Rôm sảy và hăm tã là hai tình trạng về da xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn đặc biệt trong mùa nóng ẩm.
Dưới đây là những chia sẻ của Bác Sĩ Thân Trọng Thạch – Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM – BS Phòng khám Sản Phụ Khoa Mẹ và Bé sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ về rôm sảy và hăm tã để có cách phòng ngừa hiệu quả.
Rôm sảy và hăm tã khác nhau như thế nào?
Trẻ sơ sinh sau khi chào đời phải thích ứng với môi trường hoàn toàn khác bên trong bụng mẹ. Trong thời gian đầu, làn da của trẻ sẽ có những phản ứng đối với môi trường bên ngoài, gửi đến bố mẹ thông điệp về quá trình thích ứng của con đang diễn ra. Bố mẹ không nên quá lo lắng khi nhìn thấy con có một số biểu hiện bất thường trên da, hầu hết các vấn đề đều tự kiểm soát được tại nhà. Nhưng nếu sinh con vào giai đoạn thời tiết nóng ẩm, các bậc phụ huynh cần chú ý để chăm sóc con kĩ hơn vì đây là thời điểm mồ hôi của trẻ tiết ra nhiều hơn, lỗ chân lông bị bít tắt, cơ thể lại chưa hoàn thiện hệ thống điều nhiệt, các vấn đề về da của trẻ sẽ có nguy cơ kéo dài hơn hoặc nghiêm trọng hơn.
Điển hình, rôm sảy và hăm tã là hai vấn đề thường xảy ra với hầu hết trẻ sơ sinh, đặc biệt kéo dài và có nguy cơ nghiêm trọng hơn trong giai đoạn thời thiết nóng ẩm. Nhìn bên ngoài, rôm sảy và hăm tã khá giống nhau nên thường khiến bố mẹ nhầm lẫn. Dưới đây là một số thông tin cơ bản và cách để nhận biết chúng:
Đối với rôm sảy: Đây là tình trạng bít tắt tuyến mồ hôi gây ứ đọng mồ hôi do chất bẩn khiến da bị viêm hay xuất hiện các mụn nhỏ li ti màu hồng. Vùng da bị rôm sảy thường sần và khô. Rôm sảy thường xuất hiện ở những vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như trán, cổ, vai, ngực hay lưng. Đa số trẻ bị rôm sảy khi thời tiết nóng, tuy nhiên khi thời tiết mát mẻ, trẻ vẫn có thể bị rôm sảy nhưng tình trạng sẽ nhẹ hơn, tự lặn, không kéo dài.
Đối với hăm tã: Đây là tình trạng thường xảy ra ở vùng mặc tã như mông, bẹn, đùi của trẻ. Vùng da bị hăm thường phẳng, không sần, ửng đỏ cũng như thường ẩm và nóng hơn các vùng da khác. Nguyên nhân thường là do trẻ không được thay tã thường xuyên, cũng có thể do khả năng thấm hút của tã kém khiến khiến bề mặt tã ẩm ướt tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, vùng da bé tại vị trí này không được khô ráo lại tiếp xúc lâu với chất bẩn. Hơn nữa, việc cọ xát nhiều giữa vùng da nhạy cảm này với tã cũng có thể gây ra tình trạng hăm tã, đặc biệt dễ xảy ra hơn với tã có bề mặt không đủ mềm mại. Nếu vùng da vị trí mặc tã của bé bị viêm đỏ, sưng nóng hay bé hay quấy khóc lúc thay tã thì có thể bé bị hăm tã đấy!
Rôm sảy và hăm tã tuy khác nhau nhưng đều khiến trẻ sơ sinh khó chịu, quấy khóc.
Bố mẹ có thể giúp trẻ thoải mái hơn bằng cách nào?
