Mẹ đã vượt qua rất nhiều đau đớn, máu và nước mắt nhưng phần thưởng mẹ đạt được quả thật rất xứng đáng.
Dù từ ngày Sukem chào đời đến nay đã được 7 tháng nhưng cảm xúc về cái ngày đi đẻ ấy trong chị Thu (Đê La Thành, Hà Nội) vẫn còn vẹn nguyên. May mắn hơn nhiều sản phụ khác, chị chỉ mất gần 5 tiếng đau đẻ là con gái chào đời nhưng trong khoảng thời gian ấy chị như "chết đi sống lại". Có những lúc chị tưởng mình sẽ không thể vượt qua được cơn đau nhưng khi nước ối vỡ ra, em bé chào đời thì mọi đau đớn đều tan biến hết.
Hãy cùng dõi theo ca sinh nở của bà mẹ 8x này để có cái nhìn rõ nét hơn về nhưng đau đớn mà phụ nữ phải trải qua khi sinh thường:
"Mẹ mới kể chuyện đi sinh Sukem cho một cô chuẩn bị sinh em bé nghe, bao nhiêu kỉ niệm và cảm xúc cùng ùa về. Có lẽ cả đời này mẹ cũng không bao giờ quên được cái ngày đáng nhớ 27/3/2014 ấy đâu. Mẹ đã vượt qua rất nhiều đau đớn, máu và nước mắt nhưng phần thưởng mẹ đạt được quả thật rất xứng đáng với những gì phải trải qua.
Bụng bầu của chị Thu ngay trước ngày sinh nở.
Còn nhớ hôm ấy con mới được 39 tuần 1 ngày, đến lịch hẹn khám bác sĩ của mẹ. 5 giờ sáng mẹ có cơn đau đầu tiên, nhưng vì chưa biết cơn co thế nào nên mẹ vẫn rất chủ quan ngủ tiếp. 5h30' lại quặn đau, mắt nhắm mắt mở mẹ lay bố con dậy "anh ơi hình như em đau đẻ". Bố con dù đang ngái ngủ nhưng nghe thấy thế bật dậy như bị chích điện "thật hả, đau như nào? Vào viện luôn à?".
Nói thật là dù mẹ đã đọc rất nhiều tài liệu để nhận biết dấu hiệu sinh nhưng ngoài cơn đau nhói 1 cái khoảng 5 giây ra thì chẳng có tí máu báo nào nên mẹ cũng không dám khẳng định chắc chắn. Thôi thì cũng dậy rồi, mẹ đi đánh răng rửa mặt xong quay ra cắm nồi cháo vừng (các bà dặn trước khi đi sinh phải ăn bát cháo vừng đen đặc cho dễ đẻ mà) rồi nhắc bố con chuẩn bị đồ vào giỏ mang đi viện (mẹ còn "phởn" đến nỗi chẳng chuẩn bị trước lúc 37-38 tuần như người ta cơ mà, hậu quả là vào viện thiếu bỉm với nước và giấy vệ sinh).
Bé Sukem của mẹ Thu giờ đã được 7 tháng tuổi.
Bé rất lém lỉnh và đáng yêu
Cô Dung thấy mẹ dậy cũng lao ra khỏi giường (dù bình thường cô ấy ngủ say đến chuông báo thức kêu điếc óc vẫn không biết), mặt hốt hoảng ngơ ngác (lúc ấy mẹ có cơn đau nhưng nhìn cái mặt siêu ngơ của cô Dung cũng phải phì cười) "chị đẻ đấy à?" "Chưa, mới đau thôi, chị chuẩn bị đồ vào viện đây". Cô ấy thấy thế cũng dậy luôn xay lá tía tô đun nước cho mẹ uống (cũng với mục tiêu đẻ cho dễ ấy mà).
