Một chi tiết rất nhỏ xuất hiện trong bức ảnh khiến cư dân mạng phải bàn tán.
Bức ảnh bé gái ở Trung Quốc được người cha đăng lên mạng xã hội thu hút sự chú ý của mọi người bởi vẻ hồn nhiên và nụ cười “tỏa nắng”. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người chú ý hơn ở bức ảnh này đó là tư thế ngồi của bé: ngồi thẳng, hai chân chụm lại về phía trước, cho thấy bé nhận được sự chỉ dẫn đúng đắn từ cha mẹ.
Bé gái ngồi thẳng lưng, hai chân chụm lại về phía trước.
Từ câu chuyện đơn giản trên đây, vấn đề về tư thế ngồi đúng cho trẻ được nhiều người đem ra để bàn luận.
Rất nhiều người cho rằng, xương của trẻ nhỏ chưa được phát triển toàn diện, chính vì thế việc đi, đứng và ngồi trong suốt quãng thời thơ ấu ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe cũng như vấn đề về xương hoặc phát triển trí tuệ.
Dưới đây là một số tác hại khi để trẻ ngồi sai tư thế:
Ảnh hưởng tới thể chất
Trẻ em nếu ngồi sai tư thế trong một thời gian dài có thể gặp vấn đề về mắt như cận thị, viễn thị và lác… Ngoài ra, bé phải chịu các dị tật, lưng gù và biến dạng cột sống.
Theo thống kê, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 có tỷ lệ mắc bệnh cong vẹo cột sống lên đến 20%. Những trường hợp vẹo hơn 10 độ chiếm 2,4%. Thông thường dị tật cong vẹo cột sống rất khó để phát hiện sớm.
Khi bị cong vẹo cột sống, trẻ có vóc người thấp bé. Trong khi đó, chứng vẹo cột sống cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và phổi của trẻ.
Ảnh hưởng tới sự tập trung
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo cho biết, tư thế ngồi là chìa khóa để bé tập trung giải quyết vấn đề. Nếu ngồi sai tư thế phổi chịu tác động xấu, lượng oxy được cung cấp bị thiếu dẫn tới tuần hoàn máu kém, não không nhận đủ oxy khiến cơ thể khó chịu, mất tập trung.
Trên thực tế, bộ não con người chỉ khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng chiếm15% sự lưu thông máu. Điều này cho thấy tư thế ngồi không đúng sẽ khiến trẻ nhanh mệt mỏi.
Giảm trí nhớ
Nghiên cứu từ Đại học Indiana, Mỹ khẳng định ngồi sai tư thế không chỉ ảnh hưởng đến não, sự tập trung mà còn làm suy yếu khả năng nhớ, nhận thức khiến trẻ thiếu tự tin về bản thân. Thậm chí nhiều bé bị mặc cảm do dị tật, hoặc mất tập trung dẫn tới kết quả học tập giảm sút.
Cách để khắc phục tư thế cho trẻ
Tư thế ngồi đúng
Ngồi thẳng lưng, hai chân sát nhau và vuông góc với hông. Giữ khoảng cách từ sách tới mắt ít nhất là 20cm để tránh bị cận thị. (Ảnh minh họa)
Kiên nhẫn hướng dẫn
Khi đứa trẻ ngồi với tư thế bất lợi cho sức khỏe, mẹ đừng nổi nóng, hãy kiên nhẫn chỉnh sửa bằng cách nhẹ nhàng nói chuyện với bé. Không nên mắng hay nặng lời khiến bé bị tác động tiêu cực tới tâm lý, mẹ cần tôn trọng và đặc biệt cho bé thời gian để sửa đổi.
Chỉnh tư thế
Trẻ thường hiếu động, làm những điều mình thích mà chưa nhận thức được tác hại của việc ngồi sai tư thế. Cha mẹ có thể lấy một số hình ảnh mang tính tượng trưng nói rõ cho bé về hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần. Sau đó hãy hướng dẫn cách bé ngồi sao cho đúng và tốt nhất.
Làm gương cho bé
Khi hướng dẫn bé, cha mẹ nên nhất quán hành động và lời nói. Hãy làm gương để bé noi theo bởi ngay cả người lớn khi ngồi sai tư thế cũng gặp bất lợi về sức khỏe như mắc bệnh đau cột sống, đau nửa đầu, đau lưng, đau chân và một số bệnh khác.
Lựa chọn bàn ghế phù hợp
Dựa vào vóc dáng của trẻ, cha mẹ nên chọn cho con chiếc bàn phù hợp cho việc học tập. Lưu ý rằng, hạn chế cho trẻ ngồi ghế sofa hay đệm để tránh bị lệnh xương sống. (Ảnh minh họa)
Khuyến khích bé rèn luyện thể dục
Các chuyên gia cho biết hầu hết trẻ em ngồi sai tư thế là do thiếu tập luyện thể dục. Cha mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động để xương cứng chắc, tăng độ đàn hồi, độ bền cơ bắp.