Với kiểu cắm chéo đan quạt, các cành hoa sẽ vào phom đều nhau. Ngoài ra, bạn có thể thoải mái chỉnh sửa mà không làm xô lệch các cành thược dược đã đúng vị trí.
Mọi người thường hay cho rằng đàn bà con gái thì khéo tay hơn đàn ông. Và những việc như nấu ăn, cắm hoa,...chỉ dành cho phụ nữ. Thế nhưng, cái đẹp đâu chỉ của riêng ai. Cắm hoa là một nghệ thuật và ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ với đôi bàn tay và tâm hồn của mình. Vẫn có những người con trai tài hoa khiến nhiều chị em phải ngả mũ thán phục. Anh Đỗ Vy Anh (Khu đô thị Ciputra, Hà Nội) là một ví dụ khi khá nổi tiếng trên những hội những người thích cắm hoa tươi hay cắm hoa Ikebana.
Vốn là dân học Mỹ thuật công nghiệp nên phần nào anh cũng có con mắt thẩm mỹ riêng biệt. Tuy nhiên, để cắm được những bình hoa đẹp, đúng chuẩn cũng đòi hòi không ít tâm sức thực hành. Đến nay, khi đã thành thạo, anh lại truyền chút bí kíp riêng của mình cho mọi người. Cận Tết, cách cắm những bình hoa Tết như thược dược luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo chỉ em.
Đầu tiên là cách chọn hoa. Khi bạn mua cả bó hoa ở ngoài chợ, gánh hàng rong thì bao giờ cũng có khoảng 30 - 40% là những cành to khỏe, dài mập. Những cành còn lại chia ra một phần có chiều cao trung bình, một phần là những cành hoa phụ. Những cành hoa phụ không phải bỏ đi nếu như các bạn tận dụng được tối đa vẻ đẹp mềm mại của chúng khi kết hợp với những cành hoa chính khỏe khoắn. Sự hài hòa sẽ mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho bình hoa cắm.
Bình hoa cắm gồm một lọ nhỏ lồng bên trong một chiếc lọ to bên ngoài. Chúng ta chỉ cắm hoa ở bình nhỏ phía bên trong.
Tiếp theo, một bình hoa đẹp cần có không gian giữa từng cành hoa với nhau. Mật độ thưa thoáng sẽ đẹp hơn là cắm hoa dày đặc.Một bình to như của anh Vy Anh đang cắm gồm 50 bông to nhỏ khác nhau.
Cành hoa cao nhất thường sẽ có chiều cao gấp từ 1,5 đến 2 lần chiều cao của bình cộng với đường kính bình. Quy tắc sẽ là "Lọ ba, hoa bảy", tức là diện tích hoa chiếm 7 phần thì bình lọ chiếm 3 phần. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào không gian bày hoa và cảm xúc muốn diễn đạt mà có thể thay đổi.
Khi xếp các cành hoa sát miệng lọ đầu tiên nên xếp xiên chéo (không để thẳng) theo một chiều như kiểu đan quạt. Sau đó xếp lớp thứ 2, 3 cũng đan chéo gài vào nhau theo cùng một chiều. Hoa cắm sẽ to dần từ ngoài vào trong. Những cành thẳng, khỏe ở trung tâm bình hoa. Cách đan cành theo lớp và cùng chiều như vậy sẽ giúp các bạn dễ dàng khi rút 1 cành hoa ra để điều chỉnh mà không làm xô lệch, phá vỡ kết cấu của những cành đã cắm.
Sự khác biệt giữa cách cắm xiên chéo kiểu đan quạt (trái) giúp dễ dàng điều chỉnh khi có sai sót
Các cành đan quạt ở hình trên có khá nhiều khe trống. Sang hình này, bạn cắm thêm các cành vào khoảng trống. Độ nghiêng và độ xiên bớt dần khi vào trung tâm bình hoa. Nghĩa là lớp đầu tiên - sát miệng bình có độ nghiêng và xiên nhất nhằm tạo ra sự lả lướt mềm mại. Các lớp tiếp theo bớt dần vào trong.
Thược dược rất nhanh héo nên khi cắm cần cung cấp đủ dưỡng chất và nước để hoa tươi lâu. Ngoài ra, hàng ngày bạn cần thay nước để làm chậm quá trình thối rữa, phân hủy của cuống hoa, cung cấp nước mới sạch sẽ.
Bình hoa của chị Hạnh Lê cắm theo hướng dẫn của anh Vy Anh
Chị có nick facebook là Khoai Mật chia sẻ: "Em phục em một, thì em phục bác Đỗ Vy Anh 10. Với những gì bác chia sẻ, em hí hoáy với mấy cô nàng thược dược đỏng đảnh này mất gần tiếng đồng hồ."