Ấm đun nước, dây kéo rèm hay cốc thủy tinh... đều có thể gây thương tích cho trẻ nhỏ.
Theo Daily Mail, sự việc xảy ra vào cuối tháng 10/2016 quá bất ngờ và đơn giản khiến không ai có thể tin được đó là sự thật. Hôm đó, cặp vợ chồng Matthew, 40 tuổi, và Cathy, 42 tuổi đã nhờ ông bà ngoại chăm con gái Bronwyn Taylor, 16 tháng tuổi để xem phim cùng hai cậu con trai lớn là Dylan và Owen.
Khi ông ngoại lên trên lầu ngủ còn bà ngoại đang bận với những đứa trẻ khác ở tầng dưới, Taylor đang chơi ngoài vườn thì chạy vào trong phòng để tìm đồ chơi. “Chúng tôi không biết chính xác những gì đã xảy ra với con bé nhưng có vẻ như con bé đã vướng vào dây rèm cửa và bị chiếc dây quấn quanh cổ dẫn đến nghẹt thở và bất tỉnh”, cha cô bé cho biết.
Sau khi không thấy Taylor đâu, bà ngoại mới đi tìm và phát hiện cô bé ngã lăn dưới sàn đất và trong tình trạng bất tỉnh. Ngay lập tức họ đã gọi xe cứu thương và cho Taylor nhập viện. Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn, Taylor tử vong tại Bệnh viện Đại học Hoàng gia Stoke. Ông nội của Talor đã thực sự suy sụp trước cái chết của cháu gái. Vợ chồng Matthew sau khi nhận được tin về sự ra đi của con gái đã tức tốc đến bệnh viện. Ngồi ôm con nhiều giờ liền, Matthew vẫn không thể tin sự việc lại diễn ra nhanh đến như vậy.
Chiếc dây rèm cửa đã khiến bé Bronwyn Taylor tử vong.
Trên thực tế, không ít trẻ nhỏ gặp phải tai nạn đáng tiếc bởi những vật dụng quen thuộc trong nhà. Bất cứ lúc nào nguy hiểm cũng có thể rình rập vì trẻ con thường hiếu động, nghịch ngợm và chưa ý thức được hậu quả xảy ra.
Vì thế các bậc phụ huynh phải thật cảnh giác, luôn để mắt tới trẻ vì chỉ cần tích tắc lơ là cũng xảy ra sự cố đáng tiếc.
Dưới đây là những vật dụng quen thuộc cha mẹ nên để xa tầm tay của trẻ hoặc không cho bé tiếp xúc khi không có người lớn bên cạnh.
Vật dụng chứa nước như bồn tắm, bể cá…
Hầu hết các vật dụng trong nhà tắm như máy giặt, xô chậu, bồ tắm… thậm chí là bể cá cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm với trẻ nhỏ. Đây thường là vật dụng dùng để chứa nước, trẻ nhỏ lại vô cùng thích vùng vẫy. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ lơ là mất kiểm soát bé có thể gặp nạn đe dọa tới tính mạng nếu vô tình ngã xuống.
Vật dụng chứa nước như bồn tắm tiềm ẩn mối nguy hại với trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Lời khuyên dành cho mẹ:
- Với máy giặt nếu không sử dụng hãy đậy nắp và rút phích cắm để ngắt nguồn điện. Cách tốt nhất là lắp đặt khóa an toàn cho trẻ em.
- Khi tắm cho bé mẹ không được tranh thủ làm việc khác. Sau khi tắm xong, hãy nhớ xả hết chậu nước vừa rồi và đóng cửa phòng tắm.
- Nếu sử dụng xô, thùng chứa nước thì phải có nắp đậy
- Cửa nhà vệ sinh được trang bị khóa an toàn cho trẻ em và khóa khi không sử dụng, ngoài ra bồn cầu cũng phải được đậy nắp.
