Con thường xuyên nói dối khiến tôi lo lắng, quyết chí 'trị' con đến nơi đến chốn.
Một buổi tối, Vịt Lớn ngồi cặm cụi học bài. Đến tận 11 giờ khuya vẫn chưa xong. Nhìn con học sốt ruột, tôi chạy sang phòng của con hỏi xem bao giờ thì đi ngủ, nếu không mai sẽ dậy muộn và không tới lớp đúng giờ được. Vịt Lớn trả lời: Mẹ ơi, chắc hôm nay con học cả đêm, vì còn hơn 200 bài tập nữa mà vẫn chưa xong.
Tôi nghe xong thót cả tim. Lòng rất băn khoăn vì sao cô lại giao cho một học sinh lớp 4 đến 200 bài tập một lúc. Sau đó tôi bèn xem lại bài vở của con… Hóa ra không phải vì cô vừa giao bài mà Vịt Lớn đã giấu bố mẹ cả mấy tháng nay không làm đầy đủ bài tập về nhà.Mỗi ngày cháu bỏ lại một vài bài. Khi cô nhắc và yêu cầu mang vở đến kiểm tra thì đếm lại vẫn còn hơn 200 bài vẫn chưa làm .
Cả tôi và bố cháu đều rất giận. Vì hàng ngày tôi đều hỏi: Hôm nay cô giao bao nhiêu bài về nhà để đôn đốc cho cháu làm hết. Và ngày nào cũng nghe báo lại là đã làm hết bài rồi.
Vì đã khuya, tôi nói con gấp sách vở lại, chuẩn bị để mai đi học. Tuy nhiên, trước đó, Vịt Lớn phải viết một bản kiểm điểm gửi cô nhận trách nhiệm về việc đã bỏ bài không làm và tôi cũng viết thư xin lỗi cô.
Đây không phải là lần đầu tiên Vịt Lớn nói dối.
Hồi đầu năm, khi cô cho làm bài kiểm tra đầu tiên, đón con đi học về nghe mẹ hỏi có làm bài được hay không, nó trả lời là làm hết. Bố mẹ rất an tâm cho đến khi cô giáo trả bài và mẹ phải ký vào một bài kiểm tra bị ăn một 'con ngỗng' to tướng. Hỏi lại con vì sao lúc đó dám nói với mẹ là làm được hết bài, Vịt Lớn bảo” Con nói là làm hết, vì chỉ làm hết có 1 /4 bài mà thôi.”
Nghe câu trả lời của Vịt Lớn mà cả nhà dù giận cũng phì cười…
Tuy nhiên, đêm đó, tôi mất ngủ vì rất buồn. Tôi phải đối mặt với việc nói dối của Vịt Lớn. Nằm nghĩ một lúc thấy cực kỳ lo lắng. Vì nói dối là thói xấu dẫn đến mất lòng tin. Nếu cứ đà này từ nói dối có thể dẫn đến trộm cắp hay những thói nguy hiểm khác chưa biết chừng.
Con thường xuyên nói dối khiến vợ chồng tôi lo lắng (Ảnh minh họa).
Ngẫm lại thì thấy Vịt Lớn nói dối cũng có lý do của nó. Một là con chưa quen với áp lực bài vở càng ngày càng nhiều lên của những năm cuối cấp tiểu học. Hai là vì Vịt Lớn là đứa ít nói, thích chơi tha thẩn một mình và lại không muốn làm mất lòng người khác. Ở nhà ngoài cha mẹ còn có ông bà nội, bác và cô chú khá đông. Ai cũng tiện dịp là nhắc nhở bảo ban Vịt Lớn. Vì không muốn làm cho người khác buồn nên nếu khi nào cháu không làm được việc gì, nó sẽ nói dối cho xong để tránh bị mọi người làm phiền. Trong khi đó, Vịt Lớn lại là học sinh của trường chuyên, ở lớp chọn. Trong lớp hầu như bạn nào cũng học giỏi và có thành tích cao. Vì thế , áp lực cạnh tranh có thể gây stress cho Vịt Lớn. Điều này cũng làm cho nó thích nói dối về thành tích học tập khi gặp thất bại.
