'Bạo lực mồm' khép trẻ vào kỷ luật

Ngày 31/03/2013 05:54 AM (GMT+7)

Một phụ huynh kể con chị thường xuyên bị cô giáo dọa treo lên cánh quạt trần.

Nhiều người thấy “bạo lực mồm” như một giải pháp ưu thế, để khép những đứa trẻ vào kỷ luật.

Con gái nói: Nhà mình không có quạt trần, làm sao treo gấu bông lên? Mẹ ngạc nhiên: Sao con muốn treo gấu? Bé hôn nhiên: Cô giáo ngày nào cũng treo bạn H.A như thế. Mẹ: Vì sao lại treo bạn H.A?

Bé: Bạn H.A quậy quá, nên cô giáo lấy dây buộc bạn H.A rồi treo lên cánh quạt cho quay chóng mặt luôn! Mẹ gặng hỏi: Cô giáo con làm thế hay nói thế? Bé: Cô giáo con nói thế!

Câu chuyện của con khiến tôi rùng mình. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Mấy hôm sau trên một bài báo, tôi đọc được bài viết của một phụ huynh kể chuyện con chị học tiểu học, thường xuyên bị cô giáo dọa treo lên cánh quạt trần để trừng phạt tội… lơ đễnh không nghe cô giảng bài!

Còn nhớ mấy năm trước, dư luận từng vô cùng phẫn nộ trước những vụ bạo hành trẻ em được phanh phui, trong đó có những vụ xảy ra trong nhà trường, ở cơ sở trông giữ trẻ. Có những hành vi “vượt ngoài tưởng tượng” như chuyện cô giáo mầm non dán băng keo làm chết trẻ, hay nhốt trẻ trong thang chuyển thức ăn khiến trẻ thương tích nặng…

#039;Bạo lực mồm#039; khép trẻ vào kỷ luật - 1
Nhiều người thấy “bạo lực mồm” như một giải pháp ưu thế, để khép những đứa trẻ vào kỷ luật. (Ảnh minh họa).

Những câu chuyện chưa nguôi ngoai trong lòng người và có lẽ, đối với nhà trường nó đã luôn được nhắc nhở như một giới hạn cần thiết, phòng ngừa những sự thái quá trong cư xử với học sinh.

Người xưa nói, thương cho roi cho vọt, nhưng roi vọt bây giờ là phạm luật, đụng chạm đến cơ thể đứa trẻ là coi chừng “bóc lịch”. Rõ ràng thầy cô bây giờ không dám đánh trò, phần lớn thầy cô hiểu rằng giáo dục không cần roi vọt.

Hiếm hoi, truyền thông phát giác một vụ đáng trò, dù trước đó cha mẹ đã cho phép thầy, thì ông thầy cũng không tránh khỏi bị dư luận “ném đá” tơi bời.

Không bạo lực thân thể nhưng nhiều giáo viên đã sử dụng “bạo lực mồm” như một biện pháp giáo dục. Không chửi mắng (vì chửi mắng cũng bị khép tội hình sự) nhưng dọa thì vô tư. Dọa thế thôi, có thực hiện đâu! Nếu cha mẹ cự nự thì xin lỗi một cái là xong!

Nhiều người thấy “bạo lực mồm” như một giải pháp ưu thế, để khép những đứa trẻ vào kỷ luật, để buộc nó làm theo ý muốn của cô, khi những phương pháp lý thuyết trở nên bất lực. Những người đó đã nghĩ dọa dẫm là vô hại. Dọa con nít (mẫu giáo, cấp 1) càng 'ok', con nít không biết luật, nó mau quên, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Người ta không hiểu rằng, bạo lực tinh thần nhiều khi tạo nên những vết thương còn sâu sắc, khó chữa hơn cả bạo lực thân thể.

Tâm lý giáo dục nói rằng những bài học đối với trẻ ở những năm đầu đời đều để lại dấu ấn khó phai, góp phần lớn kiến tạo tinh thần, tính cách trẻ. “Bài học dọa nạt” làm trẻ khiếp sợ, tất nhiên nhưng đáng sợ hơn, nó dễ khiến đứa trẻ cảm thấy những hành vi bạo lực trong cuộc sống là bình thường.

Đứa trẻ chưa đủ khả năng để phân biệt lời nói – việc làm, chúng chỉ thấy lời nói như một chỉ dẫn đưa đến hành động. Có gì đâu, cô giáo con nói thế!

Tôi thực sự thấy may mắn khi bằng cố gắng đã xóa tan trong con ấn tượng về chiếc quạt trần quay. Nhưng có bao nhiều đứa trẻ đã tìm được cách treo lên một chú gấu?

Theo Nhà văn Trần Thanh Hà (Mẹ yêu bé)

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời