cột mốc chủ quyền đặc biệt, nơi đứng ở phía Việt Nam có thể nhìn sang đất Lào và Trung Quốc. Nhưng ít ai biết rằng, ở mảnh đất này, thứ chủ quyền thiêng liêng và sâu dễ bền gốc hơn chính là… con người.
Là những cộng đồng người đông đảo nhất ở Mường Nhé nhưng so với người H’Mông, người Hà Nhì còn sống ở sâu hơn và xa hơn, đúng hơn là bám sát cũng con đường biên giới. Những bản làng của người Hà Nhì là những bản làng cuối cùng ở cực Tây biên giới. Thượng úy Pờ Bạch Quân, đồn phó đồn biên phòng Mường Nhé là một trong những người con của dòng họ Pờ nổi tiếng.
Thượng uý Quân chia sẻ: “Nguời ta bảo hiếm có dòng họ nào đuợc như họ Pờ chúng tôi ở Mường Nhé khi có rất nhiều người làm chủ tịch xã, rồi cán bộ huyện, sĩ quan biên phòng…Nhưng có một điều mà nhiều người đến Mường Nhé mới biết họ Pờ rất ham học và đặc biệt là một lòng, một dạ theo Đảng. Nhiều dự án của huyện và tỉnh đi qua đất của họ Pờ, dòng họ này sẵn sàng hiến đất. Anh Pờ Hùng Sang, vốn là đồng môn của tôi tại Học viện Báo chí tuyên truyền, nay đang là Bí thư huyện đoàn Mường Nhé, ngay từ thời sinh viên đã xác định “người họ Pờ đi học là để trở về đất Mường Nhé", chúng tôi không thể sống xa quê hương”.
Ông Pờ Dần Sinh, chủ tịch kiêm bí thư xã Sín Thầu thì đúc kết: “Người họ Pờ một lòng một dạ theo Đảng, chấp hành chủ trương của nhà nước và đặc biệt chúng tôi gắn bó với mảnh đất cực Tây xa xôi này như một tình yêu và một trách nhiệm thiêng liêng để giữ hồn văn hoá dân tộc mình cũng là giữ đất, giữ bản”.
Tết với người Hà Nhì bây giờ đã như một giấc mơ, ở đó, người Hà Nhì vẫn được say, được đón khách phương xa về cùng “say” Tết và được sống ở chính vùng đất của tổ tiên mình dù là ở miền biên viễn xa xôi nhưng đó là vùng đất đang lột xác từng ngày từng giờ.
Trong ngày Tết cổ truyền Hà Nhì không thể thiếu bánh dày, thịt gác bếp, xúc xích và dưa muối ăn kèm với nước chấm làm từ quả Mắc Có. Ngoài ra còn có món cơm đỏ. Đây là gạo tẻ nương được xát một lần duy nhất nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Cách nấu là chần gạo qua nước sôi cho nở ra, rồi đưa vào nồi hấp. Cơm chín, hạt cơm dẻo, ngọt và thơm.