Cứ nghĩ lần “2 vạch” này sẽ là tin vui lớn nhất của họ sau 4 năm hiếm muộn nhưng “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”.
Sau đám cưới, vợ chồng chị Trần Thị Hằng ở Cao Bằng lúc nào cũng mong ngóng sớm có tin vui. Dù đã kiên nhẫn đợi chờ cả năm trời sau cưới mà niềm vui ấy vẫn chưa thấy xuất hiện. Sốt ruột họ đưa nhau đi khám hiếm muộn và suốt 4 năm uống thuốc và điều trị nhiều nơi nhưng chưa tìm được con về bên mình.
Để nhanh chóng đón con yêu, vợ chồng chị Hằng đã quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau lần 1 thất bại, lần thứ 2 IVF họ may mắn đón nhận tin vui.
Thai đã ngưng tiến triển trong tử cung. (Ảnh: BSCC)
Ngày que thử thai lên 2 vạch là ngày vui nhất đời đối với vợ chồng chị Hằng và gia đình 2 bên. Thế nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu, khi đi siêu âm thai tại Hà Nội, chị Hằng chết lặng khi bác sĩ phát hiện tình trạng mang thai "trứng trống".
Theo bác sĩ chuyên khoa giải thích với cặp vợ chồng này, trứng trống hay còn gọi là trứng rỗng là tình trạng trứng đã được thụ tinh và bám vào thành tử cung nhưng không phát triển thành phôi thai. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thai hoặc sảy thai sớm ở mẹ bầu. Hiện tương trứng trống thường gặp vào khoảng tuần thứ 8 -13 của thai kỳ, nhưng đôi khi cũng sớm đến mức nhiều người phụ nữ còn chưa biết mình đang mang thai.
Trường hợp thai trứng trống, túi thai vẫn hình thành và phát triển bình thường nhưng lại không có phôi thai. Mặc dù phôi thai không có nhưng nhau thai vẫn tạo ra hormone thai kỳ hCG. Chính vì vậy khi xét nghiệm máu hoặc dùng que thử thai vẫn cho kết quả mang thai dương tính. Vì thế dù mẹ bầu mang thai trứng trống vẫn có các triệu chứng thai nghén như bình thường.
Được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán mang thai trứng trống nhưng người vợ trẻ vẫn không ngừng nuôi hy vọng tìm cách "cứu vãn" thai nhi trong bụng bằng cách từ Bắc vào Nam...
Tại đây, chị Hằng tìm đến Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 để thăm khám lại và tìm cách cứu vãn tình trạng mang thai trứng trống, nhưng tiếc rằng thai phụ này không thể thay đổi được tình hình.
“Thai lưu, thai ngưng tiến triển, trứng trống... tất cả là những từ dùng để chỉ bào thai trong tử cung người phụ nữ không còn dấu hiệu sinh tồn. Việc chẩn đoán hiện nay có thể nói là không khó. Quan trọng là bác sĩ siêu âm và bác sĩ chuyên khoa sản có thể hẹn tái khám kiểm tra lại sau 1-2 tuần trước khi kết luận. Tuy nhiên khi phôi thai đã chết lưu, ngưng tiến triển thì không bác sĩ nào có thể biến thành "thai sống" được, cho dù có sử dụng những thuốc thần thánh nào...”, bác sĩ Trung tâm sự.
Bản thân vị bác sĩ chuyên khoa này cho biết, mặc dù biết kết luận như vậy sẽ dập tắt mọi hy vọng cuối cùng của người vợ trẻ hiếm muộn trên nhưng sự thật đau lòng này cũng không thể kéo dài thêm vì như vậy sẽ chỉ làm mất thời gian, tiền bạc... của cặp vợ chồng hiếm muộn lặn lội từ phương xa tìm cách cứu con.
Chia sẻ về trường hợp mang thai trứng trống kể trên, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng trứng trống nhưng cho đến nay, y học vẫn chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này.
Nhưng có một số yếu tố liên quan đến việc dừng thai kỳ hoặc gây thai trứng trống cho các mẹ bầu như: Rối loạn nhiễm sắc thể số 9; cấu trúc gene bất thường; chất lượng trứng và tinh trùng kém; sự phân chia tế bào bất thường; mắc các bênh tự miễn như lupus, hội chứng Antiphospholipid; nhiễm trùng; bệnh mãn tính; yếu tố môi trường…
Nếu gặp phải tình trạng thai trứng trống liên tiếp, bệnh nhân cần thực hiện các phân tích nhiễm sắc thể của phôi để tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.
Dù nỗ lực tìm cách cứu vãn mang thai trứng trống, nhưng tiếc rằng thai phụ này không thể thay đổi được tình hình. (Ảnh: BSCC)
Đặc biệt, bác sĩ Trung cũng khuyến cáo sau khi điều trị mang thai trứng trống, chị em nên đợi khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt nữa mới chuẩn bị sẵn sàng cho lần mang thai tới. Trong thời gian này, cần cố gắng xây dựng lối sống lành mạnh giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục về thể chất lẫn tinh thần để sẵn sàng một thai kỳ khỏa mạnh trong tương lai:
- Khám sức khỏe trước khi mang thai, thực hiện các xét nghiệm và tiêm ngừa những mũi vắc-xin cần thiết.
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng.
- Giữ tâm trạng thoải mái nhất.
- Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Bổ sung axit folic giúp tránh dị tật ở thai nhi.