Hầu hết bố mẹ nào cũng một lần nói với con những câu này rồi sau đó ước gì mình chưa nói.
Có lẽ làm bố, làm mẹ là một trong những công việc khó nhất mà mỗi người đều phải trải qua. Sinh con ra làm sao khỏe mạnh, rồi nuôi dạy con ra sao cho tốt luôn là những câu đố, bài toán khó của phụ huynh. Mỗi người có một cách nuôi dạy con khác nhau, nhưng đều hướng về một kết quả duy nhất là mong con nên người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong cương vị người bố, người mẹ bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể hủy hoại cả một thế hệ. Trong cuộc sống với bao áp lực, bố mẹ đôi khi buột miệng ra những câu nói gây xát thương lớn cho con. Những câu nói tưởng chừng vô hại nhưng lại vô tình khắc sâu vào trong tâm trí và tư tưởng của mỗi đứa trẻ.
“Bố/mẹ bận lắm”
Trẻ con hiếm khi có thể ngồi yên lặng hoặc chơi trong một khoảng thời gian nhất định nên chúng sẽ tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh bất kể là bố mẹ hay ông bà. Những lúc con muốn bố mẹ tham gia trò chơi hay muốn được hỏi han chuyện trò thì đừng vội vàng “xua tay” đuổi con ra chỗ khác chỉ với lí do là “bố/mẹ đang bận, không có thời gian” hay “đừng có làm phiền bố/mẹ” hay đùn đẩy cho nhau “con ra chơi với…đi, bố/mẹ không rảnh”.
Nếu người lớn thường xuyên “vung” ra câu nói này với con sẽ vô tình xây lên một bức tường ngăn cách với con cái, các con sẽ không dám thổ lộ, tâm sự với bố mẹ. Thái độ bất hợp tác này của bố mẹ có thể kiến bé mất hứng và hụt hẫng. Thêm vào đó, nếu mẹ đùn đẩy việc chơi với con cho người khác và đáng buồn là người đó cũng không rảnh thì bé sẽ càng trở nên buồn chán và xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực hơn.
Thái độ bất hợp tác này của bố mẹ có thể kiến bé mất hứng và hụt hẫng (Ảnh minh họa)
Gợi ý cho bố mẹ: nên vui vẻ thông báo để bé hiểu rằng bố/ mẹ đang bận việc bằng những câu nói nhẹ nhàng như "Con yêu, mẹ đang bận chút, lát nữa mẹ trò chuyện với con nhé", "Con có thể ra xem phim hoạt hình chờ mẹ một lát, mẹ xong việc sẽ tới chơi với con ngay"...
“Mẹ ước là chưa từng sinh ra con” hay “Giá như đứa…là con của mẹ”
Rất nhiều bậc phụ huynh từng có suy nghĩ như vậy hoặc vô tình mắng con trong một lần giận dữ tột đỉnh. Nhưng đây chỉ là một cảm giác nhất thời trong khi quá căng thẳng. Bố/mẹ nói ra câu này có thể sau đó chỉ một vài giây sẽ quên ngay lập tức, tuy nhiên với trẻ thì không. Bé sẽ tin rằng, mẹ không muốn làm bố mẹ của mình hay thực sự bố mẹ đang chán ghét và không yêu quý mình nữa.
Hay khi bé vô tình làm sai điều gì khiến bố mẹ bực bội, nhiều người ngay lập tức quát mắng và săn sàng so sánh bé với một ai đó, có thể là bạn bè hay anh chị em của con. Sau mỗi lần so sánh con, mẹ lại “buột miệng” nói rằng “giá như bé…là con của mẹ”. Khi nghe thấy câu nói này của mẹ, bé sẽ bị tổn thương bởi suy nghĩ: "Mẹ ghét mình, mẹ chỉ yêu bạn…thôi". Từ đó, bé sẽ trở nên mặc cảm, tự tin, so bì, ghen tỵ với bạn… đó.
Gợi ý cho bố mẹ: nên biết cách kiềm chế cơn giận, tốt nhất nên nhanh chóng ra ngoài cho đến khi bình tĩnh lại rồi sau đó trao đổi lại với bé.
“Con không nhanh chân, bố/mẹ sẽ bỏ lại con đấy”
Khi muốn thúc giục bé nhanh chóng hoàn thành một công việc gì đó hoặc đơn giản chỉ muốn các bé đi nhanh hơn, các ông bố bà mẹ không nên sử dụng câu này. Bởi với các bé, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Do đó đây có thể là câu nói mang đến một nỗi ám ảnh to lớn trong ý nghĩ của bé.
Sau một hai lần bị giục và dọa như vậy, bé đương nhiên sẽ phải tăng tốc độ tối đa để không bị bỏ lại. Nhưng ở những lần sau đó, bé biết bố mẹ chỉ “nói chơi”, câu dù họa này của bạn sẽ mất tác dụng và trẻ sẽ nghĩ “mình có chậm một chút cũng không sao, vì bố mẹ chỉ dọa mình thế thôi”. Thêm vào đó, nếu bố/mẹ hành xử như vậy chứng tỏ bạn không phải là một người kiên nhẫn, và khi người lớn thể hiện điều đó thì trẻ sẽ học theo. Điều này không tốt một chút nào cho trẻ trong cuộc sống và công việc sau này.
