Dù bé sơ sinh chẳng có chiếc răng nào thì mẹ cũng đừng lơ là việc vệ sinh miệng cho con nhé!
Nhiều mẹ thắc mắc rằng tại sao con còn nhỏ xíu mà đã bị… hôi miệng! Nhưng thực tế chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì khi mẹ không chăm chút việc vệ sinh miệng cho con, những tưa lưỡi sẽ đóng cặn ngày qua ngày không chỉ khiến miệng bé có mùi mà còn làm con đau, dẫn đến không chịu bú nữa. Đặc biệt là đối với bé bú sữa công thức, việc này càng xảy ra nặng nề hơn nên mẹ phải đặc biệt chú ý.
Miệng không sạch sẽ, bé chẳng muốn ăn
Trẻ sơ sinh không có răng thì đâu cần chăm sóc răng miệng? Có lẽ nhiều mẹ sẽ thắc mắc như vậy. Nhưng sự thật việc này lại vô cùng quan trọng bởi không bao giờ là quá sớm khi bắt đầu vệ sinh miệng, lưỡi cho con. Lý do là bề mặt lưỡi và khoang miệng của trẻ sơ sinh cũng chứa rất nhiều vi sinh vật, nên chỉ cần mẹ lơ là, chúng sẽ "tấn công" miệng bé và gây mùi hôi khó chịu. Khi miệng con không sạch sẽ và bị "bao vây" bởi tưa lưỡi, bé sẽ không cảm nhận được hương vị một cách tốt nhất và sinh ra chán ăn. Điều này rõ ràng là chẳng tốt chút nào.
Miệng lưỡi sạch sẽ bé mới cảm nhận được hết hương vị để bớt lười ăn hơn. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, mẹ cần giữ cho khoang miệng sạch để giúp con cảm nhận hương vị tốt hơn, giảm hơi thở khó chịu và đặc biệt là việc làm sạch và mát-xa lợi trước khi bé mọc răng rất tốt cho quá trình mọc răng sau này.
Vệ sinh miệng đúng cách cho bé sơ sinh
Việc chăm sóc vùng miệng cho trẻ không hề khó, nhưng mẹ cần cẩn thận và tỉ mỉ, nếu không rất dễ làm tổn thương vùng lợi (nướu) còn non yếu của con, hoặc có thể khiến bị bị nôn, sợ hãi. Vì thế, mẹ cần làm từ từ theo các bước sau:
- Rửa tay thật sạch, quấn vải xô mềm xung quanh ngón tay trỏ (hoặc bây giờ ở các cửa hàng bán đồ cho trẻ sơ sinh đã có sẵn miếng tưa lưỡi dạng ống để mẹ chỉ việc xỏ ngón tay vào, rất tiện). Tiếp đó, nhúng ngón tay vào bát nước ấm sạch rồi đặt lên môi dưới bé để kích thích con mở miệng. Mẹ lưu ý, có thể đặt bé cố định trên giường hoặc bế con bằng một tay, tay kia tiến hành lau miệng cho bé là tư thế an toàn nhất.
- Mẹ nhẹ nhàng lau vòm miệng và mát-xa nướu bé trước. Cuối cùng mới "giải quyết" phần lưỡi bằng cách tương tự để loại bỏ những mảng bám trên đó. Mẹ cần đảm bảo là không bỏ sót khu vực nào trong vòm miệng, ngay cả phần dưới lưỡi nhưng cần lưu ý, không cho ngón tay vào quá sâu trong miệng vì có thể khiến con bị nôn ói.
Mỗi ngày mẹ cần vệ sinh cho bé 1 - 2 lần vào sáng, tối; tránh vệ sinh sau khi bé vừa ăn xong vì dễ khiến con nôn trớ. Nếu những cặn trắng bám nhiều và vẫn không chịu sạch, mẹ có thể tham khảo cách tưa lưỡi cho bé bằng rau ngót hoặc lá hẹ như sau: Dùng 1 nắm rau ngót nhỏ, rửa sạch và ngâm nước muối, sau đó vớt ra để ráo nước (tốt nhất mẹ nên rửa lại rau bằng nước đun sôi để nguội vì trẻ sơ sinh sức đề kháng rất yếu). Đem giã nhỏ rau ngót rồi cho chút nước sôi để nguội vào lọc lấy nước. Dùng khăn xô hoặc gạc mềm, sạch nhúng nước rau ngót lau lưỡi cho bé mỗi ngày 3 - 4 lần, vài ngày sau con sẽ hết những cặn trắng đó. (Với lá hẹ, mẹ cũng làm theo cách tương tự).