"Nắng tháng tám, rám trái bưởi"

Bún Miến - Ngày 17/09/2024 00:06 AM (GMT+7)

Người Hà Nội nói riêng, và người miền Bắc nói chung, cả năm 12 tháng chỉ chờ đúng 1 tháng mùa Thu để tận hưởng những thanh âm vui vẻ của tiết trời ôn hoà, rộn ràng háo hức như vào mùa vụ.

Phải đến tầm 30 tuổi, khi có điều kiện đi khắp nơi trải nghiệm dọc Việt Nam, tôi mới cảm nhận được rằng không thu nơi đâu đẹp bằng mùa thu Hà Nội. Có thể Hà Nội bụi bặm, đông đúc, ồn ào và ô nhiễm. Ấy nhưng lạ lắm, sẽ có những vạt nắng vàng ruộm lặng lẽ trải dài trên nền gạch bông nhuốm màu thời gian, mặc cho gió nhè nhẹ mơn man trên tán cây đang chuyển màu. Một vẻ đẹp trầm mặc, kín đáo, dịu dàng vỗ về tâm hồn mệt mỏi chìm vào giấc ngủ nhẹ bỗng. Và có một lý do tôi không thể phủ nhận, tôi yêu mùa thu Hà Nội vì tôi đã lớn lên qua những mùa thu lặng lẽ như thế, dưới hiên nhà nằm sâu trong xóm chợ Khâm Thiên. Một mùa thu êm ái đem đến bao niềm hân hoan cho tôi bởi tôi biết, thu đến là tôi sẽ được chuẩn bị cho Tết Trung Thu.

Năm nào cũng có Tết Thiếu nhi vào ngày 1/6. Nhưng kỳ thực, Tết Trung Thu còn vui hơn nhiều vì nó trải dài từ đầu thu cho tới ngày rước đèn đêm trăng rằm. Mùa thu mang tín hiệu đầu tiên từ những gánh cốm. Mồng một đầu tháng, mẹ dậy sớm đặt cô bán cốm ngồi gọn ghẽ ở cột điện gần nhà 5 lạng cốm rót thật tươi. 2 lạng mẹ gói riêng trong lá sen, để dành cho cả nhà chấm chuối chín. 3 lạng mẹ có kế hoạch làm cốm xào dừa dâng các cụ đầu tháng, báo cáo thu về trong ngôi nhà nhỏ của tôi.

Mùa thu mang tín hiệu đầu tiên từ những gánh cốm.

Mùa thu mang tín hiệu đầu tiên từ những gánh cốm.

Cái món cốm xào, đúng là "số dzách". Hôm nào mẹ cầu kỳ thì mua ít nước dừa, đun sôi với đường kính, rồi nhanh tay đảo đều cốm mới để quyện dính cùng nhau. Ngày ấy căn bếp nhà tôi được đặt ngay trước vườn tầng 2. Mùi cốm xào thơm thơm là bay khắp căn bếp, rồi luồn lách lan cả vào nhà khiến đứa trẻ đang xem tivi là tôi đứng ngồi không yên.

"Bao giờ mẹ mới thắp hương cốm xào? Thắp hương bao lâu thì được hạ lễ? Mẹ xào cốm có dôi không hay chỉ vừa đủ xếp đĩa thôi?"...

Quá nhiều thắc mắc cho một đứa nghiện món cốm xào của mẹ. Mẹ đã bưng đĩa cốm đi lên tầng, tôi phi ngay ra chảo để tìm những gì còn sót lại. Mẹ thường để lại tầm 1 thìa canh cốm cho tôi vét chảo. Cái phần cốm xào sát chảo hơi sem sém, ngon ơi là ngon, ăn rồi lại thòm thèm kích thích sự thiếu kiên nhẫn chờ đợi của đứa bé ít khi được ăn quà vặt.

Nói đến quà vặt, đó chính là đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Mùa nào thức nấy, mùa thu toàn món ăn vặt, mà món nào cũng ngon. Mâm cỗ Trung Thu chính là nơi có đủ sản vật mùa thu: nào hồng ngâm giòn ngọt nhẹ, cốm rót dẻo thơm, bánh nướng bánh dẻo đủ thứ nhân, cầu kỳ thì có thêm sấu chín bánh tẻ dày cùi, hồng xiêm Xuân Đỉnh. Thêm mấy quả thị thơm vỏ từ xanh ngả vàng thơm dịu cùng chú chó bưởi, đèn ông sao. Thế là có một mâm cỗ Trung Thu tươm tất.

amp;#34;Nắng tháng tám, rám trái bưởiamp;#34; - 2

Những năm cuối mẫu giáo và cấp 1, đó là thời kỳ bố mẹ tăng gia sản xuất với món bánh nướng bánh dẻo, một kỷ niệm tôi không bao giờ quên về thời kỳ ngôi nhà bé xíu trở thành xưởng sản xuất bánh thủ công mỗi độ thu về. Ngày ấy, hãng bánh lớn có túi và hộp đẹp chỉ có Bảo Ngọc, Hữu Nghị, Công ty bánh mứt kẹo Hà Nội…, còn người dân vẫn quen đi mua bánh tư nhân làm ở cửa hàng tự phát, hoặc "xịn" hơn thì ra Bách hoá số 5 Nam Bộ, tha hồ chọn.

