Vì có vẻ ngoài lộng lẫy, kiêu sa, tinh tế, giá thành khá cao nên loài hòa này được gọi là cây cảnh “quý tộc”.
Hoa lồng đèn hay còn gọi là hoa vân anh, tên khoa học là Fuchsia magellanica Lam, có nguồn gốc từ Chili – Nam Mỹ. Có hơn 100 loại hoa lồng đèn khác nhau trong tự nhiên, khó có thể liệt kê hết được.
Nhưng chúng có điểm chung là cây thân bụi thấp, cao từ 80cm -1m với màu chủ đạo là tím đỏ, tím trắng và hồng. Cây ra hoa quanh năm, hoa rủ xuống như những chiếc đèn lồng đầy màu sắc trông rất bắt mắt. Vì có vẻ ngoài lộng lẫy, kiêu sa, tinh tế, giá thành khá cao nên nó được gọi là cây cảnh “quý tộc”.
Trong phong thủy, hoa lồng đèn tượng trưng cho may mắn, tài lộc, trồng một chậu trong nhà thì gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió. Hoa lồng đèn còn được biết đến là một biểu tượng của ánh sáng, của niềm tin và niềm hy vọng vào tương lai. Trong tình yêu, nó được biết đến với ý nghĩa của một tình yêu nồng nhiệt, đỏ thắm cho đôi lứa.
Cách trồng và chăm sóc hoa lồng đèn
Hoa lồng đèn có thể được nhân giống bằng cách giâm cành. Từ tháng 3 đến tháng 5 vào mùa xuân và từ tháng 8 đến tháng 9 vào mùa thu là thời điểm thích hợp để nhân giống. Bạn có thể trồng ở ban công, sân thượng hoặc trước cổng nhà,… đều được.
Nhiều người nói hoa lồng đen tuy rất đẹp nhưng lại khó chăm sóc và sẽ chết nếu không cẩn thận. Trên thực tế, khi trồng hoa lồng đèn, chỉ cần chú ý những điểm sau, bạn có thể dễ dàng được ngắm hoa quanh năm.
- Đất trồng: Để cây phát triển tốt, nên trồng trong đất màu mỡ, tơi xốp, hơi chua, giàu mùn.
- Ánh sáng: Cây hoa lồng đèn rất thích ánh sáng. Chỉ khi đủ ánh sáng thì lá mới có màu sẫm, số lượng ra hoa tăng lên, nếu thiếu ánh sáng thì cành sẽ dài, rũ xuống và rất ít hoa. Tuy nhiên không đặt cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, cây thích môi trường nửa râm mát với ánh sáng tán xạ. Nếu đặt trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt thì lá sẽ bị hư hại, cháy lá, chuyển sang màu vàng bạc và dần khô héo.
Để cây hoa lồng đèn có hình dáng đầy đặn, cần thay đổi vị trí thường xuyên trong thời kỳ sinh trưởng để cây nhận được ánh sáng đều, tránh nghiêng về một bên làm hỏng hình dáng cây. Tuy nhiên, nên di chuyển ít hơn trong thời kỳ cây ra hoa, nếu không sẽ khiến nụ và hoa rụng.
- Tưới nước: Hoa lồng đèn ưa nước nhưng lại sợ úng nước. Nếu để đất trong chậu khô hẳn mới tưới thì cây sẽ bị héo. Tốt hơn hết khi đất khô được 1-2cm thì tưới nước thật kỹ cho cây. Trước khi trời mưa, bạn nhớ đặt cây ở nơi có mái che. Nếu khi trời mưa mà di chuyển chậu hoa quá muộn thì nên xả nước trong chậu kịp thời để tránh đọng nước kẻo gây thối rễ.
- Bón phân: Hoa lồng đèn phát triển nhanh và nở hoa thường xuyên, vì vậy trong thời kỳ sinh trưởng, bạn cần bón phân thường xuyên. Bạn có thể bón phân hỗn hợp 10 ngày một lần. Đất trong chậu phải khô trước khi bón phân.