Dạy con cách xử lý khi bị lạc đường là một trong những bài học vỡ lòng đầu đời mà cha mẹ đặc biệt phải lưu tâm. Chuẩn bị và giúp con ghi nhớ được những kỹ năng đối phó trong tình huống bị lạc sẽ giúp bé tránh được tai nạn không đáng có.
Cuộc sống vốn dĩ lúc nào cũng chứa đựng những tình huống bạn chẳng thể lường trước được với con cái, đôi khi chỉ một phút không để ý, con bạn có thể biến mất khỏi tầm mắt nhanh chóng. Không phải lúc nào con cũng may mắn gặp được người tốt, nhận được sự trợ giúp từ mọi người, cho nên trong những đứa trẻ bị lạc, có những bé mãi mãi chẳng thể trở về được với cha mẹ.
Để phòng trường hợp xấu nhất xảy ra với các con khi vô tình bị lạc, cha mẹ nhất định phải dạy con những kỹ năng xử lý khi rơi vào tình huống này.
Trang giáo dục cuộc sống Familles for Life đã dành hẳn một bài viết đề cập đến vấn đề này. Theo Familles for Life, cả bố mẹ và các con đều có những vai trò quan trọng trong tình huống bởi: Cha mẹ dạy – con áp dụng. Nếu cha mẹ chuẩn bị kỹ năng cho con tốt, chắc chắn bé sẽ làm chủ được bản thân và xử lý tình huống một cách dễ dàng hơn.
ĐỐI VỚI PHỤ HUYNH
1. Nói nhiều về chuyện đi lạc
Cha mẹ là người giúp con hình dung ra câu chuyện lạc đường và cách xử trí khi bị lạc ra sao. Vì thế hãy nói chuyện một cách tích cực, chuẩn bị tâm lý cho con để con có thể giữ được tâm lý bình tĩnh nếu gặp phải.
Cha mẹ hãy nói trước với bé về những điều có thể xảy ra trong cuộc sống. Ảnh minh họa
2. Dạy trẻ ghi nhớ tên đầy đủ và số điện thoại của bố mẹ
Trong những câu chuyện hàng ngày với con, cha mẹ tập cho con thói quen nhớ tên đầy đủ và số điện thoại của bố mẹ. Chỉ đơn giản như “Con tên là gì? Con bố gì, mẹ gì? Nhà con ở đâu?”, cha mẹ sẽ hình thành cho con thói quen ghi sâu vào trong trí nhớ của con. Nếu gặp tình huống xấu, bé sẽ theo thói quen và nói ra được tên bố mẹ, đọc số điện thoại và nhà ở.
Hơn nữa, nếu con chỉ biết gọi “bố”, “mẹ” thì xác xuất để những người xung quanh tìm ra bố mẹ cho con không nhanh chóng như con biết tên đầy đủ.
3. Để lại điểm nhận dạng trên người con
Ngày nay có rất nhiều loại vòng tay, vòng cổ có khắc tên và số điện thoại của cha mẹ. Phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, cha mẹ có thể dùng cách này để làm cầu nối liên lạc khi con bị lạc. Ngoài ra, cha mẹ có thể khâu bảng tên vào quần áo con, dán vào balo hay giày dép cũng vô cùng hữu ích.
4. Chơi trò đóng giả
Cha mẹ có thể dạy con bằng cách cho bé nhập vai vào tình huống giả định, yêu cầu con làm lại các bước xử lý như đã dạy. Cách này hữu hiệu hơn rất nhiều so với chỉ dạy lý thuyết bằng miệng, vì thực hành luôn dễ nhớ và dễ áp dụng hơn cho trí óc non nớt của các con
5. Bình tĩnh xử lý trong trường hợp con bị lạc
Dạy con bình tĩnh chưa đủ mà chính bản thân những bậc cha mẹ cũng phải giữ một cái đầu tỉnh táo khi con lạc. Cha mẹ nên tìm sự trợ giúp của bảo vệ, cảnh sát… khi tìm được con cũng không nên mắng mỏ, trách móc mà củng cố tâm lý vì các con vừa trải qua khủng hoảng, sang chấn nhỏ.
