Những vấn đề nổi cộm liên quan đến trẻ vị thành niên được nhắc đến trong "13 lý do tại sao" (13 Reasons why) khiến không ít người phải suy ngẫm.
Thời gian vừa qua, series phim truyền hình Mỹ - 13 lý do tại sao (13 Reasons why) – nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Nội dung tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho giới trẻ cùng tên của nhà văn Jay Asher. Phim đề cập đến những vấn nạn nổi cộm liên quan đến trẻ vị thành viên ngày nay như cưỡng hiếp và tự sát.
13 lý do tại sao được cho là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh: Hãy quan tâm đến con cái nhiều hơn, đặc biệt là khi chúng bước vào độ tuổi trường thành và bắt đầu có những suy nghĩ cùng hành động tiêu cực. Thế nhưng, liệu bộ phim này có thực sự truyền tải được thông điệp đó hay không?
Trailer "13 lý do tại sao"
13 lý do tại sao mở đầu bằng sự kiện nữ sinh trung học Hannah tự sát. Cô bé để lại 13 cuộn băng cát-xét, liệt kê những lý do khiến Hannah quyết định kết thúc cuộc đời mình và danh tính những kẻ đã đẩy cô đến bước đường cùng. Nhân vật chính của bộ phim là Clay – người nhận được những cuộn băng này cũng như dành 13 tập để lắng nghe chúng.
Clay xuất hiện như một thám tử để điều tra sự việc. Bên cạnh đó, người xem cũng nhìn nhận cậu như “thiên thần trả thù cho bạn”. Thế nhưng, khi nghe đến cuộn băng mà Hannah nhắc đến tên chính mình như một lý do để cô bé tự sát, Clay đã vô cùng bàng hoàng...
Khởi đầu với một tầm nhìn mới mẻ, thế nhưng, 13 lý do tại sao vẫn mang đến cho người xem cảm giác khiên cưỡng và có phần hơi “trẻ trâu”. Mặc dù nhắc đến 2 vấn nạn đang được quan tâm nhất hiện nay là cưỡng hiếp và tự sát, nội dung bộ phim vẫn tập trung chính vào câu chuyện trả thù đầy ảo tưởng. Nói cách khác, Hannah dù đã qua đời nhưng vẫn quay lại giày vò những kẻ đã từng hại cô bé.
Ví dụ như trong tập 10 của 13 lý do tại sao, bạn thân của Hannah – Jess – bị cưỡng hiếp. Trong khi đó, Hannah đã chứng kiến việc đó khi trốn trong chiếc tủ đựng bát. Vì quá sợ hãi nên cô bé đã không lên tiếng. Việc này hoàn toàn không đáng trách.
Nhưng chi tiết đáng để suy ngẫm hơn cả là việc Hannah quyết định kể lại câu chuyện đấy qua băng cát-xét và liệt kê tên của 13 người để khiến mọi người nghi ngờ họ. Chính vì thế, ngay cả nạn nhân Jess cũng muốn phát rồ.
Chưa kể đến việc, Hannah còn dành riêng một băng cát-xét cho Jess, nói với cô bé rằng Jess là một người bạn tồi tệ và trách nhiệm của Jess trong cái chết của mình. Chi tiết này khiến nhiều khán giả lạnh sống lưng bởi những suy nghĩ quá tiêu cực của Hannah.
Phải nói, 13 lý do tại sao có nhiều phân đoạn đẩy khán giả vào tình thế khó hiểu. Đặc biệt là khi những cuộn băng đầu tiên xuất hiện, Hannah quay trở lại và hành hạ những người thực sự không đáng bị như vậy. Cô bé trở thành kẻ báo thù thực sự. Đầu tiên là qua tác động cảm xúc mà từng lời nói của Hannah mang đến cho đối phương. Tiếp sau đó là qua hành động của Clay trong suốt bộ phim như đập phá đồ đạc cá nhân những 2 lần.
“Cậu chỉ cần biến tất cả mọi thứ xung quanh xoay quanh mình cậu là được”. Câu nói này của Clay hoàn toàn không sai chút nào. Qua mỗi tập phim, chúng ta có thể thấy được sự ảnh hưởng mà quyết định của Hannah mang lại đến với từng nhân vật xuất hiện trong 13 lý do tại sao.
Hậu quả của nó mang đến cho cả một cộng đồng là rất lớn. Nhưng rồi mọi thứ lại bị xoá nhoà bởi bộ phim chỉ muốn chúng ta tập trung vào sự suy sụp của Hannah và những cuộn băng. Kết thúc cuối mỗi tập luôn là cảnh Clay cho cuộn băng tiếp theo vào máy.
13 lý do tại sao muốn đề cập tới những vấn đề quan trọng liên quan đến việc trẻ vị thành niên tự sát. Tuy nhiên, tác phẩm chẳng đưa ra được cách xử lý một cách rõ ràng. Cho đến tận tập cuối cùng, chẳng ai học được bất cứ điều gì. Họ chỉ đang huỷ hoại bản thân mình thêm nhiều mà thôi.
