Trường học diễn tập đề phòng bắt cóc, hàng loạt bé định ăn kẹo của người lạ, chỉ một cậu nhóc khóc um đòi cứu bạn

Chi Chi - Ngày 25/10/2024 10:00 AM (GMT+7)

Video quay lại cảnh tượng hỗn loạn của nhóm học sinh mầm non khi có người lạ tiếp cận các bé đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem.

Xem video: Bé trai 4 tuổi bảo vệ bạn học khỏi kẻ lạ mặt

Dụ dỗ, bắt cóc trẻ em là một trong những vấn đề nhức nhối, gây hoang mang cho các bậc phụ huynh bởi các con còn nhỏ, thiếu khả năng tự bảo vệ bản thân mình. Thế nhưng chắc chắn với những đứa trẻ được giáo dục một cách cẩn thận, kỹ càng, bố mẹ sẽ hoàn toàn an tâm nếu những tình huống xấu đó có thể xảy đến với bé.

Thậm chí những đứa trẻ ấy còn góp phần cứu mạng người khác một cách xuất sắc mà người lớn cũng phải nể phục. Đơn cử như cậu nhóc 4 tuổi đang gây sốt mạng xã hội xứ Trung những ngày qua thông qua một video ngắn.

Theo đó, đoạn video đạt tới hơn 10 triệu lượt xem và chia sẻ ghi lại cảnh tượng khá hỗn loạn ở một trường mầm non ở Vũ Hán (Hồ Bắc) nước này. Trong đó là một nhóm các em học sinh 4 tuổi có cả trai và cả gái đang bị một người đàn ông bịt mặt tiếp cận. Người đàn ông lạ này cầm theo kẹo và đồ chơi nhằm dụ dỗ để bắt cóc những đứa trẻ.

Trường học diễn tập đề phòng bắt cóc, hàng loạt bé định ăn kẹo của người lạ, chỉ một cậu nhóc khóc um đòi cứu bạn - 1

Trong khi nhiều bạn nhỏ thích thú với những món đồ lạ mắt của người đàn ông, không ngừng tiến lại ngửa tay xin thì một bé trai lại có hành động khá dữ dội. Cậu nhóc này khóc lớn nhưng không ngừng kéo những người bạn của mình thoát khỏi chiêu lừa đảo của người đàn ông.

Không chỉ vậy, em bé còn đứng ra phía trước những bạn học của mình để đối đầu với người đàn ông có ý đồ xấu và luôn miệng nhắc nhở các bạn “Đừng ăn”. Khi người đàn ông tiến lại gần hơn cậu nhóc để cho kẹo thì em bé kiên quyết từ chối.

Trường học diễn tập đề phòng bắt cóc, hàng loạt bé định ăn kẹo của người lạ, chỉ một cậu nhóc khóc um đòi cứu bạn - 2

Trường học diễn tập đề phòng bắt cóc, hàng loạt bé định ăn kẹo của người lạ, chỉ một cậu nhóc khóc um đòi cứu bạn - 3

Được biết đây là một trong những tình huống giả định được nhà trường cố tình sắp xếp tạo ra nhằm xem phản ứng của các em học sinh mầm non như thế nào và thông qua đó dạy các bé cách đề phòng và từ chối khi có người lạ tiếp cận. Các em học sinh hoàn toàn không biết về kế hoạch diễn tập của nhà trường và vẫn ra sân chơi như bình thường. Hành động đáng tuyên dương của cậu nhóc đã khiến hàng triệu người phải vỗ tay khen thưởng.

Sau khi đoạn video được chia sẻ rộng rãi, đại diện giáo viên tại trường học cho biết em học sinh đang học tại lớp mẫu giáo nhỡ 4 tuổi. Các thầy cô giáo trong trường đã gửi lời khen ngợi đặc biệt cho sự dũng cảm của em học sinh, bé không chỉ thoát khỏi sự lừa đảo của người lạ mà còn anh dũng đứng lên bảo vệ các bạn học của mình.

Về phía em học sinh, sau khi được phỏng vấn tại sao lại có những hành động như thế, em cho biết “Em sợ các bạn của em bị lừa đi mất còn bản thân em không sợ. Em khóc là vì lo lắng cho các bác khác mà thôi”.

Không ít người đã dành lời khen ngợi đặc biệt đến em học sinh mầm non bởi cũng giống như các bạn học trong video, hầu hết trẻ nhỏ đều tỏ ra sợ hãi hoặc sẽ đi theo, nhận đồ và làm theo yêu cầu của kẻ lạ mặt, đối tượng xấu. Chắc chắn cậu nhóc trong video gây sốt đã được bố mẹ, thầy cô dặn dò rất kĩ về vấn đề này cũng như những kỹ năng xử trí khi gặp tình huống.

Qua đó có thể thấy việc trau dồi các kiến thức, kĩ năng cho trẻ khi gặp đối tượng lạ mặt là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp bé thoát khỏi nguy hiểm mà còn có thể cứu mạng những người bạn xung quanh khác.

Chính vì thế, ngay từ khi con lên 2, 3 tuổi, bố mẹ nên dạy cho con cách nhận biết và từ chối lời đề nghị của người lạ để tránh bị bắt cóc.

