Mùa hè là mùa tiêu chảy thường hay “ghé thăm” các bé nhất, vậy mẹ phải lưu ý những “típ” sống còn sau đây.
Mẹ nào có con nhỏ thì không lạ gì với “món” tiêu chảy này đúng không? Thậm chí là nhiều lần chứ không ít, và có mẹ đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nhưng để đánh bay tiêu chảy thực ra không hề khó, chỉ cần mẹ ghi nhớ những điều dưới đây:
Bù nước cho con
Bị tiêu chảy cơ thể bao giờ cũng bị mất nước, và tình trạng này nếu để lâu dài sẽ gây ra biến chứng nặng nề. Do đó cần cho bé uống bù nước ngay khi bị tiêu chảy.
Thông thường, mẹ hay dùng Oresol để bù nước cho bé. Cách này được đánh giá cao vì còn bù được điện giải, kali; thay vì cho bé uống nhiều nước lọc, bụng bé sẽ chướng lên mà chỉ bù được nước thôi. Tuy nhiên, mẹ cần hết sức lưu ý khi pha Oresol, vì dung dịch này chỉ phát huy hiệu quả nếu được pha đúng liều, tức là 1 gói Oresol pha với 1 lít nước sôi để nguội. Lý do là nếu quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ngược lại nếu pha quá đặc, trẻ sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn. Mẹ cũng không nên pha nửa gói Oresol với nửa lít nước nhé, và đừng để quá 12 giờ sau khi pha.
Bổ sung dinh dưỡng
Khi bị tiêu chảy, bé cũng cần chế độ ăn đầy đủ, thích hợp để đảm bảo sức khỏe và tránh sụt cân. Nhiều mẹ sai lầm cho rằng chỉ nên để bé uống nước cháo trắng với chút muối, bởi thức ăn có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng nên cho con ăn uống đầy đủ và chỉ cần lưu ý khi chế biến thức ăn như sau:
Bé cần được ăn uống đầy đủ. (Ảnh minh họa)
- Thức ăn nên đuợc chế biến dưới dạng mềm, lỏng hơn so với bình thường. Nên cho bé ăn những thứ dễ tiêu như chuối, cháo thịt nạc,… và hạn chế cà rốt, các loại rau như đậu, bắp cải, giá…; các loại trái cây có bột như lê, đào, mận… vì thực tế thời điểm này bé không tiêu được những thức ăn đó. Nếu bé thích uống sữa thì cha mẹ vẫn có thể cho bé uống bình thường nhưng hãy chọn loại không có lactose.
- Sữa mẹ là tốt nhất vì vậy nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên.
Một số bài thuốc trị tiêu chảy từ… vườn nhà
Thường thì tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài vài ngày đến một tuần rồi sẽ hết. Các mẹ đừng quá lo lắng và cũng không được tự ý cho bé uống kháng sinh. Bởi phần lớn nguyên nhân tiêu chảy do virut nên dùng kháng sinh hoàn toàn vô ích mà còn làm bé mệt thêm. Do vậy chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn khi tiêu chảy đã xác định được nguyên nhân do vi khuẩn hoặc tiêu chảy có biến chứng bội nhiễm, viêm phổi...
Nếu mẹ vẫn thấy sốt ruột thì có thể áp dụng những bài thuốc dân gian sau để cắt cơn “xì xoẹt” của con nhé:
1. Gạo lức: Dùng 100g gạo lức rang vàng, thơm, rồi đem nấu với 2 lít nước và chút muối đến khi hạt gạo chín mềm. Sau đó mẹ lấy nước này cho bé uống, chừng vài ngày sẽ hết.
Gạo lứt giúp đánh bay tiêu chảy. (Ảnh minh họa)
2. Rễ và thân cây lá lốt: Mẹ đem rửa thật sạch rồi ngâm nước muối, sau đó rang vàng, hạ thổ. Dùng lá và rễ đó hãm với nước, ngày cho bé uống 3 lần, mỗi lần 5ml là khỏi.
3. Trứng lá mơ: Hái một nắm lá mơ tía (khoảng 100g) (nếu không mẹ có thể dùng mơ trắng cũng được). Đem rửa sạch, để ráo rồi giã nhỏ với chút muối. Sau đó thêm 1 quả trứng gà vào trộn đều và đem áp chảo cho bé ăn 2 lần một ngày. Cách này cũng nhanh khỏi nhưng chỉ áp dụng được với các bé đã ăn được rồi mà thôi.
4. Lá cây nhót: Dùng lá tươi (20-30g) hoặc lá khô (6-12g), thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Mẹ có thể dùng dưới dạng thuốc bột cũng được.
5. Rau sam và cỏ sữa: Khi bé có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều, mẹ hãy dùng rau sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 50g sắc uống thay nước trong ngày.
6. Lá vú sữa: Mẹ rửa sạch, cắt nhuyễn đủ 1 chén lá vú sữa rồi cho vào nồi cùng 2 ly nước sạch và đun sôi 15 phút. Dùng nước này uống trị tiêu chảy 3 lần/ngày, mỗi lần 1/4 chén cho trẻ em 2-6 tuổi; 1/2 chén cho trẻ 7-12 tuổi.
Lưu ý: Trong trường hợp bé có dấu hiệu mất nước nhiều như: khóc không có nước mắt, lưỡi khô, khát (bú háo hức) hoặc li bì, mệt lả, mắt trũng và khô, uống kém hoặc không thể bú được thì cần đưa ngay con tới cơ sở y tế để khám và điều trị.