5 bí quyết giúp nhân viên đối phó với sếp “nghiện” việc

Ngày 26/03/2019 16:00 PM (GMT+7)

Làm việc với người quản lý “nghiện” việc có thể là nỗi ám ảnh của nhiều nhân viên bởi bạn lúc nào cũng phải điên cuồng chạy theo sếp – đồng nghĩa với chỉ biết đến công việc, thậm chí không có thời gian cho gia đình và bản thân, không có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Đối với người nghiện việc, công việc chính là cuộc sống. Tuy nhiên, làm việc dưới áp lực này sẽ khiến bạn sớm kiệt sức. Để “đối phó” hiệu quả với những vị sếp “nghiện” việc nhằm lấy lại sự cân bằng, hãy tham khảo những bí quyết sau đây nhé!

Trao đổi rõ ràng

Người quản lý “nghiện” việc sẽ luôn đòi hỏi bạn đáp ứng những yêu cầu trong công việc, nhiều và nhiều hơn nữa. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn chia sẻ, bạn sẽ có cảm tưởng như không bao giờ sếp chịu dừng lại bởi vừa xong nhiệm vụ này, thậm chí còn chưa hoàn thành, thì bạn đã được giao làm việc khác. Sau một thời gian, bạn sẽ bị cuốn theo danh sách việc cần làm dài bất tận của sếp.

5 bí quyết giúp nhân viên đối phó với sếp “nghiện” việc - 1

Vì vậy, nếu cảm thấy quá tải, bạn hãy lên tiếng. Nếu bạn không muốn cuộc sống của mình chỉ là những chuỗi ngày đắm chìm vào công việc, bạn muốn có thời gian cho bản thân và gia đình, đừng ngần ngại trao đổi với sếp. Hãy đề nghị sếp quy định rõ ràng về giờ giấc và khối lượng công việc, đồng thời nói rõ bạn không chấp nhận làm thêm quá giờ liên tục hay những nhiệm vụ “đột xuất” thường xuyên sau giờ làm. Hãy đưa ra những lý do chính đáng với thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết để thuyết phục sếp chấp nhận đề nghị của bạn.

Giữ vững lập trường

Đôi khi, sếp đồng ý với những đề nghị của bạn chỉ với mục đích “xoa dịu tình hình”. Nếu bạn dễ mềm lòng thì hậu quả là mọi việc trở lại như cũ. Vì vậy hãy kiên quyết giữ vững lập trường. Chẳng hạn bạn quyết định không nghe điện thoại hay trả lời email công việc sau 8h tối, thì đừng có vì bất kỳ lý do nào phá vỡ nguyên tắc đó. Tất nhiên, tùy thuộc vào lĩnh vực, môi trường làm việc mà có những giới hạn khác nhau. Điều quan trọng là phải giữ được sự cân bằng để công việc không trở thành nỗi ám ảnh.

Phớt lờ những “tiêu chuẩn vượt bậc” của sếp

Những người sếp “nghiện” việc thường không bao giờ cảm thấy hài lòng. Cho dù bạn có làm nhiều và làm tốt công việc đến đâu, sếp vẫn muốn bạn tăng hiệu suất hoặc nâng cao chất lượng. Làm việc với những người sếp này, nếu không tỉnh táo, bạn sẽ luôn cảm thấy mình thua kém, chưa đạt “chuẩn”. Chính vì thế, hãy thiết lập tiêu chuẩn thành công của riêng bạn và có kế hoạch làm việc rõ ràng, cụ thể để tránh bị cuốn theo những đòi hỏi quá đáng của sếp. Hãy nhớ rằng, đối với người sếp không bao giờ biết đủ, bạn càng cố ép mình chạy theo tiêu chuẩn của họ thì càng mất tự tin vào bản thân.

Tìm “đồng minh” ở nơi làm việc

Nếu chỉ có một vài người phản ứng đơn lẻ thì rất khó để sếp nhận ra và thay đổi thói quen “nghiện” việc của mình. Cho nên thay vì “kháng cự” một mình, bạn hãy tìm kiếm tiếng nói chung với những đồng nghiệp khác, có lẽ họ cũng đang “bức xúc” như bạn. Nếu nhiều người cùng lên tiếng, chắc hẳn sếp sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc việc thay đổi. Tuy nhiên, hãy nhớ đây không phải là kéo “bè phái” mà là tìm phương án  hiệu quả nhất để góp ý với sếp trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của tất cả mọi người trong tập thể.

5 bí quyết giúp nhân viên đối phó với sếp “nghiện” việc - 2

Cân nhắc việc từ bỏ  

Nếu sau những nỗ lực cải thiện tình hình, bạn có thể sắp xếp một lịch trình làm việc đáp ứng cả nhu cầu của bạn lẫn sếp, dẫn tới mối quan hệ làm việc hài hòa hơn thì chúc mừng bạn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp khá khó xử, đó là khi sếp chỉ chấp nhận điều chỉnh một phần, bởi những lý do như công ty đang trong giai đoạn chuyển đổi, cần tăng tốc, hoặc sếp đã nhắm bạn cho vị trí quản lý và bạn cần nỗ lực trong thời gian này. Lúc đó, bạn cần suy nghĩ kỹ càng để có quyết định phù hợp. Nếu thực sự những lý do sếp trao đổi với bạn là có cơ sở, bạn cần đề nghị sếp đưa ra một khoảng thời gian cụ thể, một vài tháng, nửa năm hay một năm, và nhắm xem liệu mình có đáp ứng được hay không.

Bạn cũng nên dành thời gian để đánh giá mình có thực sự đam mê công việc này, và điều gì cần ưu tiên trong cuộc sống của bạn ở giai đoạn hiện tại, để cân nhắc khả năng trụ lại hay tìm kiếm một công việc mới.

Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại trang việc làm Careerlink

Minh Khang.
Nguồn: [Tên nguồn].