Mẹ Mỹ có cách 'huấn luyện' để con ăn uống tự giác và ngon miệng rất đáng học.
Huyền Ny (cháu gái tôi, năm nay 3 tuổi) khỏe mạnh, rất đáng yêu, lém lỉnh và hay nói… duy chỉ có một 'bệnh' là khá biếng ăn (theo như nhận định của chị tôi). Mỗi bữa ăn của bé thực sự là ‘cuộc chiến’ căng thẳng của cả 2 mẹ con mà ‘chiến lợi phẩm’ thu về chỉ toàn nước mắt. Với chị tôi, chuẩn chiều cao và cân nặng quan trọng hơn tất thảy việc con mệt mỏi, không muốn ăn. Vậy nên, chuyện ép bé ăn xảy ra như cơm bữa.
Tôi từng góp ý với chị là hãy cho con cơ hội được đói, nếu con không ăn lúc này thì ăn lúc khác. Không thể cứ đúng 7h30 tối là phải cho con ăn. Hôm nay con chán ăn thì ‘xu xi’ cho con chút ít thời gian hoặc nhất là để con ôm bụng đói đi ngủ, nhưng nghe tôi nói, chị ‘nhảy dựng’ lên: “Ôi trẻ con gần như đứa nào chẳng phải ép ăn thì mới lớn".
Nói thật, câu nói đó của chị, tôi chỉ thấy đúng phần nào với mẹ Việt còn mẹ Mỹ thì khác hoàn toàn.
Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói (Ảnh minh họa).
Tôi năm nay 28 tuổi, từng sống ở Mỹ 2 năm cùng nhà với vợ chồng chị Susan. Vợ chồng chị có cô con gái Laura bằng tuổi cháu gái tôi nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ phải đau đầu hay băn khoăn vụ ăn uống của con.
Một buổi tối, vì không chịu dọn dẹp gọn đồ chơi nên Laura bị mẹ la rầy. Đến giờ ăn, cô bé giận dỗi nhất định gạt khay thức ăn ra. Trong trường hợp này, tôi nghĩ phần đa mẹ Việt sẽ cuống lên hỏi: “Vì sao con không ăn?” hoặc ra lệnh “Con phải ăn!”… nhưng chị Susan thì rất bình tĩnh, giọng nghiêm khắc: “Được thôi, xem ra con không muốn ăn, nhưng đến sáng mai con mới được ăn bữa tiếp theo”.
Bữa tối đó, Laura chỉ ngồi nhìn bố mẹ và tôi ăn với ánh mắt hờn giận. Khoảng gần 2 tiếng sau, khi tôi và vợ chồng chị Susan đã ăn uống, dọn dẹp xong và đang uống café trò chuyện, Laura lững thững tiến lại gần mẹ, kêu đói và đòi ăn. Nhưng chị Susan mỉm cười lắc đầu: “Không được. Bây giờ không còn là giờ ăn tối. Con phải đợi đến giờ ăn sáng mai”. Dù rất tội nghiệp cô bé và muốn nói giúp đôi ba câu nhưng ý định của tôi lịm tắt khi thấy thái độ kiên quyết của chị Susan.
Lạ một điều, dù rất đói nhưng Laura không hề mè nheo: “Con đói, con muốn ăn”… hay khóc lóc ăn vạ như nhiều trường hợp trẻ em Việt tôi vẫn thấy. Cô bé mặt buồn, ngoan ngoãn chào mọi người rồi theo mẹ đi ngủ.
Sáng hôm sau, Laura dậy sớm hơn thường lệ. Đến giờ ăn, cô bé tự giác bê khay thực phẩm của mình ra bàn ngồi và nhanh chóng ăn sạch trơn tất cả các món với thái độ cực kỳ vui vẻ.
Tôi thực sự thích tính ‘kỷ luật’ và cách dạy con của chị Susan. Chị không ra sức thuyết phục hay ép con ăn khi con biếng ăn, giận dỗi bỏ bữa mà hoàn toàn tôn trọng ý kiến của con, cho con quyền tự quyết...
Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói. Cháu gái tôi hay con bạn hình như không bao giờ thấy đói và liên tục 'chống đối' mỗi khi ăn uống (?) là do mẹ đã không cho bé cơ hội ấy.
Tôi đã thấy chị gái mình thường xuyên cho con đi ăn rong, sẵn sàng giả tiếng chó sủa, mèo kêu hòng mong con nuốt hết miếng cháo... Và, cũng từng thấy có mẹ bóp mũi để con nuốt cháo hay dọa dẫm: có ăn không, không ăn mẹ đánh... nên phần nào hiểu nỗi thống khổ của các chị khi cho con ăn.
Tôi thấy, ép trẻ ăn giả sử là thành công và con có thể tăng nhanh lên 1kg, 2kg... nhưng làm sao có thể đếm hết những tổn thương tinh thần bé phải chịu? Để con ác cảm mỗi khi nhìn thấy mẹ cầm bát cháo đến thì chúng đã ngán ngẩm khóc thét lên rồi, còn đâu hứng thú ăn nữa. Người lớn có thoải mái thì mới ăn uống tốt thì trẻ con cũng vậy - Ăn uống có ngon miệng thì trẻ mới tiêu hóa, hấp thu và phát triển tốt. Chứ mỗi ngày là một 'trận chiến' ăn uống thì cả mẹ và con đều là kẻ thua cuộc!
Hơn nữa, khi nuôi con, các mẹ hãy nhìn con mình, đừng nhìn con hàng xóm để so sánh rồi đâm lo. Phải tôn trọng thể tích dạ dày của bé. Mẹ chỉ quyết định cho bé ăn gì và khi nào, còn bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu và muốn ăn hay không...
Chia sẻ của chị Trịnh Hòa Bình (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).