Lâu nay chúng ta vẫn thường hiểu sai câu của các cụ xưa “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” theo cách: việc giáo dục con cái là do người mẹ và phủ nhận vai trò giáo dục con cái của người bố. Thực ra đây là một cách hiểu sai lệch về ý nghĩa của câu này.
Thực tế quan niệm của người xưa không quy hoàn toàn trách nhiệm việc giáo dục con cái cho người phụ nữ. Bởi ngay như xã hội phong kiến điển hình nhất ngày xưa của Trung Quốc, nơi biết đến như là cái nôi của tư tưởng nam quyền trọng nam khinh nữ thì họ cũng không có quan niệm về việc quy trách nhiệm nuôi dạy con cái cho phụ nữ. Theo sách cổ của Trung Quốc, cụ thể trong “Tam Tự Kinh” có đoạn: “Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá/ Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa/ Tử bất học, Phi sở nghi/ Ấu bất học, Lão hà vi”. Đoạn tam tự kinh này dịch ra nghĩa tiếng Việt như sau: “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha/ Dạy trò mà không nghiêm, là do thầy bê trễ/ Con trẻ không học tập, là điều không nên/ Lúc còn nhỏ không học, khi già biết làm gì?”
Nêu ví dụ trên để thấy rằng, rõ ràng người xưa không xem việc dạy dỗ con cái là của phụ nữ. Vậy “con hư tại mẹ cháu hư tại bà” thực chất có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta nên hiểu câu này như thế nào cho đúng?
Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý 1088, ý nghĩa của câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ngẫm thật sâu thì thấy rất đúng. Đúng ở chỗ là câu thành ngữ đã đề cập đến một khía cạnh tâm lý ở phụ nữ, cụ thể hơn là đề cập đến nhược điểm trong vấn đề dạy dỗ con cái ở họ. Phụ nữ thường có một nhược điểm rất lớn là họ thường yêu một cách mù quáng, thiếu lý trí. Không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà ngay trong mối quan hệ mẹ con, bà cháu; phụ nữ cũng thường thiếu sáng suốt hơn. Vì quá yêu mà họ thường cưng chiều con cháu của mình. Mà theo logic tâm lý trong việc dạy dỗ giáo dục con cái thì sự cưng chiều bao giờ cũng mang lại những điều tai hại cho đứa trẻ đó. Một đứa trẻ được nuông chiều thường là những đứa trẻ thiếu chí khí, lười biếng, ỉ lại, hay đòi hỏi, thích hưởng thụ và thường sống theo phương châm người khác phải theo ý mình. “Hư” là hư theo ý này.
Từ việc được nuông chiều và thiếu đi sự nghiêm khắc rèn dũa, những tính cách được kể trên như hạt giống có đất màu mỡ để phát triển. Lười biếng, ích kỷ là khởi nguồn của những kẻ sống vô trách nhiệm; thích hưởng thụ là khởi nguồn của những kẻ gian tham trộm cắp; hay đòi hỏi là khởi nguồn của những kẻ cực đoan; thiếu chí khí là khởi nguồn của những kẻ thất bại…
Câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là có ý nghĩa nói về “yếu điểm” này trong vấn đề giáo dục con ở người nữ. Tất nhiên đây chỉ là điểm yếu, là nhược điểm thường thấy của mẹ, của bà. Câu này nói lên sự thật về một nét tính cách của người phụ nữ nhưng không có nghĩa là phủ nhận vai trò nuôi dạy con của người nữ, không hề có ý nói rằng phụ nữ thì không biết dạy con. Chúng ta cần phải phân định rạch ròi để hiểu đúng lời thâm sâu của các cụ.
Cũng chính bởi yếu điểm mang đặc tính tâm lý này ở người nữ nên trong gia đình, việc dạy dỗ con cái rất cần đến sự phối hợp của người đàn ông trong gia đình. Câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” vì thế không chỉ nói lên nhược điểm của người nữ trong việc giáo dục con cái mà còn gián tiếp nói lên rằng, vai trò của người đàn ông trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái là vô cùng quan trọng.
Bởi khác với phụ nữ, trong tình yêu đàn ông thường lý trí và rõ ràng. Tình yêu đó là bao gồm cả việc yêu con. Nhờ yêu không mù quáng, yêu mà vẫn lý trí nên trong việc giáo dục và dạy dỗ con cái, họ yêu thế nào là có lợi, thế nào là có hại đối với đứa con của mình. Thực tế cũng cho thấy, rất ít đàn ông có kiểu nuông chiều con cái, nuông chiều những thói hư tật xấu của chúng. Đàn ông thường nghiêm khắc hơn trong vấn đề dạy con. Họ rất yêu con nhưng rất nghiêm khắc với đứa con của mình.
Con cái chính là sản phẩm của bố mẹ, ông bà. Một đứa con trưởng thành nên người đầu tiên là nhờ sự ảnh hưởng từ bố mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình. Sự ảnh hưởng này không chỉ là ảnh hưởng từ cách giáo dục gia đình mà còn bởi lối sống, bởi nhân cách của những thành viên trong gia đình đó. Về mặt tâm lý, đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ người mà chúng yêu thương nhất, bất kể đó là cha hay mẹ, ông hay bà, anh hay chị.