Quá bức xúc trước những câu hỏi vô ý của mọi người về chuyện sinh con, sinh con gái, BLV nổi tiếng Trương Anh Ngọc đã có bài chia sẻ được nghìn người đồng tình.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện "nổi ầm ầm" trên mạng xã hội vào khoảng tháng 9 năm ngoái khi một bà mẹ trẻ có 2 cậu con trai đưa ra quan điểm của bản thân rằng "điều may mắn nhất đối với mình cho đến thời điểm hiện tại là đã không sinh con gái".
Quan điểm của bà mẹ trẻ đã khiến không ít chị em chạnh lòng và cho rằng "chị ấy đang trọng nam khinh nữ?". Nhưng khi đọc hết được bài viết của chị, nhiều người mới cảm thấy "thấm" điều chị muốn nhắc đến.
Tuy nhiên, ngay sau đó, vấn đề sinh con trai - con gái lại tiếp tục được nhiều người đưa ra để bàn tán. Mỗi người có một quan niệm riêng để bảo vệ chính kiến của mình rằng việc có nên sinh con gái hay không? sinh con trai thì tốt hơn con gái hay mỗi gia đình nhất định phải có một con trai?
Sinh con trai hay con gái luôn là đề tài được nhiều người nhắc đến trong cuộc sống. Ảnh minh họa
Tuy nhiên thực ra, đây không phải là một đề tài mới mẻ mà đó là "muôn thuở" được nhắc đến rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hay thực tế hơn là nó đang xảy ra và hiện hữu ngay chính tại đời sống thật của mỗi người.
Khi mà hàng ngày, nhiều cặp vợ chồng gặp không ít những câu hỏi "vô tư vô ý" của mọi người về vấn đề sinh con, sinh con trai hay con gái nhưng đó như là "đâm dao vào nỗi đau" của chính bản thân họ.
Là một người nổi tiếng được nhiều người biết đến lại chỉ có một cô con gái, chắc cũng chính vì thế mà BLV Trương Anh Ngọc không tránh khỏi việc trở thành "nạn nhân" trong những câu chuyện xoay quanh vấn đề đó.
BLV Trương Anh Ngọc. Ảnh FBNV
Quá bức xúc với định kiến xưa cũ của người đời và "phát rồ" vì những câu hỏi "thiếu tôn trọng sự riêng tư", Trương Anh Ngọc đã có bài chia sẻ quan điểm của bản thân trên trang facebook cá nhân. Và dường như đánh trúng tâm lý của hàng nghìn người khác, bài chia sẻ của Trương Anh Ngọc ngay lập tức nhận được phản hồi rất lớn từ bạn bè và người hâm mộ.
Nguyên văn đoạn chia sẻ của anh Anh Ngọc như sau:
Bây giờ, có vô số chuyện khiến người ta có thể phát rồ và rồi hành xử như những kẻ điên rồ. Với mình, điều đang khiến mình không thể chịu nổi là cái kiểu đi đâu (dù ở nước mình, hay đã ở nước ngoài rồi), cũng bị người mình hỏi, tại sao không đẻ nữa, sao không làm thêm đứa con trai cho được điểm 10, sao không nghĩ đến trách nhiệm với gia đình và xã hội bằng việc đẻ nữa...
13 năm qua kể từ ngày mình có con gái, những câu hỏi như thế ban đầu khiến mình hơi khó chịu và trả lời cho xong, nhưng sau này, chúng làm mình rất bực tức, và dù có trả lời theo kiểu ngoại giao, tránh né hoặc nói thẳng, thì những người hỏi cứ lờ tịt đi, hỏi tiếp, hỏi nữa, hỏi mãi, nhiều khi cứ gặp nhau là hỏi.