Vụ bánh Trung Thu sẽ bắt đầu ngay từ đầu mùa thu, không thể sớm hơn do bánh nhà làm không thể bảo quản lâu. Bánh mỗi ngày sản xuất số lượng có hạn, và phải làm hàng ngày. Khác với bánh bây giờ có công nghệ bảo quản thì sẽ hạn chế được lượng đường, bánh Trung Thu truyền thống kỳ thực rất ngọt, đôi khi ngọt đến khé cổ để kéo dài số ngày bảo quản. Những ngày này, nhiệt độ trong phòng nhà tôi tăng đột biến. Nào là mùi đường nấu, mùi bột, mùi bánh nướng, mùi khét của nilon khi đóng gói hàng. Căn phòng chật ních người, đồ làm bánh và khay thành phẩm.

amp;#34;Nắng tháng tám, rám trái bưởiamp;#34; - 3

Bức tranh trong nhà và ngoài sân khá đối lập. Mùa thu trong vườn nhà tôi dịu hơn hẳn so với không khí làm việc ồn ào, khẩn trương của bố mẹ. Những ngày này, tôi thường bị đuổi ra vườn chơi cho đỡ chật nhà. Tôi trèo lên cây ổi già, nằm vắt mình trên thân cây, nhắm mắt tận hưởng nắng thu rơi qua kẽ lá chiếu thẳng vào mặt. Chỉ cần một lúc thôi, gió thổi hiu hiu sẽ làm tôi ngủ gật trên chạc cây cao tới tầng 2. Mấy lần tôi hút chết vì ngủ gật.

Thời gian trôi qua thật nhanh, con người có tuổi, cây ổi ngày càng cằn cỗi, nhưng mùa thu trong sân nhà tôi, mùa thu ở Hà Nội vẫn thế. Hôm nọ, gia đình nhỏ 3 người của tôi chạy xe dưới trời nắng hanh hao đầu thu về nhà bố mẹ ăn giỗ. Ngồi dưới sàn gạch bông tầng 1, nhớ về những mùa thu tôi đã từng ngồi chơi, hoặc nằm ườn ra nhà nhìn nắng chiếu ngoài sân mà không làm gì cả.

Bất giác, tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, nhà mình vào mùa này thích nhất mẹ nhỉ. Chẳng cần bật điều hoà, không khí dễ chịu thật đấy". Mỗi độ thu về thế này, tôi nhớ mẹ khi ngồi cùng tôi ở thềm nhà, sát cửa. Mẹ nhặt rau, thi thoảng ngân nga vài câu hát yêu đời trong tiết trời tuyệt đẹp hiếm hoi. Tôi nhớ bố, gồng mình khuấy nồi nước đường thật to, nhào bột làm bánh không ngơi nghỉ, mặt đỏ lên không biết vì nóng hay đang cố sức để làm mẻ bánh thật ngon. Tôi nhớ ngôi nhà mình sinh ra và lớn lên, đến Trung Thu là trẻ con trong xóm hò nhau góp cỗ trông trăng, rước đèn ông sao thật xịn theo tiếng trống từ đình vọng sang.

"Nắng tháng tám, rám trái bưởi", câu này ngân nga mãi trong đầu tôi khi da bỗng chạm vào làn gió thu buổi sáng đưa con đi học. À, đúng rồi, mẹ tôi dạy tôi câu này đây mà.

amp;#34;Nắng tháng tám, rám trái bưởiamp;#34; - 4

Người Hà Nội và những cái cây
Sau cơn bão lớn, người Hà Nội toả ra đường bất chấp gió mưa để chào tạm biệt những hàng cây.

Chạm

Theo Bún Miến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Mỗi mùa Vu Lan đến, chắc rằng hữu ý hay vô tình, với thật nhiều sự nhắc nhớ có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, nỗi lòng những đứa con vẫn sẽ tràn...

Thời gian tới đây, những người thuộc 4 chòm sao này làm gì cũng dễ gặp may mắn, suôn sẻ hanh thông, khiến nhiều người ao ước ngưỡng mộ.

Từ "chữa lành" được sử dụng tràn lan đang dần trở nên biến tướng với những mặt tối. Theo chuyên gia, từ này đang bị lạm dụng, nhiều đến mức...

Tin bài cùng chủ đề Chạm