Không như các hãng smartphone chọn thẻ nhớ ngoài hoặc tăng bộ nhớ trong, điện thoại Robin mà hãng Nextbit vừa ra mắt cung cấp cho người dùng 100 GB lưu trữ đám mây để chứa dữ liệu, ứng dụng của người dùng.
Hầu hết các smartphone hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào bộ nhớ lưu trữ trong và thẻ nhớ ngoài để chứa các dữ liệu của người dùng như ảnh, video, nhạc... Tuy nhiên, chiếc điện thoại Robin mà hãng Nextbit vừa ra mắt gần đây đang tham vọng thay đổi thực tế này. Nextbit là một startup được thành lập bởi cựu nhân viên của Google và HTC, và Robin được công ty định hướng là chiếc smartphone ở phân khúc cao cấp. Máy có giá bán 349 USD và hiện đang kêu gọi góp vốn từ cộng đồng Kickstarter (những người góp vốn đầu tiên sẽ được mua với giá rẻ hơn).
Smartphone Robin của Nextbit chạy hệ điều hành Android, và điểm đặc biệt nhất của nó chính là sự kết hợp giữa bộ nhớ lưu trữ 32 GB cùng dịch vụ lưu trữ đám mây của Nextbit lên tới 100 GB. Khi các dữ liệu của bạn đã ngốn gần hết 32 GB bộ nhớ của máy, smartphone của Nextbit sẽ tự động chuyển một số dữ liệu lên "đám mây", giúp máy giải phóng bộ nhớ trong. Dữ liệu được chuyển không chỉ có ảnh, video, mà thậm chí sẽ là các ứng dụng. Theo demo mà Nextbit trình diễn trong buổi ra mắt, sau khi chuyển lên mây, các ứng dụng sẽ bị xóa, tuy nhiên, thông tin cá nhân của người dùng thì vẫn sẽ được giữ lại trên thiết bị. Các biểu tượng của ứng dụng bị chuyển vẫn sẽ nằm trên điện thoại nhưng sẽ có màu đen trắng. Khi bạn chạm ngón tay vào để mở, ứng dụng sẽ được download và cài đặt lại từ máy chủ của Nextbit, sau đó nó sẽ kết hợp với thông tin cá nhân lưu trên máy rồi mở lên cho người dùng sử dụng. Nextbit cố gắng áp dụng các công nghệ để xác định xem nên chuyển ứng dụng nào lên mây, và ứng dụng nào nên được giữ lại ở bộ nhớ trong. Có lẽ hãng sẽ theo dõi thói quen sử dụng của người dùng để làm việc này.
Rõ ràng đây là một cách tiếp cận mới trong việc tăng bộ nhớ lưu trữ cho người dùng smartphone. Các công ty khác thường giải quyết vấn đề này bằng cách tăng bộ nhớ trong hoặc hỗ trợ khe cắm thẻ microSD để người dùng mua thẻ nhớ ngoài gắn vào. Tuy nhiên, giải pháp của Nextbit có một số nhược điểm. Hệ thống sẽ ngốn nhiều dữ liệu hơn so với việc setup theo cách thông thường, và khi bạn không có kết nối Internet, việc truyền tải dữ liệu sẽ không thể diễn ra. Ứng dụng được chuyển lên "đám mây" sẽ gây khó khăn cho người dùng khi mở lại, bởi bạn sẽ phải mất thời gian chờ đợi app được tải về và cài đặt từ máy chủ của nhà sản xuất. Trong thử nghiệm của trang Arstechnica, quá trình tải/cài/mở ứng dụng mất tới 15 giây.
Nextbit là một startup đáng chú ý, bởi mặc dù tên công ty là hoàn toàn mới, nhưng những con người đằng sau nó thì chẳng có ai lạ lẫm. Tom Moss, CEO của công ty, trước đây là một lãnh đạo trong đội Android của Google; còn Giám đốc kỹ thuật Mike Chan, từng tham gia phát triển Android từ phiên bản 1.0 đến 3.0. Phụ trách sản phẩm và thiết kế cho Nextbit là Scott Croyle, cựu Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách thiết kế của HTC. Croyle là người đứng đầu một số sản phẩm có thiết kế thuộc hàng đẹp nhất của HTC như HTC Evo và One M7.
Về mặt phần cứng, điện thoại của Nextbit có hình dáng khá cơ bản với thiết kế hình chữ nhật. Các góc được bo tròn nhẹ, chỉ vừa đủ để không làm điện thoại bị "sắc". Phía trên và dưới cùng của máy được trang bị các dải nhựa được tô màu, trong khi phần giữa làm bằng kim loại. Phía mặt sau của máy là logo của Nextbit và một ít đèn LED. Khi điện thoại đang chuyển dữ liệu lên mây, ánh sáng sẽ bật để thông báo cho người dùng biết. Thiết kế độc đáo của máy còn được thể hiện ở mặt trước, nơi các cảm biến ánh sáng môi trường (ambient light), cảm biến tiệm cận (proximity) được đặt sau một ống kính hình tròn trông giống camera mặt trước.
Nextbit Robin có màn hình 5,2- inch độ phân giải 1080p, chip xử lý Snapdragon 808, 3 GB RAM, 32 GB bộ nhớ trong, pin dung lượng 2.680 mAh. Máy dùng cổng USB Type-C ở phía dưới, và cổng này hỗ trợ truyền tải dữ liệu theo chuẩn USB 3.0 tốc độ cao. Robin cũng được trang bị cả cảm biến vân tay, và bộ phận này được tích hợp luôn ở nút nguồn nằm ở cạnh máy. Người dùng cũng sẽ có hai loa được thiết kế hướng ra mặt trước, NFC, camera sau 13 MP. Nextbit cho biết họ không phản đối việc người dùng tùy biến điện thoại của mình, do đó, bạn có thể mở khóa bootloader của máy mà vẫn được bảo hành như bình thường.
Robin hiện vừa ra mắt trên Kickstarter với mục tiêu đặt ra là thu về 500.000 USD để lấy vốn sản xuất. Máy sẽ được giao hàng vào tháng 1/2016. Sau khi giao hết máy cho người dùng đặt mua từ Kickstarter, công ty dự định tung sản phẩm ra thị trường với mức giá 399 USD.
Một số hình ảnh sản phẩm:
Smartphone Robin nhìn từ mặt trước.
Bức ảnh giúp thể hiện cạnh trái và phải của máy. Nút nguồn phía bên phải được tích hợp cảm biến vân tay.
Máy dùng combo màu xanh/trắng.
Có cả phiên bản màu đen.
Đây là mặt sau của Robin với các đèn LED. Đèn này sẽ sáng lên khi dữ liệu đang được chuyển lên đám mây.
Màn hình home của máy. Robin chạy hệ điều hành Android.
Nextbit Robin cũng sẽ thông báo cho bạn biết khi nó đang chuyển dữ liệu từ bộ nhớ trong lên dịch vụ lưu trữ mây.
Đồng hồ thông báo trạng thái bộ nhớ.
Cấu hình chi tiết của sản phẩm.