1. Giúp con hiểu hơn về khái niệm “người lạ”

Để giúp trẻ đối phó được với những người lạ mặt, trước hết bố mẹ cần giúp trẻ hiệu được khái niệm “người lạ”. Hãy giải thích với con rằng người lạ chính là người mà con không biết và chưa từng gặp trước đây. Tuy nhiên bố mẹ cần giúp trẻ phân biệt được đâu là người lạ xấu và đâu là người lạ tốt.

Trẻ cần hiểu rằng một người lạ mặt tốt bụng sẽ chẳng bao giờ yêu cầu sự giúp đỡ của một đứa trẻ. Nếu người ta có việc cần tìm người giúp đỡ, người ta sẽ hỏi những người lớn tuổi. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như: “Có một bà cụ bị gãy tay, con đến phụ cô giúp bà lão đó nha” hay “Con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé”...đều là đối tượng đáng nghi ngờ.

2. Hãy để trẻ biết nơi an toàn và người an toàn

Trẻ cần hiểu rõ những người lớn an toàn với con chính là bố mẹ, ông bà, cô chú ruột thịt… Nếu trong trường hợp không có những người đó ở cạnh, hãy chỉ cho con cách chạy đến những nơi đông người, xin sự giúp đỡ của nhân viên bảo vệ hoặc nhân viên bán hàng gần đó…

Khi nói điều này với con, bạn đã giúp bé xác định được những người lạ mà bé có thể đến xin giúp đỡ, còn những người khác, con luôn phải giữ khoảng cách và cần có sự cảnh giác nhất định. Hãy để con biết đến những nơi an toàn và gặp những người đáng tin như vậy khi thấy cảm thấy nguy hiểm.

3. Hét lên "Cháu không quen ông ấy/ bà ấy"

Hãy dạy con hét thật to! Nếu con bạn bị người lạ tiếp cận, con cần biết phải làm gì. Một ý tưởng hay đó là dạy bé phải hét lên càng to càng càng tốt, chẳng hạn như hãy dạy trẻ la lớn lên rằng: "Cháu không biết cô là ai!", "Cháu không quen ông ấy/ cô ấy, họ đang bắt cóc cháu".

Cùng với la hét, bạn có thể bảo con phản kháng lại nếu cần để bảo vệ bản thân. Trẻ có thể hành động mạnh mẽ hơn bình thường, chẳng hạn như cắn, đá, cào, gào khóc... Lúc đó, bằng bất cứ giá nào, trẻ cần cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.

4. Chạy khỏi các xe đang đến gần theo hướng ngược lại

Dạy các bé không được lại gần xe người lạ là một điều hết sức quan trọng. Nếu một chiếc xe tiến lại gần, bắt đầu đi theo con, mà người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của con, hãy nhanh chóng chạy theo hướng ngược lại với hướng chuyển động của xe. Điều này sẽ giúp con có thời gian gọi người giúp đỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

5. Ngừng trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ

Khi tiếp xúc với người chưa từng gặp gỡ nên dạy trẻ cách giữ khoảng cách. Tuyệt đối không cho người lạ động chạm vào thân thể hoặc đi theo người lạ ngay cả khi họ nói sẽ giúp trẻ tìm đường về nhà.

Con bạn nên biết rằng bé không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ. Hãy dạy trẻ, khi nói chuyện với người lạ, nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5-7 giây, tốt hơn hết con hãy bỏ đi và đến chỗ an toàn.

Thêm vào đó, khi đang nói chuyện, các bé nên đứng cách xa người kia khoảng từ 2-2,5 mét. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, con hãy lùi ra sau. Bố mẹ hãy thực tập tình huống này với con, chỉ cho bé thấy 2,5 mét là như thế nào và nhấn mạnh rằng luôn giữ khoảng cách đó.

6. Dạy trẻ nói “không” với các món đồ của người lạ

Người lạ ở đây là những người trẻ chưa từng gặp mặt, chưa từng được cha mẹ giới thiệu trước đó. Cha mẹ cần dạy trẻ nói “không” với những món quà của người lạ như: đồ chơi, bánh kẹo, quần áo…

7. Cho trẻ xem các chương trình về nạn bắt cóc

Việc bố mẹ chia sẻ cùng con những câu chuyện xảy ra hằng ngày, hay cho trẻ xem những tình huống giả định khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm, cùng cách xử lí sẽ rất có lợi cho trẻ.

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể tự tạo các tình huống giả định, diễn nhiều kịch bản khác nhau, chẳng hạn như một người lạ hỏi nếu con có muốn đi nhờ, hoặc một ai đó con quen biêt nói điều gì đó làm con ấy cảm thấy không thoải mái. Hãy dạy con biết cách xác định đâu là một tình huống tồi tệ, và nếu điều đó xảy ra, phải báo ngay cho bạn biết.

8. Thiết lập mật khẩu gia đình

Một ý tưởng tuyệt vời khác bố mẹ nên áp dụng đó là tạo ra một mật mã cho phép con biết ai là người an toàn được phép ở gần con. Nếu có ai đó nói với con "Hãy đi với cô. Cô sẽ đưa cháu đến gặp bố và mẹ", khi đó, điều đầu tiên bé nên làm là hỏi lại người đó xem "Bố mẹ cháu tên là gì? Mật khẩu nhà cháu là gì?". Hãy chắc chắn rằng câu mật mã đó không thịnh hành và ít người có thể đoán được.

Theo Chi Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kỹ năng sống