Và mỗi lần Vịt Lớn nói dối và bị phát hiện là một lần cả nhà đều mệt. Mặc dù không đến mức bị la mắng quá ghê gớm, nhưng vì gia đình tôi không có thói quen nói dối, lại hầu hết là những người cởi mở, dễ nói ra vấn đề của mình. Vì thế, xung đột xảy ra do tính cách khác biệt giữa “đóng” và “mở” làm cho các bên đều căng thẳng.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại và thấy dạy cho Vịt Lớn học cách không nói dối cha mẹ nữa là việc không dễ dàng gì. Vì không thể áp dụng lý thuyết chung chung mà tôi đã đọc trên sách vở, cũng như cũng không thể áp dụng kinh nghiệm theo kiểu truyền lại của cha mẹ tôi. Bởi vì dù là nói dối, mỗi đứa trẻ lại là một con người khác biệt về tính cách.
Theo suy xét của tôi thì dường như những đứa trẻ thuộc loại cởi mở, dễ bộc lộ cảm xúc cá nhân khi nói dối sẽ dễ chữa hơn những đứa trẻ ít nói và sống nội tâm. Vì nói dối sẽ làm những trẻ cởi mở có cảm giác khó chịu hơn trong khi những đứa trẻ sống nội tâm .Đơn giản vì một bên thích “ruột để ngoài da” còn một bên thì “im ỉm đóng cửa” mới là điều lý tưởng…
Chính vì vậy, nếu không áp dụng đúng phương pháp thì không thể thay đổi được thói quen nói dối của Vịt Lớn. Tôi quyết định nghĩ ra giải pháp giành riêng cho con và tập cho Vịt Lớn thói quen nói thật.
Việc đầu tiên, tôi nói với con rằng tôi vẫn tin mọi điều con nói với cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì chỉ tin vào điều con nói như mọi khi thì giờ đây, ngày nào tôi cũng sẽ kiểm tra những gì con trao đổi. Buổi tối, sau giờ ăn, hai mẹ con cùng nhau hỏi và nói về điểm số, về bài tập, về học hành trong ngày... Sau khi Vịt Lớn nói xong, tôi ngồi trước mặt cháu và gọi điện cho cô chủ nhiệm, hỏi thăm nhẹ nhàng nhưng có ngầm ý kiểm tra lại thông tin. Sau đó, tổng hợp từ thông tin của cô và của Vịt Lớn, tôi giúp con học bài…
Một điều tiếp theo, tôi và bố của Vịt Lớn cùng thống nhất rằng dù bị điểm xấu, nhưng khi nào Vịt Lớn thông báo là sẽ có thưởng. Thưởng ở đây là vì dám dũng cảm nói ra sự thật. Gia đình không gây sức ép cho Vịt Lớn về thành tích học tập tuy vẫn nhắc nhở cháu phải nỗ lực.
Cuối cùng, chúng tôi phải tôn trọng tính cách “đóng” của Vịt Lớn và học cách tương thích với nó mà không gây xung đột trong gia đình. Điều này khiến cho vợ chồng tôi phải lắng nghe, quan sát các động thái, các ngôn ngữ cử chỉ của Vịt Lớn nhiều hơn và tự tìm ra những gì ẩn đằng sau đó.
Cũng không dễ dàng gì để Vịt Lớn trao đổi các thông tin. Tuy nhiên, với sự kiên trì của cả gia đình nhiều tháng ròng, dần dần Vịt Lớn có thói quen nói rõ với chúng tôi về những gì xảy ra với cháu và cùng bàn bạc cách khắc phục. Phải mất cả năm duy trì cách làm này cho đến khi con cảm thấy không cần phải nói dối cha mẹ về điểm số cũng như thành tích học tập nữa.
Giờ đây Vịt Lớn đã trở nên tự tin hơn và cởi mở hơn trước.
Trích Nhật ký của một người mẹ