Hãy nhắm mắt tưởng tượng, niềm hạnh phúc lớn nhất, nguồn sống của mình không còn nữa, thì bạn, thế giới xung quanh bạn sẽ như thế nào?
Sau trận ốm kéo dài 1 tuần, tôi quay trở lại nhịp sống thường nhật. 5h30, tôi bật dậy không cần chuông báo thức. Muốn ngủ nướng lắm nhưng nghĩ bụng: trong ngày sẽ chẳng còn thời gian nào để thảnh thơi ngồi nghe list nhạc hay, nhâm nhi cốc cafe nóng và ăn chiếc bánh chỉ có một mình. Chỉ cần hơn 1 tiếng nữa thôi, cuộc sống thường nhật sẽ ập tới: chuẩn bị cho con đi học, dọn dẹp nhà cửa, ngồi làm việc online với khách hàng, các cuộc họp bất tận đến bữa cơm tối cho chồng con.
Trong lúc uống cafe sáng, tôi lướt qua bài chia sẻ về 3 em bé qua đời trong một vụ hoả hoạn ở Đà Lạt. Bài viết không dài. Họ kể lại rằng khi người mẹ ra ngoài mua sữa, chị quên tắt bếp gas và đã khoá cửa để lại 3 con trong nhà. Căn nhà bốc cháy. 3 đứa trẻ xấu số đã không còn, và người mẹ thì…
Sống mũi tôi cay cay, mắt đỏ hoe. Tôi nhìn vào giường nơi con đang nằm ngủ ngoan để trấn tĩnh lại và nhớ tới giây phút đầu tiên bế con trên tay. Một niềm hạnh phúc tuôn trào, vỡ oà mà tôi chưa bao giờ từng có. Một tình yêu vô điều kiện nảy nở, và vợ chồng tôi nhìn nhau đủ hiểu rằng muốn bảo vệ sinh linh bé nhỏ này bằng tất cả những gì mình có. Vậy mà người mẹ ấy, một lúc mất đi 3 đứa con, đứa bé nhất còn đang khát sữa chờ mẹ mua về.
Là một người mẹ, tôi biết để có được một đứa con không hề dễ, nuôi còn khó hơn. Tiền bạc có thể cho ta nhiều tiện ích dễ chịu hơn trong hành trình làm cha mẹ, nhưng công chăm bẵm thì chẳng tiền bạc nào đánh đổi được.
Đó là những ngày thiếu ngủ kéo dài triền miên, chồng tôi chỉ mong trời sáng để được đi làm, đến văn phòng trốn đi ngủ một lát, bù cho thời gian trông con... Đó là những đêm 3 giờ sáng, tôi khóc một cách bất lực vì thiếu ngủ. Đó là lúc, chỉ cần một câu nói vô tư của mẹ: "Sao con chưa hâm sữa cho em bé à?" là tôi đã vỡ oà ra. Đó là cảm giác thất bại, nghĩ mình là một người mẹ tồi khi đọc những bài đăng, bình luận tiêu cực trên mạng xã hội...
Trong câu chuyện được kể lại về tai nạn xót xa ấy, 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất mới lên 6 tuổi, đứa nhỡ 4 tuổi - bằng tuổi con tôi, đứa út mới 9 tháng còn đang bế ẵm. Vậy một ngày của người mẹ ấy hẳn vô cùng vất vả. Sẽ là tiếng khóc đòi sữa của đứa út, tiếng nài nỉ đòi mẹ chơi cùng của đứa nhỡ, và sự nghịch ngợm của đứa con trai vừa học xong mẫu giáo, một tay vừa chăm con vừa nấu cơm dọn dẹp. Người mẹ ấy đã nhiều việc đến thế nào để quên tắt bếp gas, chỉ nhớ đến việc mua sữa bỉm cho đứa con đang khóc đòi. Tai nạn xảy ra, ai sẽ là người đau hộ chị, ai sẽ là người mang 3 đứa con về cho chị?
Vậy mà…
Hãy tưởng tượng, niềm hạnh phúc lớn nhất, nguồn sống của mình không còn nữa, thì bạn, thế giới xung quanh bạn sẽ như thế nào? Mùi sữa thơm trên da con, quần áo mềm mại lướt trên má, ánh mắt trong veo to tròn lấp lánh nhìn mẹ, đôi môi dỗi hờn vì đòi quà mà không được… Tất cả những điều đó, đối với người mẹ ấy, không còn nữa.
Tôi rất sợ, một ngày lên báo, lên mạng xã hội đọc phải những tin tai nạn thương tâm của trẻ em. Chỉ cần đọc tựa đề thôi là con tim đã quặn thắt lại. Bố mẹ các con sẽ sống tiếp ra sao? Những dòng bình luận kết tội họ khiến tôi cảm thấy thế giới này xa lạ, lạnh lùng quá. Đúng rồi, con cái gặp tai nạn không may qua đời, chắc chắn là lỗi ở cha mẹ. Nhưng không cần bất cứ ai kết án, người cha, người mẹ ấy đã chết trong tim kể từ giây phút biết tin rồi.
Năm 2016, bộ phim Manchester By The Sea "càn quét" hàng loạt hạng mục quan trọng của giải Oscar. Một bộ phim xuất sắc lột tả trần trụi, không thể thật hơn tâm lý hậu mất mát của một người cha mất đi 3 người con trong cơn hoả hoạn. Tất cả đều diễn ra trong tích tắc.
Đêm đông lạnh giá đó, Lee mở cửa lò sưởi to hơn vì lo các con bị lạnh, và anh ta ra ngoài mua đồ. Vì sự bất cẩn ấy, anh mãi mãi không thể sửa chữa được lỗi lầm của mình. Một gia đình hạnh phúc tan vỡ. Một vết thương quá lớn không thể chữa lành. Cuối phim, Lee nói với người cháu rằng: "I can’t beat it". Anh không thể vượt qua được nỗi đau ấy. Một bộ phim tôi không dám giới thiệu cho bạn bè, bởi chỉ cần nghĩ tới thôi cũng đủ thấy tim thắt lại.
Và hãy tiếp tục tưởng tượng, một người đã chết tâm có còn gọi là sống không? Làm ơn, nếu không trả lại nguồn sống được cho họ, thì hãy đừng nhẫn tâm với họ.