Mỗi lần thay nước cho cây thủy canh, bạn phải rửa sạch bình, cắt tỉa rễ bị thối, lá bị vàng, bị chết (nếu có).
Cây thủy canh mấy năm gần đây ngày càng được ưa chuộng, trước hết là đẹp, thứ hai là sạch sẽ, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều người trồng cây thủy canh nói rằng cây dễ gặp vấn đề như thối rễ, vàng lá, cây kém phát triển.
Thực ra, nguyên nhân là do bạn bảo dưỡng cây sai cách. Để cây thủy canh phát triển tốt, bạn nên chú ý những điểm sau:
1. Chọn cây thủy canh phù hợp
Không phải tất cả các loại hoa, cây cảnh đều có thể thích nghi với môi trường thủy canh. Thông thường các loại cây được trồng thủy canh thường thuộc họ Araceae, Liliaceae, Agaveaceae, Crassulaceae,… như trầu bà, trúc phát tài, lưỡi hổ,… Những cây thân gỗ không phù hợp với cách trồng thủy canh.
2. Xới đất và rửa sạch rễ
Khi cây được chuyển đổi từ trồng đất sang trồng thủy canh, điều quan trọng nhất để cây thủy canh phát triển tốt là phải “rửa sạch đất và rễ” của cây, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây, đồng thời dễ bị sâu bệnh gây hại tấn công.
Cây được chọn nên đổ hết đất, lắc và vỗ nhẹ sau đó ngâm vào nước sạch 15-20 phút. Sau đó, dùng tay rửa nhẹ nhàng bộ rễ, thay nước 2-3 lần, rửa sạch cho đến khi bộ rễ lộ ra, không còn bám đất nữa.
3. Thay nước thường xuyên
Cây thủy canh cần thay nước thường xuyên, nguyên tắc thay nước là nước trong bình trở nên hơi đục thì cần thay nước. Trong trường hợp bình thường, nước nên được thay 10-15 ngày một lần vào mùa xuân và mùa thu; vào mùa hè thì 5 ngày/lần, và 30 ngày một lần vào mùa đông.
4. Làm sạch và cắt tỉa
Mỗi lần thay nước, bạn phải rửa sạch bình, cắt tỉa rễ bị thối, lá bị vàng, bị chết (nếu có). Khi thấy rễ bị thối, bạn nên dùng kéo đã sát khuẩn để cắt bỏ. Nếu không kịp thời loại bỏ phần rễ bị thối, phần rễ còn lại rất dễ bị lây bệnh, dần dần dẫn đến hiện tượng vàng lá, chết cây.
5. Bổ sung dung dịch dinh dưỡng
Khi thay nước cần pha thêm dung dịch dinh dưỡng thủy canh, thông thường có thể sử dụng dung dịch dinh dưỡng chuyên dùng được bán trên thị trường. Bạn nên pha theo hướng dẫn với nồng độ thích hợp, không nên làm sai kẻo gây hại cho cây.
Nếu pha bằng nước máy, thì nước máy nên để ra ngoài nhiệt độ phòng khoảng 2 giờ đến nửa ngày để bay hơi hết clo trong nước, sau đó mới thêm dung dịch dinh dưỡng vào.
6. Đảm bảo đủ ánh sáng
Hầu hết các loại cây thủy canh đều cần đủ ánh sáng tự nhiên để đảm bảo quá trình quang hợp, nhưng chủ yếu những loại cây này đều ưa ánh sáng tán xạ. Vì vậy vào mùa hè nắng gắt, bạn nên che nắng cho cây, tránh để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Vào mùa đông ánh sáng yếu, có thể đặt cây thủy canh ở phòng khách hoặc ban công hướng Nam để cây nhận đủ ánh sáng.
7. Đảm bảo giữ ẩm và giữ ấm cho cây
Khi khí hậu khô hanh, bạn nên tưới nước lên lá cây để duy trì độ ẩm cho cây, nhờ đó lá cây sẽ xanh bóng và tràn đầy sức sống. Hãy xịt nước lên lá cây khoảng 2 lần/ngày.