6h sáng, mẹ gọi bác sĩ thì bác dặn khi nào đau 5 phút một cơn thì phải vào viện ngay. Mẹ phải thừa nhận rằng mẹ con mình rất may mắn vì được một bác sĩ giỏi và cực kì tận tâm giúp đỡ. Vì sinh con lần đầu, mà mẹ chưa hề có kinh nghiệm về vụ cơn đau này nên mẹ hỏi bác rất nhiều thứ ngô nghê không tả nổi. Nào là cơn gò biểu hiện như nào, có cần chờ ra máu báo không, thêm thái độ hoảng hốt của mẹ nên mọi thứ cứ lúng túng không ra đầu ra đũa, thế mà bác sĩ vẫn rất nhẹ nhàng giải thích, trấn an mẹ và hướng dẫn mẹ nên làm như thế nào. Lựa chọn bác sĩ chăm sóc cho mẹ con mình trong suốt thai kì thực sự là một lựa chọn đúng đắn của mẹ.
Từ 6h đến 7h, các cơn đau cứ lần lượt tới, 20 phút một lần, 15 phút một lần và đến 7h thì đúng 5 phút một lần. Mẹ gọi điện thoại thông báo cho bà ngoại "chắc con đi đẻ đây, mẹ lên nhé!", đúng lúc bà đang chuẩn bị đi làm nên bà sốc nặng (kế hoạch của bà là ngày mai mới lên cơ), về sau nghe bà kể lại thì ông cuống cuồng đưa bà ra bắt xe khách, may còn nhớ mang theo tiền. Dù cơn đau dày lên nhưng mẹ vẫn "chén" hết bát cháo vừng với cốc nước tía tô đặc để còn tự tin lên đường đi đẻ.
7h15 bố đưa mẹ vào viện, đi đúng giờ cao điểm nên mẹ chỉ sợ tắc đường, cơn đau đến ngã lăn quay ra thì khổ, may từ nhà mình tới viện Bạch Mai mất đúng 5'. Lúc ấy mẹ đau lắm rồi, mồ hôi vã ra như tắm, leo lên tầng 3 phòng đẻ mà mấy lần muốn ngã quỵ. Mẹ một mình vào phòng chờ, người ta đưa giấy tờ để bố con đi làm thủ tục và nộp viện phí. Thay quần áo và thăm khám xong, mẹ nằm trên giường để lắp máy monitor đo tim thai và cơn gò. Những cơn đau dồn dập kéo đến, 5 phút một cơn, rồi 4 phút, 3 phút, 2 phút, mẹ đau không kịp thở, cứ hổn hển hổn hển, mỗi lần mẹ thở không kịp là con thiếu oxy, nhịp tim loạn và cái máy cứ rú lên ầm ầm. Mấy chị sinh viên thực tập trấn an mẹ, giục mẹ thở đều cho con. Lúc ấy mẹ sợ lắm, sợ muốn chết mà vẫn phải bình tĩnh, vì nếu mẹ bấn loạn, không giữ được tinh thần tỉnh táo sẽ làm nguy hiểm đến Sukem bé bỏng của mẹ. Nên dù rất muốn khóc nhưng mẹ luôn tự nhủ "mạnh mẽ lên, vì con nên phải mạnh mẽ".
9h15, bác sĩ khám thông báo mẹ mở 6 phân rồi, vào phòng đẻ ngay. Ôi sao quãng đường từ phòng chờ sang phòng đẻ nó lại xa đến thế. Mẹ đau liên hồi, cảm giác như những cơn sóng cứ ồ ạt xô bờ hết lớp nọ đến lớp kia không có điểm dừng vậy. Hai chân mẹ nhũn ra, xiêu vẹo bám tay một chị sinh viên thực tập lết về phía phòng đẻ. Lưng mẹ gập xuống theo từng cơn đau nên việc trèo lên bàn đẻ lúc này quả thực là một sự thách thức lớn.
