"Habinger Down" (tên tiếng Việt: “Trùng Quỷ”) là một thử nghiệm thú vị mà bạn không nên bỏ qua.
Tại các rạp chiếu phim, dường như người ta đang nín thở chờ đợi cuộc đổ bộ của Ant-man – bom tấn tiếp theo của mùa hè đến từ ông lớn Marvel. Các bộ phim được trình chiếu trong thời gian trước khi Ant-man đều chịu chung số phận rơi vào khoảng lặng trước bão – trời im không gió, còn các bộ phim thì xuất hiện im lìm không kèn trống.
Các phiên bản poster phim
Habinger Down không phải kiểu phim xuất sắc sẽ càn quét mọi phòng vé tới độ người ta phải suýt xoa, nhưng bộ phim kinh dị - rùng rợn này đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó – kể lại một câu chuyện trong vòng 86 phút, và gửi tới người xem một thông điệp có nội dung cụ thể.
Phim kể về một chuyến ra khơi bắt cua của con thuyền Habinger với những vị khách đi nhờ đến từ trường đại học đang theo dấu một đàn cá heo. Chuyến đi nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng khi họ vớt được xác của một phi thuyền của Liên Xô từ những năm 80, đánh thức con quái vật khủng khiếp đang ngủ say giữa lớp băng vĩnh cửu.
Một cảnh trong phim
Trong một mùa hè mà khán giả đã được thưởng thức “no nê” những bộ phim kinh dị tâm linh với kinh phí sản xuất vào hàng “bom tấn”, thì đây chính là lúc thay đổi khẩu vị bằng một phim kinh dị viễn tưởng kinh phí thấp. Toàn bộ các cảnh quay con tàu Habinger lênh đênh giữa biển băng xứ bắc đều được thực hiện trong một nhà kho tại Mỹ, huy động ở toàn bộ ê kip không chỉ óc sáng tạo mà còn cả sự kiên trì vượt qua khó khăn. Những nỗ lực ấy đã không bị tiêu tốn một cách vô ích khi trên phim, khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được cái lạnh của băng tuyết len lỏi dưới lòng bàn chân mình. Habinger Down sẽ mang lại cho bạn chính xác cái cảm giác khi xem một show truyền hình thực tế về việc đánh bắt hải sản hay đào vàng ở vùng biển Bering vẫn thường được trình chiếu trên Discovery Channel hay National Geographic.
Một phần nào đó của Habinger Down sẽ khiến bạn có chút hoài cổ. Bạn ngồi trong rạp chiếu phim của những năm 2015, xem một bộ phim được làm cùng trong năm ấy mà ngỡ như đang xem một bộ phim kinh điển được chiếu trên truyền hình cáp. Không phải chất lượng hình ảnh hay công nghệ, mà chính là thứ cảm giác cũ xưa đến từ các góc máy, các sắp xếp bối cảnh hay thứ mùi tưởng tượng bốc ra từ quần áo, từ căn phòng mà các nhân vật đang đứng truyền cho bạn cảm giác ấy. Bạn cũng có thể nhìn thấy ở Habinger Down sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ The Thing (phiên bản đầu tiên những năm đầu thập niên 80 chứ tuyệt nhiên không phải bản làm-lại-nhưng-thực-ra-là-phần-tiếp năm 2011) hay series Alien đã đi vào huyền thoại, cả một chút của Path of Destruction – một phim điện ảnh chiếu trên truyền hình từ những năm 2005 với sự tham gia của Sao Chúa Chris Pratt…
Kiểu concept quái vật “na ná” trong “The Thing” (1982)
Trên trang thông tin điện ảnh IMDB, Habinger Down đang được người hâm mộ chấm 5,5/10. Với thể loại kinh dị, nhất là những bộ phim được làm trong khoảng 5 năm trở lại đây, con số này nằm khá xa trên mức “chấp nhận được” của những người yêu điện ảnh khó tính. Đây có thể cho là một số điểm xứng đáng với những gì bộ phim đã thể hiện: phần hình ảnh chân thật đi kèm một nội dung không tệ, nhưng cũng chưa chạm đến mức tốt.
Habinger Down sẽ khiến một số người xem cảm động đôi chút khi họ chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện của người thuyền trưởng già và cô cháu gái, cách ông gắn bó với “người bạn già” Habinger đã cùng mình vượt qua bao sóng gió, hay lời nhắn nhủ của ông với cô cháu gái mình: “Đừng để nỗi sợ hãi làm cháu chệch đường”. Một bộ phim kinh dị hù doạ khán giả cuối cùng lại khiến họ chạnh lòng. Tiếc rằng, câu chuyện về tình ông cháu ấy, cùng những mối tình đơn phương khờ dại mới chớm lại chưa tìm được tiếng nói chung với tổng thể câu chuyện có quá nhiều đứt gãy. Không phải kiểu đứt gãy sẽ khiến bạn lạc khỏi câu chuyện hay thốt lên “Phim về cái gì vậy?” sau khi ra khỏi rạp, nhưng sẽ khiến bạn vô tình nhăn trán giữa một quãng nghỉ giữa hai cao trào.
Đây là cách người ta đã tạo ra các đại cảnh trong phim
Bộ phim với chất kinh dị nhẹ nhàng không quá ám ảnh sẽ là lựa chọn thích hợp với các khán giả muốn tìm một chút giật gân sau giờ làm việc buồn tẻ, hay những người muốn bắt đầu thử sức với thể loại kinh dị kết hợp cũng khoa học viễn tưởng chưa bao giờ hết “nóng”. Bộ phim cũng đồng thời thể hiện cái nhìn hài hước về Liên Xô và Mỹ trong mắt nhau, hay người Mỹ đã miệt mài như thế nào trong việc biến một quốc gia không còn tồn tại “trùm cuối” trong mọi bộ kịch bản họ dàn dựng ra.