Trong đó có những điểm du lịch mang tính lịch sử với nhiều câu chuyện truyền tai đầy ly kỳ, bí ẩn.
Thanh Hóa là một vùng quê yên bình thuộc Bắc Trung Bộ, có 7 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú, mà mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu. Với vị trí địa lý đặc biệt, vùng đất này là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam và là nơi hội tụ những điểm du lịch hấp dẫn, thú vị mà ai cũng nên ghé thăm một lần.
Biển Sầm Sơn
Cách TP.Thanh Hóa 16km, bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn với chiều dài bờ biển 10km. Bãi biển Sầm Sơn có những bãi cát mịn, sóng êm, gió mát lịm và các dịch vụ phát triển, giá thành ổn định. Bên cạnh đó, bãi biển Sầm Sơn còn có nhiều cảnh đẹp, như Hòn trống mái, đền Độc Cước, núi Cô Tiên,...
Biển Sầm Sơn. (Ảnh: Infonet)
Suối cá Cẩm Lương
Thuộc địa phận làng Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy), cách TP.Thanh Hóa 70km. Suối cá có chiều dài hơn 100m với hàng ngàn con cá có trọng lượng từ 3 - 7kg. Nơi đây ẩn chứa nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện bí ẩn được người dân địa phương truyền tai nhau gây sự tò mò, thích thú cho du khách tham quan. Hơn nữa, khi đến với suối cá Thần, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản của người Mường xứ Thanh, như cơm lam, ngô nếp nướng, măng rừng, rau má, ốc đá.
Suối cá Cẩm Lương.
Động Tiên Sơn
Động thuộc địa phận làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa), cách cầu Hàm Rồng và quốc lộ 1A khoảng 900m về phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 4.650m về phía Bắc - Đông Bắc. Động có chiều dài khoảng 600m, rộng 12,5m và cao trung bình 20m (nơi cao nhất là 50m).
Động được chia thành ba khu: Chính cung, hồ nước tiên và thoải cung. Cảnh đẹp nơi đây có nhiều hình ảnh mang đậm tích Phật giáo, như khối thạch nhũ hình tòa sen, tượng Phật tổ với ánh mắt từ bi, một con cóc há miệng chầu và mắt mở tròn, hay con hổ vằn trong tư thế hướng về phía đức Phật.
Động Tiên Sơn.
Bên trong động còn có hình cây cổ thụ với tán lá trải dài xuống thân và gốc cây. Bên phải là thoải cung thờ Phật bà Quan Âm và nhũ đá hình cá chép hóa rồng, được người dân địa phương gọi là ngư long. Phía dưới là hình mãng xà tinh đang chui từ trong hang ra, thân hình uốn lượn trong núi. Cách đó không xa là thạch nhũ giống Hoa Quả Sơn với hình Tôn Ngộ Không khoác áo da hổ, cổ quấn khăn, trong tư thế chuẩn bị bay lên thiên đình.
Thành nhà Hồ
Hay còn được gọi là thành An Tôn, Tây Giai, Tây Đô hay Tây Kinh, là địa danh gắn liền với Thanh Hóa. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011, thành nhà Hồ là công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Việt Nam với tòa thành bên ngoài xây bằng đá, bên trong chủ yếu được đắp bằng đất, tạo thành một công trình kiến trúc vuông vắn.
Thành nhà Hồ. (Ảnh: Infonet)
Vườn quốc gia Bến Em
Cách TP.Thanh Hóa khoảng 45km về phía Tây Nam, vườn quốc gia Bến En (thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), được ví như “Hạ Long trên cạn” của xứ Thanh bởi vẻ đẹp hoang sơ với rừng xanh bạt ngàn, mây nước hút hồn.
Sau khi dạo chơi trên hồ thỏa thê, du khách dạo bước vào rừng sẽ mê mẩn bởi những rừng chuối nở đỏ một góc trời; đàn khỉ chuyền cành ra hồ uống nước; hay tiếng chim kêu râm ran như một bản hợp xướng... Phóng tầm mắt ra xa là những ngôi nhà nhỏ của bản Mường, bản Thái làm ấm áp không gian cô quạnh.
Ngoài khu vực hồ, đảo và rừng, Bến En còn có những dãy núi đá vôi thuộc các xã Hải Vân, Xuân Khang, Xuân Thái với nhiều hang động còn giữ được vẻ tự nhiên, như hang Ngọc, hang Dơi, hang Xuân Thái... Trong số đó, đáng chú ý nhất là hang Ngọc với chiều dài 80m, rộng 8m, cao 2,5m, bên trong có rất nhiều hình thù kỳ vỹ. Giữa hang có một khối thạch nhũ lớn, lấp lánh như ngọc nên được gọi là Hòn Ngọc.
Một khung cảnh ở vườn quốc gia Bến Em. (Ảnh: NLĐ)
Quan Hóa
Quan Hóa là một huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa với những dãy núi trập trùng, cùng những cảnh đẹp sông nước xanh mướt hết sức nên thơ. Đến với Quan Hóa, du khách sẽ được trải nghiệm những không gian mênh mông, tươi mát, lắng nghe những câu chuyện kỳ bí, hấp dẫn không thể quên.
Cầu treo Phú Lệ bắc qua sông Mã, nối xã Phú Lệ và xã Phú Sơn cùng thuộc huyện Quan Hóa (Ảnh: Wikipedia)