Mãi cũng vào được vị trí, lại lắp máy chằng qua bụng, lúc này có mỗi mẹ với 2 bạn thực tập ở trong phòng, bác sĩ thì chưa tới mà mẹ chợt thấy có 1 cơn muốn rặn kinh khủng xuất hiện. Mẹ siết chặt tay bạn sinh viên thực tập kia và nói "chị muốn rặn quá em ơi". Chị ấy hốt hoảng "không được đâu, chị cố nhịn chờ bác sĩ tới". Mẹ nghiến răng ghìm cơn rặn lại, đau, đau, đau... cảm giác cơn đau xâm chiếm toàn bộ cơ thể mẹ, làm mụ mị cả cái suy nghĩ "cố gắng tỉnh táo" của mẹ. Ôi mẹ đau quá, mẹ nghĩ đến bố con, giá mà bố ở đây bên mẹ con mình thì tốt quá. Các cụ có câu "Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình" quả không sai tí nào.
Sukem và bố
Nằm được 5 phút thì có người sang kêu mẹ đổi phòng. Trời ơi! Đổi phòng á? Ôi điên mất, đang đau chết đi được mà còn bắt người ta đổi phòng là sao? Là sao hả?? Mẹ lồm cồm bò dậy, tháo đám dây dợ quấn quanh bụng rồi lết sang phòng bên cạnh. Những cơn rặn lại đến, mẹ cứng đờ người ra để ghìm lại. 9h 25 phút cô bác sĩ tới, ôi may quá! Bác hướng dẫn mẹ "để chân vào đây, tay cầm lấy cái này, cơn rặn đến thì lấy hết sức đạp, tay kéo mạnh lên để lấy đà rặn". Mẹ đau lắm, đau kinh khủng nhưng trong đầu luôn tâm niệm "nhất định phải bình tĩnh, tập trung nghe lời bác sĩ để con được ra đời một cách an toàn."
Mẹ nằm nhìn chăm chăm vào cái đồng hồ treo tường. 9h30, cơn rặn đầu tiên đến, đau quá, đau mờ cả mắt, mẹ nghiến chặt răng, tay kéo chân đạp hết sức, mẹ rít qua kẽ răng nhưng bác sĩ nói "không được kêu, kêu mất sức không đẻ được đâu", mẹ sợ quá lại im tịt mà rặn.
Ôi trời ơi, đau quá, đau muốn chết mà con vẫn chưa ra là sao? Mẹ kiệt sức, nằm vật xuống nghỉ để lấy sức cho cơn rặn tiếp theo. 9h40, lại đau, lại gồng lên rặn hết sức nhưng con vẫn chưa ra. Bác sĩ an ủi mẹ "cố lên em, dành sức rặn 1 lần thật dứt khoát cho con ra sớm, nếu không con sẽ bị ngạt đấy". Nghe câu "con sẽ bị ngạt" như một liều "doping" tiêm thẳng vào não mẹ làm mẹ tỉnh như sáo. 9h45', cơn rặn tiếp theo ập đến, mẹ dồn hết toàn bộ sức lực tay kéo lên chân đẩy xuống thật mạnh.
A...., mẹ không nhịn được rít lên qua kẽ răng đang nghiến chặt, bên tai vang lên 1 tiếng "roạt" và cảm giác nhói đau vì bị rạch. Nhưng cơn đau đẻ đã át hết mọi nỗi đau khác nên dù bị rạch sống mẹ cũng không thấy sao cả. Bác sĩ hô to "đầu ra rồi, rặn mạnh lên", mẹ như được tiếp thêm sức mạnh , dồn hết sức rặn hơi cuối cùng và ào một cái, nước ối tuôn xối xả, con được bác sĩ đỡ lấy rồi. Mẹ thở phào, buông mình nằm xuống nhưng vẫn cố rướn mắt hướng về phía con. Ôi vậy là thiên thần bé bỏng của mẹ đã chào đời an toàn vào lúc 9h47', cảm ơn trời đất, cảm ơn con..."