Bác sĩ mách mẹ phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau bụng

Ngày 22/05/2019 15:00 PM (GMT+7)

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh chia sẻ, đau bụng là một loại cảm giác khó chịu tại bụng, tác nhân gây ra thường do rối loạn hoạt động của cơ quan tiêu hoá nhưng cũng có thể do một nguyên nhân không liên quan đến tiêu hoá.

Bác sĩ mách mẹ phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau bụng - 1

Tác giả bài viết: Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ

Bác sĩ mách mẹ phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau bụng - 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh – Bệnh viện Từ Dũ

Với người lớn có thể dễ dàng nhận biết khi bị đau bụng và tìm cách khắc phục vấn đề. Trẻ sơ sinh bị đau bụng hoặc đầy bụng lại khó khăn trong việc nhận biết và xử trí.

Có 20% trẻ dưới 3 tháng tuổi có những cơn đau quặn bụng khiến trẻ khóc kéo dài mà không dỗ được hay còn gọi là khóc dạ đề. Đây không phải là bệnh lý nên không cần điều trị, tình trạng này sẽ thuyên giảm sau 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi trẻ để phát hiện những “dấu hiệu cảnh báo” kèm theo mà cần phải cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị đau bụng?

Các mẹ lưu ý khi thấy xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây có thể cho thấy rằng trẻ sơ sinh đang bị đau bụng:

- Khóc từng cơn nẩy người hoặc co đùi, kéo chân lên ngực khi trẻ khóc.

- Khóc khi bị ấn bụng hoặc không khóc khi bị ấn nơi khác.

- Hành vi khác thường, gắt gỏng, trăn trở, bứt rứt

- Không ngủ hay không ăn

- Vặn vẹo hoặc đau cơ, khuôn mặt lộ rõ ​​sự đau đớn (nhắm nghiền mắt, nhăn nhó,..)

Vậy thế nào là khóc dạ đề do đau quặn bụng ở trẻ nhỏ?

- Những cơn khóc quấy, dễ kích thích, khóc thường xuyên, dữ dội bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu đời sau sanh.

- Cơn khóc dai dẳng trong hơn 3 giờ/ngày và xuất hiện hơn 3 lần trong mỗi tuần

- Khóc dai dẳng ít nhất trong 1 tuần

Những “dấu hiệu cảnh báo” kèm theo nếu có phải đưa bé đi khám bác sĩ:

- Nôn hoặc tiêu ra máu

- Nôn hết sữa được cho bú hoặc trớ thường xuyên

- Chướng bụng

- Tiêu chảy

- Có chàm da, thở khò khè

- Chậm lớn

- Da xanh tái, vã mồ hôi

Bác sĩ mách mẹ phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau bụng - 3

Những cơn khóc quấy bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu đời sau sanh được gọi là khóc dạ đề. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ra đau bụng ở trẻ sơ sinh?

Đau bụng ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra vì nhiều lý do:

- Bé bị nhiễm khuẩn đường ruột

- Trẻ bú quá nhiều sữa gây đầy bụng

- Trẻ nuốt hơi quá nhiều trong lúc bú gây bụng chướng hơi

- Khó tiêu hóa

- Đau quặn bụng (colic pain)

- Dị ứng đạm của sữa công thức (dị ứng protein sữa bò)

Trẻ sơ sinh bị đau bụng phải làm sao?

- Trường hợp có bằng chứng đe dọa sinh mạng của trẻ: phải được đưa đi bệnh viện ngay để được xử trí cấp cứu.

- Ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của trẻ, nhưng tổng trạng ổn định. Những trẻ này cũng cần được đưa đi Bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề.

- Ảnh hưởng ít đến sinh hoạt thường ngày của trẻ, tức là sau khi đau bụng, quấy khóc bé hoàn toàn bình thường, tươi tỉnh, bú tốt, lên cân tốt: phần đông những trẻ này, triệu chứng đau bụng thường tự giới hạn, một vài giờ hoặc sau vài buổi, phần còn lại cần phải theo dõi bằng nhiều đợt thăm khám.

Chăm sóc trẻ bị đau bụng tại nhà như thế nào?

- Theo dõi sát trẻ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm hoặc những dấu hiệu ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bé, để đưa bé đi bệnh viện kịp thời.

- Vác đứng bé, áp bụng bé vào người bế, vỗ nhè nhẹ lên lưng bé.

- Làm dịu tinh thần của trẻ bằng cách đưa trẻ đi dạo một vòng  

- Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, tránh bú sữa công thức

- Cho bé bú vừa đủ (không quá no cũng không bị đói)

- Vỗ lưng cho bé ợ hơi sau bú để giảm đầy hơi

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc bé để tránh lây nhiễm khuẩn từ bàn tay của người chăm sóc qua bé.

Bác sĩ mách mẹ phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau bụng - 4

Không nên để bé khóc một mình quá 5 – 10 phút. Tuyệt đối không rung lắc bé. Ảnh minh họa

Những lúc bé quấy khóc khó dỗ, nếu mẹ cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, thì mẹ nên nhờ người khác trông hộ trẻ. Tuy nhiên, đừng để bé khóc một mình quá 5 – 10 phút. Tuyệt đối không rung lắc bé.

Nếu mẹ đang cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ về chế độ ăn uống của chính người mẹ. Mẹ có thể giải quyết vấn đề bằng cách tránh những thực phẩm có thể ảnh hưởng đến em bé. Nếu trẻ đang uống sữa bột, hãy hỏi bác sĩ nếu chuyển sang loại khác có thể giúp ích.

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm đầy hơi hoặc giúp ổn định hệ vi sinh thường trú ở ruột nếu các biện pháp chăm sóc không dùng thuốc kém hiệu quả. Nếu các rối loạn kéo dài, không đáp ứng điều trị và nghi ngờ có bất thường bẩm sinh về ruột, bác sĩ có thể đề nghị phải nhập viện để làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán.

Trẻ sơ sinh bị táo bón: Dấu hiệu và nguyên nhân mẹ cần biết
Ở trẻ sơ sinh, táo bón thường được định nghĩa dựa vào trạng thái phân của trẻ hơn là tần suất đi đại tiện của trẻ.

Bài chuyên gia

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con không kháng sinh