Uống nhiều nước, hạn chế đứng, thay đổi chế độ ăn sẽ giúp mẹ bầu hạn chế hiện tượng xuống máu chân.
Phù nề chân, hay còn gọi là xuống máu chân, xảy ra khá phổ biến ở các mẹ bầu, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày.
Ngoài ra, phù chân có thể là một trong nhiều tín hiệu ban đầu của tiền sản giật. Do đó, mẹ bầu nên xử lý kịp thời, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về những biến đổi bất thường của cơ thể.
Dưới đây là một số lưu ý giúp mẹ bầu giảm hiện tượng phù nề chân.
1. Hạn chế thời gian đứng
Nếu công việc yêu cầu bạn phải đứng nhiều, đến cuối ngày, mẹ bầu có thể thấy mắt cá và chân lớn hơn so với lúc vừa ngủ dậy. Kết quả này là do lượng chất lỏng trong cơ thể được sản sinh ra nhiều hơn, để chuẩn bị cho quá trình lâm bồn. Khi đứng nhiều, nước sẽ dồn xuống chân.
Thêm vào đó, thai nhi đang lớn dần lên khiến cho việc lưu thông chất lỏng trong cơ thể không còn linh hoạt như trước kia. Do vậy, hạn chế áp lực dồn xuống mắt cá và chân là cách hữu hiệu giảm tình trạng phù nề.
Mẹ bầu hạn chế đứng quá lâu, chọn đôi giày đế mềm nếu bắt buộc phải đứng. Khi có thể, hãy nằm và gác chân lên cao hơn để máu và chất lỏng trong cơ thể được điều hòa đều đặn.
Mẹ bầu uống nhiều nước hơn để giảm triệu chứng phù nề chân. (Ảnh minh họa)
2. Uống nhiều nước hơn
Có thể mẹ bầu ngạc nhiên về lời khuyên này bởi lẽ khi cơ thể thừa lượng nước khiến phù chân. Trên thực tế, việc uống nhiều nước hơn giúp cơ thể đào thải được lượng nước dư thừa khi chưa cần thiết để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Vậy nên, hiện tượng xuống máu chân sẽ giảm bớt.
Mẹ bầu cần lưu ý lượng nước uống mỗi ngày để phù hợp với tình trạng thực tế của mình ví như vẫn bị nôn ói vì ghén, trong ngày mùa Hè nắng nóng hoặc đang trong chế độ tập luyện, mắc chứng đổ mồ hôi nhiều...
3. Điều chỉnh chế độ ăn
Khi chế độ ăn của bạn quá nhiều muối, hiện tượng phù nề chân càng trở nên trầm trọng hơn. Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Hoa Kỳ, mỗi ngày chỉ nên bổ sung 1 thìa muối, tương đương với khoảng 6gr muối hoặc 2400mg natri. Cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều muối, như đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, cháo súp đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài ra, mẹ bầu chú trọng đảm bảo cung cấp nguồn đạm cho cơ thể. Trong chế độ ăn mỗi ngày cần cung cấp đầy đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chẳng hạn như thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các thực phẩm động vật và các loại đậu…
Việc thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới phù. Do đó, để phòng tránh thiếu sắt, mẹ bầu nên chú ý ăn gan động vật từ 2 – 3 lần/ tuần để bổ sung sắt.
4. Sử dụng tất SC (Compression stocking)
Loại tất đặc biệt này còn khá lạ lẫm với mẹ bầu ở Việt Nam. Trên thực tế, nó được dùng để hỗ trợ người già trong việc điều trị các bệnh về tim mạch. Hình thức có thể không bắt mắt, nhưng tất SC sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho bạn, giúp giảm đau ở vùng bắp chân, mắt cá và bàn chân do hiện tượng phù nề gây ra.