Ổ cắm, thiết bị điện
Quy tắc đầu tiên là đặt ổ điện xa tầm tay của trẻ. Điều này vô cùng cần thiết bởi trẻ ở giai đoạn bò và tập đi sẽ dễ dàng di chuyển tới những nơi có ổ điện. Vốn tính nghịch ngợm lại muốn khám phá bé có thể cho tay hoặc sử dụng vật bằng kim loại đưa vào ổ rất nguy hiểm.
Cha mẹ phải luôn để mắt không cho trẻ nghịch ổ điện. (Ảnh minh họa)
Vì vậy cha mẹ hãy luôn để mắt tới con, chú ý biện pháp an toàn dưới đây để tránh trường hợp xấu xảy ra.
- Thiết kế ổ cắm và bảng điện gắn tường, có nắp an toàn để bé không đưa tay hoặc vật bằng kim loại vào ổ.
- Không đặt bất kỳ vật dụng chứa nước gần ổ điện.
- Tốt nhất là không đặt ổ điện ở những nơi bé hay vui chơi.
- Phòng tắm, nhà bếp được trang bị ổ cắm gắn tường với thiết bị chống giật hoặc màn nhựa có khả năng ngăn chặn hiện tượng đoản mạch.
- Nguồn cấp điện, phích cắm, ổ điện và thiết bị gia dụng phải được thay thế kịp thời nếu bị hỏng hóc.
- Khi không sử dụng các thiết bị điện, hãy rút dây nguồn và sắp xếp gọn gàng.
Tủ, kệ tivi
Sự thật là trẻ luôn thích leo trèo khám phá, những bậc cầu thang hay món đồ nội thất như tủ sách, tủ đứng và tủ đựng quần áo đều thu hút sự chú ý. Bé có thể trèo một cách dễ dàng mà không gặp trở ngại.
Tuy nhiên, những vật dụng cồng kềnh có sức nặng nếu không được đặt vững chãi sẽ có nguy cơ đổ đè lên người khiến bé bị thương. Để giữ an toàn, vật dụng này nên được gắn chặt vào tường bằng giá đỡ hoặc bản lề loại to.
Trẻ có nguy cơ bị tủ đổ đè lên người. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, mẹ nên chú ý chọn đồ nội thất có kích thước phù hợp, không nên quá to dễ chiếm diện tích và nguy hiểm với trẻ. Bên cạnh đó, hãy sắp xếp tủ gọn gàng bằng cách đồ to nặng nên đặt dưới cùng, đồ nhẹ nhàng để lên trên.
Dây kéo rèm cửa
Là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình, rèm cửa sổ được thiết kế có dây kéo nhằm đáp ứng yếu tố thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên, đây thực sự là mối nguy hiểm lớn với các gia đình có con nhỏ vì chỉ cần một chút lơ đãng thôi cũng đe dọa tính mạng của trẻ.
Trong lúc chơi đùa bé có nguy cơ bị dây rèm cuốn cổ, khiến đường hô hấp và sự lưu thông máu bị chặn lại dẫn tới bất tỉnh hoặc tử vong.
Trẻ có nguy cơ nghẹt thở, bất tỉnh hoặc tử vong nếu bị dây rèm cuốn cổ. (Ảnh minh họa)
Theo tiến sĩ Joe O'Neil - một giáo sư Nhi khoa lâm sàng tại Bệnh viện Riley ở Indiana (Mỹ), nếu trẻ bị mắc cổ vào dây rèm, chúng có thể tử vong trong một thời gian rất ngắn. Chỉ trong vòng 15 giây kể từ khi bị thắt dây vào cổ, trẻ có thể sẽ bất tỉnh và dẫn đến tử vong trong vòng 2-3 phút sau đó nếu như không được cứu kịp thời.
Lời khuyên cho mẹ:
Nếu có thể hãy loại bỏ rèm cửa, hoặc sử dụng loại có dây kéo để không gây nguy hiểm cho trẻ. Với những bé lớn hãy nói cho con biết sự nguy hiểm và giúp bé ý thức được việc bảo vệ bản thân.
