Nhờ vào công nghệ màn hình uốn dẻo, điện thoại nắp gập hoàn toàn có thể quay trở lại và giành vị trí đã mất vào smartphone hình chữ nhật.
Một thập kỷ trước, điện thoại nắp gập hay điện thoại vỏ sò đã thống trị thế giới. Khi ấy, Motorola Razr là điện thoại vỏ sò bán chạy nhất với doanh số hơn 130 triệu máy trong 4 năm, từ năm 2003 đến 2007, cho tới khi iPhone xuất hiện.
Smartphone của Apple đã thay đổi mọi thứ. Đột nhiên, mọi nhà sản xuất điện thoại đều bị ám ảnh bởi từ “thông minh” và làm mọi cách để đánh bại màn hình 3.5 inch trên iPhone. Họ rũ bỏ thiết kế thông thường đó là màn hình ở trên, bàn phím ở dưới, gắn kết với nhau thông qua một bản lề nhỏ. Chúng bao bọc lẫn nhau khi đóng lại thay vì trơ trọi như điện thoại hình chữ nhật.
Vài năm sau, smartphone có mặt khắp nơi. Theo viện nghiên cứu Internet Pew, 56% người trưởng thành Mỹ đang dùng điện thoại thông minh, 83% người trong độ tuổi từ 18 đến 29 sở hữu một chiếc smartphone.
Smartphone vẫn chưa bão hòa. Vẫn còn nhiều người đang dùng điện thoại vỏ sò cũ kỹ bất chấp sự “đơn sơ” của nó không cho phép họ cài đặt ứng dụng thời thượng như Uber, Spotify.
Smartphone ngày nay có gần như mọi thứ, song điện thoại nắp gập có lợi thế hiển nhiên: vì chúng có thể gập làm đôi, màn hình được bảo vệ khi đóng lại, cất trong túi, thiết bị cũng nhỏ gọn hơn. Không như iPhone 6 Plus hay Galaxy Note 4, bạn sẽ không thấy một đầu của chúng nhô ra ngoài, “mời gọi” những kẻ móc túi.
Samsung đang lên kế hoạch ra mắt smartphone đầu tiên với màn hình siêu uốn dẻo vào cuối năm 2015. Hãng điện tử Hàn Quốc đã trình diễn công nghệ màn hình này từ năm 2010. Nếu Samsung có thể đưa màn hình uốn dẻo đến khả năng chịu được bẻ liên tục, có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến hình thức điện thoại khác: “smart flip phone”. Đó là thiết bị siêu di động và an toàn hơn vì màn hình lớn có thể gấp làm đôi được.
Giấc mơ “smart flip phone” dù vậy vẫn còn xa vời: các hãng đang chập chững bước đầu tiên trong việc đưa công nghệ màn hình dẻo đến với công chúng. Năm 2013, Samsung Galaxy Roud và LG G Flex là điện thoại ‘cong’ đầu tiên nhưng không uốn dẻo được và nhận vô số chỉ trích. Năm 2014, Samsung quay lại với Galaxy Note Edge với màn hình tràn sang một cạnh, cung cấp tính năng độc đáo. Song, giá của nó cũng khiến người khác choáng váng: 946 USD (hơn 20 triệu đồng).
Tuy nhiên, công nghệ màn hình uốn dẻo hoàn toàn có hi vọng phát triển. Năm ngoái, PaperTab, màn hình cảm ứng nhựa 10.7 inch mỏng và linh hoạt như giấy, có thể cuộn được, đã được giới thiệu. Mấu chốt là phải tìm được thiết kế phần cứng phù hợp với mọi thao tác bẻ này.
Khi ấy, chính là lúc điện thoại nắp gập quay trở lại.
Rõ ràng mọi người đều yêu thiết kế vỏ sò. Họ trở nên “phát cuồng” khoảng 5 năm trước khi xuất hiện tin đồn Microsoft chế tạo tablet “Courier” có khả năng gập lại như cuốn sách. Không may, Microsoft đã khai tử sản phẩm này 2 năm sau đó.
Điện thoại vỏ sò đã thống trị thế giới 10 năm trước, smartphone màn hình lớn là “vua” của thập kỷ này. 10 năm về sau, không có lí gì điện thoại vỏ sò không thể “làm mưa làm gió” thêm lần nữa. Khi đó, có lẽ nó đã bước sang một nấc thang mới, cao hơn.