Gợi ý cho bố mẹ: nếu muốn bé ghi nhớ và nhanh nhẹn hơn, mẹ có thể đưa ra cho bé vài lời cảnh báo nhẹ nhàng như “Đã đến lúc mẹ con mình phải về nhà rồi”, "Con có nghĩ mình cần về nhà nhanh hơn không?" đồng thời dắt tay bé bước theo mình.
“Con giỏi quá”
Điều gì là không nên khi khen một đứa trẻ? Những lời nói khích lệ luôn là một công cụ rất hữu dụng của tất cả các ông bố bà mẹ. Khi con làm đúng một bài toán khó, trả lời đúng một câu hỏi đố mẹo, hay làm được một việc gì đó đáng khen, bố mẹ cũng đừng vội khen "con giỏi quá". Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng lời khen như một động lực giúp con cố gắng hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Việc thường xuyên khen con mình sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó, thậm chí làm xuất hiện trong con trẻ tính tự cao, tự đắc, coi thường người khác.
Việc thường xuyên khen con mình sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó, thậm chí làm xuất hiện trong con trẻ tính tự cao, tự đắc, coi thường người khác (Ảnh minh họa)
Gợi ý cho bố mẹ: thay vì khen con trẻ, cha mẹ có thể diễn tả: "Con đã khá hơn rồi", "con đã tiến bộ hơn nhiều rồi đó"... Đó là một sự trợ giúp rất đắc lực cho con trong giai đoạn đang phát triển cả về tâm lý cũng như kiến thức cuộc sống.
"Để bố/mẹ giúp con"
Không phải ít mà có rất nhiều bố mẹ ngày nay quá nuông chiều và yêu thương con hết mực nên sẵn sàng ra tay làm giúp con mọi việc. Bất cứ khi nào con vấp ngã lại vội vàng chạy đến đỡ con đứng lên. Hay đơn cử những công việc đơn giản nhất trong nhà, bố mẹ cũng tranh mất phần của con, bởi họ nghĩ rằng "con chỉ cần đầu tư thời gian cho việc học là tốt rồi".
Tuy nhiên, bố mẹ làm như vậy là hại con chứ không phải giúp con. Bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của trẻ sau này. Với tư tưởng luôn được bố mẹ, người lớn giúp đỡ nên trẻ sẽ không có một chút động lực hay cố gắng nào để hoàn thành công việc, và đương nhiên khi gặp khó khăn trẻ vẫn "ung dung" bởi chắc chắn sẽ có người lo hộ mình.
Gợi ý cho bố mẹ: Thay vì vội vàng giúp đỡ con, hay thay con làm mọi việc, bố mẹ hãy để tự con tự làm và tự đứng bằng bàn tay và đôi chân của mình. Hãy chỉ là người đứng bên cạnh động viên và dang tay cứu giúp khi thật sự cẩn thiết, chớ "nhanh nhảu đoảng" mà gây hại cho tương lai của con.
"Không ăn hết cơm thì con đừng trách mẹ..."
Trẻ nhỏ có nhiều bé rất biếng ăn, cứ mỗi lần đến bữa lại bắt đầu "giở chứng". Với các bố mẹ có con như vậy thì rất bực mình và khó có thể giữ được bình tĩnh khi chứng kiến cảnh con ngồi gảy thức ăn. Mất bao công sức công nấu mà con nhất quyết không chịu ăn khiến các mẹ phải dùng đến chiêu đe dọa. Những câu nói như: "Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ đánh đấy", "Con không ăn là ma đến bắt đi đấy" hoặc "Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh"... dễ khiến trẻ cảm thấy như đang bị phạt và giảm hẳn cảm giác ngon miệng.
Nếu mẹ cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn (Ảnh minh họa)
Nếu mẹ cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Không những vậy, mẹ sẽ khiến trẻ sinh ra tư tưởng sợ ăn hoặc không dám ăn cơm cùng bố mẹ.
Gợi ý cho bố mẹ: Thay vì dọa nạt, quát mắng trẻ ăn, tại sao mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại như vậy, có thể là do đồ ăn mẹ nấu không ngon, không hấp dẫn. Các mẹ hãy tìm cách để khắc phục tình trạng biếng ăn của con bằng các cách tích cực và khoa học hơn như thay đổi thực đơn, tạo hình món ăn bắt mắt...
“Đừng có khóc”
Những câu tương tự: “đừng có buồn”, “con có phải trẻ con nữa đâu”, “có gì đâu mà phải sợ”,... thực tế không làm cho con hết sợ, hết buồn và thôi không khóc nữa. Trẻ con cũng có những cảm xúc riêng và được quyền thể hiện những cảm xúc đó khi mà chúng không thể bày tỏ bằng lời.
Gợi ý cho bố mẹ: Thay vì bảo con “đừng” thế này thế kia, bố mẹ có thể nói những câu thể hiện sự đồng cảm và sẻ chia, bé sẽ dần dần nín khóc và nói ra những cảm xúc của mình.