Phích hoặc ấm đun nước
Bỏng là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ bởi làn da của bé mỏng manh dễ bị tác động hơn. Trẻ bị bỏng sẽ phải đối mặt với vết sẹo, di chứng tùy mức độ nặng nhẹ. Cha mẹ nên chú ý nhiều, để tránh tai nạn đáng tiếc xuất phát từ thiết bị gia dụng quen thuộc như phích, ấm đun nước, bật lửa…
Lời khuyên dành cho mẹ:
- Không sử dụng ấm đun nước ở những nơi trẻ thường xuyên chơi đùa và không cho phép trẻ tới gần khi ấm đang cắm điện.
- Ấm đun nước và phích phải được đặt ở vị trí cố định xa tầm với của trẻ
- Các vòi nước nóng phải được khóa khi không cần thiết.
- Bật lửa và vật dụng tạo nhiệt phải được cất gọn gàng khi không sử dụng.
Góc nhọn đồ nội thất
Góc nhọn đồ nội thất dễ khiến trẻ bị thương. (Ảnh minh họa)
Những vật dụng có cạnh sắc và nhọn như bàn, ghế, tủ quần áo… có thể khiến trẻ bị thương mỗi khi va đập. Bởi trẻ nhỏ phản ứng rất nhanh nhạy ngay cả người lớn không kịp ngăn cản. Những lúc như vậy, việc bé va vào các cạnh sắc của bàn ghế là điều khó tránh khỏi.
Một vài lưu ý cho cha mẹ khi chọn mua đồ nội thất hãy tránh những thiết kế có cạnh sắc nhọn hoặc cố gắng bịt các góc lại để không nguy hiểm cho bé. Ngoài ra, không cho trẻ chơi đùa hoặc nhảy từ ghế sofa hoặc giường xuống đất. Không đặt những chướng ngại vật ở những nơi bé thường chơi và đi lại.
Thuốc
Trong mắt của trẻ em, một số viên thuốc có màu sắc sặc sỡ trông hấp dẫn như kẹo. Trẻ chưa phân biệt được đâu là thuốc lại càng không biết tới tác hại nếu uống bừa bãi dẫn tới nguy hiểm khó lường.
Mẹ nên cất thuốc ở nơi cao và xa tầm với của trẻ. (Ảnh minh họa)
Điều cần đặc biệt lưu ý nữa là các bậc phụ huynh nên cất giữ thuốc tại nhà thật cẩn thận, ngoài tầm với để trẻ không dễ dàng lấy được. Tủ thuốc cũng nên có ngăn riêng biệt dành cho người lớn và trẻ nhỏ để tránh nhầm lẫn.
Ngoài ra, khi uống thuốc trước mặt trẻ không được nói đây là kẹo bởi trẻ dễ dàng ghi nhớ và làm theo.
Cốc sứ hoặc cốc thủy tinh
Cốc sứ hoặc cốc thủy tinh nếu đựng nước nóng dễ khiến trẻ bị bỏng. Chưa kể tới những loại cốc này thường dễ vỡ gây nguy hiểm cho bé. Vì vậy mẹ nên để xa tầm với, hãy dùng cốc nhựa mỗi lần cho con uống nước hoặc tự tay cầm cốc cho bé.
Các vật dụng nhỏ
Vật dụng có kích thước nhỏ như cúc áo, pin… trở nên nguy hiểm nếu bị bé nhét vào trong tai hoặc nuốt vào bụng tới tình trạng nghẹt thở, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Những vật dụng nhỏ trở nên nguy hiểm nếu bị bé nhét vào trong tai hoặc nuốt vào bụng. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, các loại hoa quả có kích thước nhỏ như nho, việt quất, các loại hạt… khi cho bé ăn mẹ cũng phải lưu ý tránh làm trẻ bị hóc. Mẹ nên nói cho bé nghe sự khác biệt giữa đồ ăn và đồ chơi để trẻ không tùy tiện cho vào miệng.
Khi cho bé ăn phải thật tập trung, không chọc ghẹo khiến bé cười hoặc chạy nhảy khi ăn. Trường hợp trẻ bị hóc phải tiến hành sơ cứu đúng cách đẩy dị vật ra ngoài, tuyệt đối không cho bé bú hoặc uống nước.