Theo chuyên gia về sức khỏe sinh sản, để phòng ngừa nấm âm đạo, phụ nữ mang thai cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phơi quần áo dưới nắng, đặc biệt là quần lót.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với ngành y, đặc biệt trong lĩnh vực sản phụ khoa, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức thống kê, khoảng 20 - 30% chị em mang thai mắc phải nấm âm đạo.
Bởi lẽ, khi mang thai, thai phụ có sự tăng đột biến về hoóc-môn nên vùng kín rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, những tác nhân bên ngoài như thời tiết ẩm, các bào tử nấm trong không khí có thể rụng và đậu trên quần áo (quần lót). Khi mặc quần lót ẩm là cơ hội tốt để nấm có thể tấn công gây ra nấm âm đạo.
Đặc điểm ban đầu có thể giúp thai phụ nhận ra mình đang mắc bệnh này là thai phụ cảm thấy ngứa “vùng kín”, có nhiều khí hư trắng như bã đậu và có mùi khó chịu.
“Loại nấm phổ biến gây bệnh nhất là nấm Candida. Bị nấm âm đạo khi mang thai thường không gây mất mạng. Trong trường hợp bị nấm âm đạo nặng, nếu không điều trị sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu. Nấm âm đạo có thể gây ra viêm màng ối dẫn tới vỡ màng ối và sinh non. Nếu nấm phát triển xuyên qua màng ối, trẻ sinh ra dễ gặp các vấn đề về hô hấp”, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.
Ảnh minh họa
Cũng theo PGS.TS Hoài Đức, nấm âm đạo ở phụ nữ mang thai nếu phát hiện sớm có thể chữa rất đơn giản, khi có triệu chứng ngứa vùng kín thì chị em nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân bị nấm hay nhiễm trùng âm đạo. Việc đặt thuốc trong khoảng 1- 2 tuần theo hướng dẫn của bác sĩ có thể hết bệnh.
Thuốc đặt hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi, sự ảnh hưởng chỉ xảy ra khi thai phụ đặt quá liều, không đúng chỉ định của thầy thuốc.
Muốn dự phòng nhiễm nấm, thai phụ có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh cân bằng độ PH, chỉ dùng khi thấy âm đạo tiết dịch nhiều. Khi vệ sinh, chỉ rửa nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu vào trong âm đạo, tránh đưa vi khuẩn bất lợi vào bên trong.
Bên cạnh đó, PGS.TS Hoài Đức còn khuyến cáo, khi phụ nữ đang mang thai thấy khó chịu vùng kín không nên tự ý mua thuốc đặt điều trị nấm vì điều này sẽ rất nguy hiểm. Đặt thuốc không đúng liều còn khiến bệnh nặng hơn do nhờn thuốc.
Tuy nhiên, nấm âm đạo có thể tái lại nếu như thai phụ không biết cách vệ sinh sạch sẽ hoặc mặc quần lót khi chưa được phơi khô.
“Chính vì vậy, để phòng ngừa nấm âm đạo cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phơi quần áo dưới nắng, đặc biệt là quần lót. Trong thời tiết ẩm ướt, quần áo không khô cần phải sấy. Khi nhà ẩm ướt cần phải vệ sinh nhà sạch sẽ, khô ráo, tránh để bào tử nấm có cơ hội phát triển”, PGS.TS Hoài Đức nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của phóng viên về kinh nghiệm dân gian thường dùng lá trầu không xông để trị nấm âm đạo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức khuyến cáo, thai phụ khi bị nấm âm đạo không nên ngồi xông lá trầu không. Việc xông lá trầu không khó có thể điều trị được hết nấm mà còn khiến thai phụ bị mệt mỏi do phải ngồi lâu.
“Trong quá trình mang thai, cứ 3 tháng phụ nữ nên đi khám phụ khoa một lần để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và tư vấn”, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Đức đưa ra lời khuyên.