Vệ sinh sạch sẽ và giữ cho trẻ luôn thoáng mát: Bố mẹ chú ý giữ cho không gian phòng ngủ của con sạch thoáng, nhiệt độ phòng lý tưởng rơi vào khoảng 26-28oC. Cơ bản là nhiệt độ cơ thể của trẻ khá cao nên nếu được sinh hoạt trong không gian mát mẻ, trẻ sẽ thoải mái và cũng tránh được các vấn đề về da gây nên bởi nhiệt độ nóng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng chú ý đừng để nhiệt độ phòng quá thấp vì sẽ làm hạ thân nhiệt trẻ. Ngoài ra, hãy lưu ý cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, mát mẻ, quần áo với chất liệu bằng cotton được khuyến khích sử dụng nhé!
Dưỡng da cho trẻ thường xuyên: Rất nhiều người quan niệm việc dưỡng da cho trẻ sơ sinh là không cần thiết, tuy nhiên khoa học chứng minh đây là điều nên làm bố mẹ nhé! Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ sơ sinh khoảng 80%, điều này tạo nên cho bé yêu một làn da bên ngoài luôn ẩm mịn và tràn đầy sức sống. Đó là lý do chúng ta vẫn thường ước “giá như mình có làn da em bé!” phải không nào?
Tuy nhiên bố mẹ không biết rằng đến khoảng 2-3 tháng tuổi, các tuyến bã nhờn trên làn da mỏng manh của bé sẽ ít bài tiết hơn làm lớp dầu bao phủ bảo vệ cho da cũng sẽ mỏng đi khiến sự thoát nước qua da tăng cao, da bé sẽ chuyển dần sang khô. Do vậy, dưỡng ẩm da cho trẻ không chỉ là giúp thiên thần nhỏ duy trì sức khỏe làn da ngay từ thuở sơ sinh, mà còn giúp hạn chế tình trạng bong tróc xảy ra, giảm nguy cơ đối mặt với các vấn đề về da khác.
Bố mẹ hãy lưu ý chọn sản phẩm dưỡng dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh, tránh thành phần Paraben và Phthalates dễ gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Và chỉ dùng một lượng vừa đủ tạo độ ẩm cho da trẻ thôi nhé! Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến BS để sử dụng kem đặc trị rôm sảy cho trẻ nếu cần thiết.
Chọn tã phù hợp dựa trên đặc điểm về da: Bố mẹ hãy nhớ, các tiêu chí chọn tã phù hợp cho trẻ sơ sinh chính là: tính mềm mại – thiết kế vừa vặn – khả năng thấm hút tốt. Quần áo, chăn mền, khăn lau…và cả tã đều cần phải mềm mại bởi đây là các vật dụng tiếp xúc với da trẻ sơ sinh thường xuyên.
Tã với chất liệu bề mặt bằng cotton hiện nay không khó tìm và đây cũng là loại được khuyến khích sử dụng, tạo độ mềm mại, thân thiện đối với da trẻ. Ngoài ra, tã sơ sinh có bổ sung thêm Vitamin E lên bề mặt cũng là một điểm cộng giúp cho làn da của thiên thần nhỏ được bảo vệ và luôn ẩm mịn, cũng như ngăn ngừa ngứa hay phát ban nữa, bố mẹ lưu ý nhé! Bố mẹ cũng đừng quên rằng tã cần có thiết kế vừa vặn với cơ thể để giúp trẻ thoải mái, không bị cấn da do tã chật hay bị tràn chất bẩn ra hông/lưng vì tã quá rộng.
Cuối cùng, tiêu chí vô cùng quan trọng khi cân nhắc lựa chọn tã sơ sinh chính là khả năng thấm hút. Hãy chú ý công nghệ cải tiến về tính năng thấm hút của tã, điển hình như công nghệ rãnh thấm kim cương ở tã dán sơ sinh sẽ giúp chất lỏng thấm nhanh, dàn đều theo các rãnh thấm và ngăn cho chất bẩn thấm ngược trở lại, giữ cho da trẻ luôn khô thoáng, tránh nguy cơ hăm bí da.
Chọn tã phù hợp cho trẻ sơ sinh cũng là cách giúp phòng ngừa các vấn đề về da thường gặp.