Cha mẹ hãy trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng để có thể xử lý tình huống đi lạc dễ dàng. Ảnh minh họa
ĐỐI VỚI CÁC CON
1. Dạy con đứng yên một chỗ, bình tĩnh
Bình tĩnh là trạng thái cảm xúc an toàn và có hiệu quả nhất trong bất cứ trường hợp cấp bách nào. Khi con bị lạc cũng vậy, hãy dạy con đừng la hét, khóc lóc hay kích động chạy khắp nơi tìm bố mẹ, như vậy càng gây sự chú ý khiến kẻ xấu dễ bề tiếp cận. Ngược lại cha mẹ dạy con hãy đứng yên một chỗ, dừng mọi hoạt động chơi, đi bộ hay làm việc gì để tập trung về bố mẹ.
2. Tìm địa điểm an toàn
Trước khi được bố mẹ tìm thấy, hãy dạy trẻ cách tự đảm bảo an toàn cho bản thân từ những yếu tố khách quan. Cha mẹ hãy dạy trẻ cách chọn chỗ đứng an toàn như: Không ở giữa đường đi, không gần các phương tiện máy móc đang hoạt động, không đứng gần ao hồ, gần bụi rậm…
3. Gọi tên thật của bố mẹ to, rõ ràng
Hãy dạy con rằng, nếu có thể con hãy hét thật to tên của bố mẹ như “Bố Dũng ơi, mẹ Ngân ơi”… như vậy cha mẹ có thể tìm thấy con nhanh chóng, trong những trường hợp con bị lạc ở đám đông ngay gần bố mẹ. Hơn nữa, sự im lặng lúc này hoàn toàn sai lầm, nhắc con rằng những kẻ xấu thường thích tiếp cận với những đứa bé im lặng, chúng dễ dàng dắt đi vì không gây chú ý đến ngưới khác.
Ngoài ra, nếu con có điện thoại di động, hãy dạy cách sử dụng cho trẻ và lúc này là cơ hội tốt để thực hiện kỹ năng gọi điện cho người thân
Nhắc con luôn tìm kiếm sự trợ giúp từ những người đáng tin cậy. Ảnh minh họa
4. Tìm sự trợ giúp từ người đáng tin cậy
Ngay từ khi chưa có sự cố, cha mẹ nên dạy con việc tìm những người mặc đồng phục cảnh sát, công an, nhân viên bảo vệ, nhân viên bán hàng để nhờ trợ giúp. Trong trường hợp trẻ chưa phân biệt được ai với ai, nói với con rằng “Con hãy chạy đến một bà mẹ đang dắt con nhỏ và đề nghị giúp đỡ”.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở vì phụ nữ có con tạo cho các con sự tin tưởng, an toàn hơn đàn ông. Hơn nữa, một người đàn ông có thể gặp rắc rối, dễ bị nghi là kẻ xấu khi đi cùng một đứa trẻ lạ.
5. Dạy con cách đối phó với người lạ
Nguy hiểm luôn rình rập bên các con khi thiếu vắng bóng cha mẹ, dù chỉ là một thời gian rất ngắn nhưng cũng có thể gây ra những sự cố đáng tiếc. Vì thế, cha mẹ hãy ghim vào đầu con suy nghĩ rằng, “Chẳng có người lớn nào nhờ trẻ con giúp việc này việc khác, vì nếu có việc thật thì người ta sẽ nhờ những người trưởng thành khác”.
Cha mẹ hãy dạy con cách đáp trả khi gặp những câu nói kiểu: “Bố mẹ cháu đang ở đằng kia, để bác đưa cháu đến chỗ bố mẹ cháu”; “Cô là bạn của mẹ con, cô có quà cho con, đi theo cô ra xe để lấy nhé!”; “Bác biết nhà con ở đâu, để bác đưa về nhé!”… lúc này dạy trẻ phải bình tĩnh trả lời “Cháu không quen cô/chú/bác… bố mẹ cháu đang đứng ở kia kìa!”.
Không chỉ với trường hợp con bị lạc, việc dạy con cảnh giác với người lạ là điều không bao giờ thừa trong cuộc sống hiện đại.