Chị Trần Mai Anh chia sẻ, các bé luôn sợ mẹ buồn, mẹ mệt hay mẹ không quát mắng.
Chị Trần Mai Anh (mẹ bé Thiện Nhân) đã từng khiến cộng đồng mạng ứa nước mắt về tình cảm dạt dào của người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, lo cho cậu bé không may bị mất chân và bộ phận sinh dục được khôn lớn, đi học cùng bạn bè trang lứa. Gặp chị đúng dịp Trung thu năm nay, giữa biết bao bộn bề công việc, người phụ nữ với thân hình gầy guộc ấy vẫn cố gắng dành tất cả thời gian quý báu cho con cái. Đằng sau một trái tim chan chứa tình mẫu – tử là một người mẹ nghiêm khắc, luôn dạy con cách đối diện sự thật và sống đàng hoàng.
Không phải cứ kè kè bên con mới tốt
Chào chị Mai Anh, nhiều độc giả cũng đang thắc mắc về tình hình sức khỏe đến thời điểm hiện tại của Thiện Nhân?
Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều ca phẫu thuật thì Thiện Nhân đã được tái tạo bộ phận sinh dục nam, đây là vấn đề mà tôi thấy khó khăn và lo lắng nhiều nhất. Tuy nhiên, cháu vẫn cần một thời gian nữa để tiến hành thêm các ca phẫu thuật khác. Vì để tái tạo được bộ phận sinh dục cần nhiều lần mổ, hiện nay đang còn một số công việc cuối cùng nữa. Thường thì năm ngoái, Thiện Nhân phải trải qua 3 lần mổ/năm, còn năm nay tôi quyết định tạm dừng, để cháu được ổn định sức khỏe và lo chuyện học hành. Năm nay, tôi chưa có lịch mổ, cháu còn phải trải qua 2-3 lần phẫu thuật nữa.
Còn về chân, Thiện Nhân có chân giả nhưng do bị cụt đến xương háng nên chân không có bộ phận giữ. Vì vậy, cháu vẫn phải mang theo hệ thống dây bao lưng quanh người. Điều này, gây nhiều bất tiện và khá nặng với trẻ con. Nhân sử dụng nạng nhiều hơn để đi lại, một vài năm nữa khi phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục ổn định thì gia đình để sẽ làm lại chân cho cháu. Thiện Nhân là đứa bé thông minh, học giỏi, tiếp thu bài nhanh, học khá nhất là môn toán. Bên cạnh đó, cháu cũng rất hiếu động.
Bé Thiện Nhân, anh trai cùng mẹ Mai Anh
Nhìn mẹ Mai Anh hẳn là không ít người thắc mắc với một thân hình gầy guộc như vậy phải gánh trên vai cả công việc của một tờ tạp chí và chăm sóc 3 đứa con, chị hoàn thành các nhiệm vụ bằng cách nào?
Tôi luôn quan niệm không thiên về điều gì quá mức. Công việc hoàn thành trọn vẹn nhưng không có nghĩa là tôi ham việc mà quên các con ở nhà. Bản thân tôi giữ trạng thái cân bằng, rõ ràng. Thậm chí, bận rộn là vậy nhưng tôi không để người khác làm hộ những việc trong khả năng của mình. Ví dụ như công việc chăm con cần mẹ, có lúc rất bận nhưng tôi vẫn sẵn sàng về với con. Trường tiểu học tổ chức Trung thu, tôi vẫn xin phép về để đi dự cùng con, đến sớm hơn để vui chơi cùng các cháu. Bởi những thời điểm như vậy, tôi hiểu rằng, các con cần có vòng tay và sự đông viên của mẹ. Tôi luôn chia thời gian một cách hợp lý, biết được thời điểm nào bên con là giá trị hơn lúc khác, bởi không phải cứ kè kè cùng con mới là tốt.
Trong hành trình lo cho Thiện Nhân và cả chăm sóc gia đình, có lúc nào mẹ Mai Anh cảm thấy chán nản?
Nản chí thì không nhưng cũng có lúc tôi thấy mình gần như kiệt sức, sau đó nghĩ đến con, thấy nụ cười hồn nhiên của các cháu lại tiếp tục đứng lên. Tôi luôn quan niệm, con đã như vậy thì nơi nào chữa tốt sẽ đưa cháu đến, chứ không ngồi than vãn hay phàn nàn, kêu ca. Có lẽ một phần tính của tôi vốn dĩ như thế, thời gian để ngồi than thân trách phận hay bực mình về người nào đó nên dành để chăm con hoặc làm việc gì có ý nghĩa sẽ tốt hơn.