Thật sự, cái chết của Hannah không có nhiều ý nghĩa như khán giả tưởng. Đồng ý rằng chúng ta nên để ý đến những dấu hiệu trong tâm lý của trẻ vị thành niên, rằng chúng ta nên thận trọng với mỗi hành động của mình để tránh gây tác động xấu đến cuộc sống cùng tâm tư của người khác. Nhưng 13 lý do tại sao không thật sự cho khán giả thấy được những bài học đó. Nó chỉ hành hạ các nhân vật, chỉ trích họ vì đã không nhận ra điều ấy.
Không lấy làm lạ khi khán giả thường xuyên giật nảy mình khi theo dõi "13 lý do tại sao". Hannah không chỉ tự kết liễu cuộc đời mình mà còn huỷ hoại cuộc đời của những người khác.
Trong một tập phim có xuất hiện cảnh nhiều người ném gạch về phía cửa sổ phòng một nhiếp ảnh gia trẻ bởi những gì mà cậu ta đã làm với Hannah. Cậu bé là người đã chụp ảnh Hannah qua cửa sổ phòng cô và điều đó thật sự không nên.
Khi Hannah gặp cậu ta để hỏi về điều này, cậu bé lại muốn coi Hannah như một người bạn. Cậu quá cô độc và muốn có một ai đó ở bên. Thế nhưng, Hannah lại hét vào mặt cậu rằng cậu là kẻ tâm thần. Bởi vì quá tức giận, cậu bé đã công khai loạt ảnh chụp Hannah ra ngoài.
Cả quá trình đó, bộ phim chỉ tập trung vào suy nghĩ của Hannah và biến nhân vật nhiếp ảnh gia đó thành một gã đeo bám, không chịu để Hannah được yên. Mỗi đêm, cửa sổ phòng cậu bị gạch táp và cậu vẫn phải chịu đựng nỗi cô đơn dai dẳng.
Bên cạnh đó, dù nhà sản xuất tự hào rằng tác phẩm của mình khác biệt, thế nhưng nó vẫn đi vào lối mòn như những bộ phim dành cho tuổi teen khác: những câu pha trò cười nhạy cảm, những cô nàng thuộc đội cổ vũ xấu tính, cô gái kỳ lạ khi suốt ngày vác dao đi khắp nơi, những bậc phụ huynh thận trọng thái quá..v...v...
Mỗi chi tiết đó đều trở thành bức biếm hoạ, điểm xuyết trong hành trình u ám của Hannah và Clay. Lời tường thuật của Hannah đã đẩy khán giả khỏi những sự kiện khác. Trong khi đó, rõ ràng 13 lý do tại sao tồn tại nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm hơn nhưng lại vô tình trở nên nhạt nhoà cũng như bị đẩy sang bên lề.
Sự bất ổn định trong tính cách nhân vật cũng khiến 13 lý do tại sao mất điểm trầm trọng. Hannah lúc thì vô cùng nhạy cảm bởi những hành động dù chỉ nhỏ nhất của mọi người đối với mình, lúc thì ích kỷ, lúc thì cư xử hệt như những kẻ đã từng bắt nạt cô bé.
Clay thì quá dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh chỉ trong 1 phút ngắn ngủi. Có những lúc, việc đoán mục đích hành động của mỗi nhân vật thôi cũng khiến khán giả thấy mệt mỏi vô cùng.
Có quan điểm cho rằng, 13 lý do tại sao khiến việc tự sát trở nên “lung linh” hơn. Quả thực, suy nghĩ này khó có thể được nhận định là đúng đắn và bộ phim đã chọn sai hướng để mang đến bài học về cuộc sống cho giới trẻ.
Đúng là một mặt, 13 lý do tại sao khuyến khích chúng ta hãy đối xử tốt với bạn bè/người thân và hãy để ý đến những dấu hiệu của sự nổi loạn, sự “méo mó” trong tâm tưởng. Thế nhưng, nó lại không tập trung vào yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tự sát của trẻ vị thành niên – sự im lặng.
Trong cuộc sống thường ngày, Hannah bị ngược đãi và cô bé không nói với ai về điều đó. Còn cái chết của Hannah lại giúp cô có cơ hội để được lắng nghe và trả thù những người đã đối xử không tốt với mình. Thông điệp gửi đến người xem này có phần quá tiêu cực.
Hannah hẳn nhiên là hiện thân, là tiếng nói của những nạn nhân đã phải im lặng chịu đựng sự bạo hành. Cách duy nhất mà cô bé truyền tải điều đó là tự sát. Nó đưa vào đầu những khán giả trẻ suy nghĩ ảo tưởng “Liệu có ai nhắc đến mình sau khi mình chết hay không?”
Điều đó không khuyến khích những đứa trẻ sống tích cực hơn mà chỉ khiến chúng thêm chắc chắn rằng: Tự sát là sự kết thúc thực tế của cuộc đời mỗi con người. Đây là một thông điệp quá đáng sợ để gửi đến các khán giả trẻ - đối tượng bị hấp dẫn bởi 13 lý do tại sao.