Những câu hỏi về chuyện "đẻ đái" được đặt ra có thể được coi là một nét văn hoá giao tiếp của người Việt, đặc biệt là người Việt nông thôn, có thể cho là "quan tâm đến nhau mới hỏi", nhưng ở thời buổi này, khi con người ta đã trở nên văn minh hơn, thì chuyện này, cũng như việc hỏi thẳng vào mặt người khác về chuyện thu nhập bao nhiêu một tháng, là một dấu hiệu rất tệ của sự không tôn trọng quyền riêng tư.
Bài chia sẻ của BLV Trương Anh Ngọc nhận được sự quan tâm từ dư luận.
- Tại sao gặp những người có một hoặc ít con là cứ phải hỏi về chuyện đẻ nữa? Người ta không thích đẻ nữa, không có điều kiện để đẻ, thậm chí có bệnh vì tế nhị không muốn nói ra thì sao, hỏi thế khác gì "đâm dao vào nỗi đau" của họ?
- Tại sao cứ phải hỏi các đôi vợ chồng mới cưới bao giờ đẻ, hỏi những người đã có con bao giờ đẻ đứa nữa mà không có những câu chuyện thú vị khác để phục vụ giao tiếp?
- Tại sao cứ cho rằng đẻ con gái là không biết đẻ, là ra vịt, trong khi cử tri Mỹ có bao giờ hỏi vợ chồng ông Barack Obama về việc đẻ 2 con gái?
- Tại sao đến bây giờ vẫn có nhiều người đòi hỏi phải có con trai, coi đó như là một ưu tiên số 1 trong việc "đẻ đái" và khinh thường những người có con gái?
- Tại sao trong nhiều cuộc nhậu của đàn ông và các cuộc "tám chuyện" của phụ nữ, người ta cứ thích lôi chuyện "đẻ đái" của người khác ra để nói và rồi quy rằng thế là "giỏi" hay "kém"?
- Tại sao nhiều bậc cha mẹ cứ tìm hiểu các cách dạy con cái của nước ngoài mà một điều cơ bản là cần phải hết sức thận trọng với việc cho con dùng smartphone vì ảnh hưởng không tốt của nó với mắt và sự phát triển tư duy và ngôn ngữ của trẻ thì lại không quan tâm, nhưng luôn tỏ vẻ tự hào về việc nó biết bấm nút này, bấm nút kia?
- Tại sao người ta cứ đua nhau chuyện con mình bụ còn con nhà hàng xóm gầy giơ xương, trong khi rất ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của nó, sự phát triển thực sự của nó và những đứa trẻ khác là khác nhau?
Nhưng nhiều người vẫn nghĩ một cách đơn giản quá, hồn nhiên quá và sự thiếu tế nhị về chuyện đẻ ấy không chỉ khiến người khác khó chịu vì nó ảnh hưởng đến sự riêng tư của họ, nó có thể khiến người ta phát khùng mỗi khi bị "lên lớp" về cái việc PHẢI đẻ.
Tại sao tôi PHẢI đẻ trong khi tôi thấy có một đứa như thế là đủ và tôi hạnh phúc vì điều này, trong hoàn cảnh sống của tôi? Tại sao các người không quan tâm đến chính mình đi và tìm cách nào đó để sống cho tốt hơn?
Vậy đó, thế giới sắp lên Sao Hoả. Còn ta thì vẫn ở đây, tự làm cho nhau phát khùng vì sự vô duyên.
Gần như 100% những người theo dõi và bình luận đều đồng tình với những quan điểm mà Trương Anh Ngọc đưa ra, đồng thời họ bày tỏ những bức xúc tương tự mà bản thân họ từng gặp phải.
Trương Anh Ngọc được biết đến là phóng viên quốc tế, biên tập viên thể thao, bình luận viên bóng đá, phóng viên thể thao, nhà văn và nhiếp ảnh gia. Anh kết hôn với một người bạn cùng nghề và có một cô con gái sinh năm 2003. Quan tâm đến mọi vấn đề trong xã hội, chính vì thế mỗi bài viết, bài chia sẻ của Trương Anh Ngọc đều mang những chiều sâu nhất định, đem đến sự thỏa mãn và được người đọc nể phục. |