Ô tô Mercedes chạy chéo từ làn ngoài vào làn trong, chèn ép xe máy do nam thanh niên điều khiển lao vào dải phân cách.
Hình ảnh sự việc được chia sẻ trên nhóm facebook về giao thông cho thấy, sau khi lao vào dải phân cách, lái xe máy bị ngã đập người xuống đường nhưng có thể ngồi dậy.
Hình ảnh vụ tai nạn thu hút hàng chục bình luận, phần lớn các ý kiến bày tỏ bức xúc về cách lái xe nguy hiểm của tài xế điều khiển ô tô Mercedes. Trước sự việc bất thường, cũng có ý kiến đặt câu hỏi nghi vấn, không biết thời điểm xảy ra va chạm, lái xe ô tô Mercedes có trong tình trạng “tỉnh táo”, có sử dụng rượu bia hay điện thoại di động khi lái xe hay không?
Từ sự việc trên, PV đã trao đổi với luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) về quy định xử lý hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, chuyển làn không đúng quy định, vi phạm về nồng độ cồn.
Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, với hành vi không chú ý quan sát, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Về hành vi sử dụng điện thoại khi lái ô tô, luật sư Kiên cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng diện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng – 3.000.0000 đồng. Với lỗi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, luật sư Lê Văn Kiên cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định quy định, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo luật sư Kiên, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, trong đó quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể tăng lên 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội của tài xế.
Luân sư Kiên cho biết thêm, trong trường hợp bị xác định cố tình gây tai nạn gây thương tích hoặc làm người bị hại thiệt mạng, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người - tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình.