Thừa Thiên Huế - Điểm du lịch xu hướng phát triển bền vững

Ngày 02/08/2019 16:00 PM (GMT+7)

Du lịch văn hóa là du lịch khai thác các giá trị văn hóa cho mục đích của các chuyến đi và là nền tảng để du lịch của một địa phương phát triển bền vững, đó là lý do Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một trong những điểm du lịch xu hướng trong tương lai.

Du lịch văn hóa – nền tảng để du lịch phát triển bền vững

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Du lịch bao giờ cũng là văn hóa, là trao đổi văn hóa, là hành động của những con người tìm đến với nhau bằng văn hóa, qua văn hóa. Du lịch rất cần tìm hiểu cho ra sự chuyển động và hình thành văn hóa mới của chuyển động đó trên vùng đất này để làm món “hàng độc” của mình”.

Du lịch Việt Nam trong những năm qua có được những thành tựu là do đã và đang khai thác hiệu quả các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc đưa vào trong kinh doanh du lịch. Khách du lịch không phải đến Việt Nam vì chúng ta vừa có một tòa nhà “chọc trời”, không phải họ đến Việt Nam vì chúng ta vừa xây dựng xong những khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, một cây cầu hiện đại… mà phần lớn họ đến Việt Nam hay quyết định quay trở lại Việt Nam vì những cuốn hút về mặt văn hóa.

Thừa Thiên Huế - Điểm du lịch xu hướng phát triển bền vững - 1

Việt Nam thu hút du khách bởi nền văn hóa độc đáo

Tổ chức du lịch thế giới (WTO- World Tourism Organization) từng thống kê du lịch văn hóa đóng góp khoảng 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng khoảng 15% mỗi năm.

Những minh chứng thực tế về tầm quan trọng của du lịch văn hóa ở ngay các nước láng giềng như:

Bali trở thành điểm đến nổi bật nhất của Indonesia, tiêu biểu cho thành công của du lịch văn hóa là bởi đất nước này luôn tôn trọng lối sống, tập quán, văn hóa của người bản địa và gìn giữ nó, tạo nên một bản sắc riêng.

Đất nước Campuchia cũng là một ví dụ điển hình về thành công trong bảo tồn nguyên vẹn giá trị để phát triển du lịch. Xác định thế mạnh quốc gia là văn hóa- lịch sử với các đặc trưng như: văn hóa Angkor, ẩm thực Khmer, các đền chùa…quốc gia này đã tiến hành bảo tồn các điểm di tích gần như nguyên gốc, gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng, nguyên thủy.

Thừa Thiên Huế - Điểm du lịch xu hướng phát triển bền vững - 2

Đền Ăng-co-vát ở Campuchia

Tại Chiang Mai, Thái Lan, kinh đô của Vương quốc Lanna trước đây, nơi được biết đến là “Đóa hồng phương Bắc” của Thái, các bản sắc văn hóa cách đây hàng trăm năm còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đó là việc giữ gìn tiếng địa phương, trang phục truyền thống, làm các mặt hàng thủ công. Hàng trăm ngôi đền, chùa cũng được gìn giữ kiến trúc, cảnh quan, tạo nên nét đặc trưng riêng, không thể trộn lẫn.

Thừa Thiên Huế - Điểm du lịch văn hóa ấn tượng tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á

Tạo hóa ban tặng cho Thừa Thiên Huế một địa hình độc đáo được ví như “Tinh hoa của cấu trúc địa hình tự nhiên”. Về tổng thể toàn tỉnh có kiến trúc như một công viên với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Nơi “trời đất giao hòa” này đã làm say đắm và mê hoặc lòng người, trở thành nơi đặt thủ phủ của triều đại của các chúa Nguyễn.

Trải qua 7 thế kỷ hình thành và phát triển Huế đã tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa đặc thù bản địa. Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: Kiến trúc, âm nhạc, lễ hội, ẩm thực, phong tục tạp quán, lối ứng xử,…

Thừa Thiên Huế - Điểm du lịch xu hướng phát triển bền vững - 3

Quần thể di tích cố đô Huế được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1993

Huế là vùng đất được mệnh danh là xứ sở của di sản, nơi có tới 5 di sản thuộc về triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, được UNESCO vinh danh đó là Quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn,  Châu bản triều Nguyễn và thơ văn kiến trúc cung đình Huế.

Theo thống kê chưa đầy đủ Huế có tới hơn 500 lễ hội và ngày nay còn phổ biến khoảng 100 lễ hội dân gian vì thế khách đến Huế mùa nào trong năm cũng có thể gặp các lễ hội. Bên cạnh đó Huế cũng có rất nhiều làng nghề đặc sắc như làng nghề làm nón, hoa giấy, đúc đồng,…

Phát huy lợi thế ngành kinh tế - du lịch đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước. Các lễ hội ngày càng được khai thác và phát huy có hiệu quả, Thừa Thiên Huế đang là tâm điểm thu hút một số lượng lớn lượng khách du lịch quốc tế.

Tiềm lực văn hóa có sẵn cùng sự quan tâm đúng hướng của nhà nước, trong tương lai du lịch Huế sẽ cón bứt phá và tiến xa hơn nữa, sớm đạt được mục tiêu đưa Huế trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của thế giới.

Nguồn: [Tên nguồn].