7 nỗi lo lắng thường gặp nơi công sở và cách giải quyết

Ngày 09/09/2019 16:00 PM (GMT+7)

Môi trường nào cũng tồn tại các kiểu áp lực khác nhau, và chốn công sở cũng tạo nên không ít nỗi lo lắng, nhất là cho những người mới đi làm. Rất nhiều nhân viên công sở thường “gồng” mình chịu đựng, mà không biết cách giải quyết.

Bài viết dưới đây là 7 nỗi lo lắng mà người làm việc công sở thường gặp và phương án hóa giải hữu hiệu, hãy cùng tham khảo nhé.

Nỗi lo giao tiếp

Rất nhiều nhân viên ngại việc trò chuyện, trao đổi công việc với đối tác, cấp trên, thậm chí với đồng nghiệp, vì họ là tuýp người hướng nội hoặc yếu kỹ năng giao tiếp. Nhiều người luôn giữ sự im lặng hoặc có vẻ xa cách ngay cả khi tham gia hoạt động vui chơi, dã ngoại. Chuyên tâm làm việc và kiệm lời là đức tính tốt, nhưng sự giao tiếp là nền tảng cơ bản để thúc đẩy chất lượng làm việc nhóm, cải thiện mối quan hệ cũng là yếu tố mà các nhà tuyển dụng trên CareerLink quan tâm khi tuyển bất cứ ứng viên nào.

Hãy bắt đầu thấy đổi bằng cách chủ động trò chuyện với đồng nghiệp thân quen, bắt chuyện bạn mới trong buổi giao lưu, hỏi thăm khách hàng cũ. Chỉ khi bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp thì mới nâng cao sự tự tin và vượt qua nỗi sợ giao tiếp.

7 nỗi lo lắng thường gặp nơi công sở và cách giải quyết - 1

Nỗi lo về “đám đông”

Nỗi lo về “đám đông” cũng là thử thách phổ biến với không ít nhân viên công sở. Họ thường ngại phát biểu, cảm thấy mất tự tin trong các cuộc họp đông thành viên, nói chuyện lắp bắp khi thuyết trình. Điều này xuất phát từ bản tính rụt rè, ngại ngùng và ít cơ hội để trò chuyện trước đám đông. Nếu bạn luôn nói năng ấp úng, cử chỉ thiếu tự nhiên mỗi khi xuất hiện trước nhiều người thì cần phải tìm cách khắc phục.

Hãy thử luyện tập trò chuyện trước gương, tranh luận với bạn bè và đừng bỏ qua cơ hội nói trước đông người những khi có dịp. Theo thời gian bạn sẽ dần cải thiện và tự tin hơn khi đứng trước đám đông.

Lo ngại khi đặt câu hỏi

Không ai “vỗ ngực” cam đoan rằng bản thân biết hết mọi thứ, nhưng lại có nhiều nhân viên văn phòng lại sợ chuyện đặt câu hỏi. Bởi vì họ không muốn bị đánh giá thấp trước mặt đồng nghiệp, cấp trên, nên đôi khi chấp nhận “giấu dốt”. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Tính cầu thị là một điều tốt và đặt câu hỏi khôn ngoan vào đúng lúc lại là “điểm cộng” ấn tượng. Do đó, bạn cần xem xét kĩ lưỡng vấn đề, tự chủ động tìm hiểu, và lựa chọn đúng đối tượng để đặt câu hỏi, thì sẽ không còn lo lắng về phản ứng tiêu cực của người khác.

7 nỗi lo lắng thường gặp nơi công sở và cách giải quyết - 2

Nỗi lo khi đưa ra ý kiến thẳng thắn

Rất nhiều nhân viên công sở thích chọn giải pháp im lặng khi trao đổi những chuyện quan trọng hoặc mang tính “nhạy cảm”. Có thể vì họ ngại va chạm, sợ bị cô lập, và không muốn làm mất lòng người khác. Nhưng chính điều này lại khiến cho chất lượng công việc tập thể bị giảm, các khúc mắc quan trọng không được giải quyết triệt để.

Môi trường làm việc lành mạnh phải tồn tại sự tranh luận, trao đổi thẳng thắn về các thiếu sót của cả cấp trên lẫn cấp dưới. Tùy vào trường hợp và chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết, bạn hãy mạnh dạn phản hồi để góp phần cải thiện công việc chung. Phản ứng của đồng nghiệp, cấp trên cũng sẽ giúp bạn nhận thức đúng về văn hóa nơi bạn làm việc, xem đó có phải là “bến đỗ” phù hợp với mình hay không.

Nỗi sợ các “ông lớn” 

Dù muốn hay không thì đôi lúc chúng ta đều phải giáp mặt các “ông lớn”, đó chính là các vị giám đốc, quản lý cấp cao. Đây là chuyện bình thường nhưng nhiều người lại quen tìm cách lẩn trốn, hoặc ngồi “im ru” trong các buổi họp với các sếp lớn.

Sở dĩ như vậy vì họ sợ rằng bản thân lỡ làm gì sai, nói gì không đúng sẽ mất thiện cảm và đối diện nguy cơ sa thải. Nhưng nếu bạn chịu khó thích nghi và tìm hiểu trước thông tin thì đây lại là cơ hội để “tự tin toả sáng” bằng các hành động, phát biểu gây ấn tượng tích cực, mạnh mẽ đến cấp trên.

Nỗi lo về sự tụt hậu

Một vấn đề phổ biến của tất cả mọi người chứ không riêng gì dân công sở, đó chính là nỗi lo về sự tụt hậu. Trong thời đại cạnh tranh và thay đổi liên tục ngày nay, chúng ta đều phải “nhanh chân” cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ bổ trợ nếu không muốn bị đào thải.

Nhưng năng lực mỗi người là khác nhau, bạn cần biết khả năng của mình để lựa chọn những gì phù hợp với bản thân, tránh việc đặt ra mục tiêu quá cao xa, gây ức chế tâm lý. Hãy tranh thủ thời gian rảnh để tìm tòi tư liệu, kết giao với các bạn bè mới cùng chuyên môn để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng kết nối xã hội.

Nỗi lo về hình ảnh “xấu”

Ngoại hình không mang tính quyết định, nhưng lại là yếu tố không thể bỏ qua trong thời đại ngày nay. Không có doanh nghiệp nào muốn nhân viên của mình xuất hiện với hình ảnh lôi thôi, mặt mày nhếch nhác, áo quần luộm thuộm. Điều này sẽ khiến cho bạn bị giảm cơ hội làm việc, mất thiện cảm với người khác.

Nhưng cũng đừng vì thế mà bạn lại lo lắng thái quá, rồi tập trung vào bề ngoài, chải chuốt quá đà, chạy theo các xu hướng thời trang. Tốt nhất bạn hãy lựa chọn trang phục phù hợp và giữ cho mình luôn chỉn chu, tươm tất, tạo ấn tượng chuyên nghiệp.

Trung Thành.
Nguồn: [Tên nguồn].