Dạy con biết chăm sóc bố mẹ
Hình như trong cách dạy con, chị là người rất nghiêm khắc?
Cách dạy con của tôi là nghiêm khắc nhưng không phải là giáo huấn suốt ngày mà quan trọng là tập cho các cháu tính tự lập, Ví dụ như đến giờ đi học, khi đã gọi là con phải dậy, không có chuyện ì èo bên này bên kia và cũng không như một số gia đình bế con ra khỏi giường đưa lên xe ô tô lái tới tận trường mới đánh thức con và cho hộp sữa kèm ống hút vào miệng. Nhờ cách dạy con biết quan tâm mọi người, chia sẻ với cộng đồng mà gia đình tôi không có sự chăm sóc một chiều từ bố mẹ mà các cháu hiểu được nhiệm vụ chăm bố mẹ. Lúc con ốm, tôi sẵn sàng thức trắng mấy đêm liền để lo cho con, còn khi mẹ ốm thì các cháu có thể làm những việc đơn giản như lấy cặp nhiệt độ, lấy nước và thậm chí dọn nhà khi mẹ bị nôn là chuyện bình thường.
Thiện Nhân vui chơi cùng các bạn trong ngày Trung thu
Đôi khi phụ huynh lâm vào vòng luần quẩn, muốn nghiêm khắc để con thành người nhưng nghĩ lại nếu nghiêm khắc thì lại tội con nên không biết làm sao cho vừa ý. Chị có quan điểm như thế nào về điều này?
Nhiều phụ huynh còn mang tâm lý lo lắng quá mức cho con nên cứ ôm hết việc lẽ ra không nên làm. Cứ như vậy, về lâu dài tạo ra thói quen ỉ lại, thậm chí làm cho con trẻ không tự tin. Từ khi Nhân còn bé, tôi luôn dạy cho cháu hiểu rằng, ốm đau, bệnh tật hay tàn tật là chuyện bình thường, Mỗi người trong cuộc đời có thể phải đón nhận những điều như mình không mong muốn về sức khỏe, gia đình… nhưng đó là yếu tố của cuộc sống như buồn và vui mà thôi.
Có lần mẹ Mai Anh từng nói “mẹ là chỗ dựa cho con nhưng ngược lại các con cũng là chỗ dựa cho chình mình”, điều này có phải là quan điểm để chị dạy con cả nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ?
Tôi nghĩ rằng mọi người trong cuộc sống đều dựa vào nhau. Buồn, vui, khổ đau… trong cuộc đời đều được tôi chia sẻ với con. Nhờ điều này mà các cháu không có tính ích kỷ. đó là điều mà bản thân tôi tự hào. Có thể con tôi học chưa giỏi, có lúc ngoan và lúc hư. Nhưng tôi luôn khuyên con rằng, những khi mình ngoan, hư, vui, buồn thì nói được với ai là điều tốt. Cho nên có bất cứ điều gì đừng giấu mẹ, hãy hình dung một ngày nào đó nếu làm việc gì xấu mà không có ai để nói thì không biết sẽ tưởng tượng mọi thứ như thế nào.
Các con chị biết cách chăm sóc mẹ bằng những việc làm vừa sức ngay từ khi còn nhỏ, chị dạy về thói quen này bằng cách nào để các cháu không mang trong mình suy nghĩ chỉ lo cho bản thân mà thôi?
Để dạy con không có tính ích kỷ cũng cần có thời gian, nhưng cứ dạy từ từ các cháu sẽ hiểu ra. Quan trọng ở chỗ là đứa lớn học đứa bé, ví dụ như mỗi dịp sinh nhât của cháu nào thì chắc chắn quà tặng của mọi người là riêng cháu đó Thế nhưng, các bé nhà tôi có thói quen là xem món quà nào có thể phù hợp với mọi người trong gia đình rồi mới tính đến bản thân mình. Hoặc, thời gian đầu, Thiện Nhân chỉ thích ăn kẹo một mình không muốn chia sẻ cho các anh, Bản thân tôi cũng không cáu hay mắng cháu mà trong lúc cháu ăn, hai anh trai sẽ lấy kẹo xung quanh Nhân mà không hề hay biết gì. Đến khi Nhân ăn xong kẹo, mọi người đưa kẹo ra thì cháu không thể xin được, vì lúc ăn không biết chia sẻ cho mọi người. Cứ như thế vài lần là cháu hiểu được rằng, cuộc sống phải có sự chia sẻ để sống một cách hòa thuận trong một mái nhà.
Để con đối diện với sự thật
Nhưng có một điều, nếu nghiêm khắc như chị và rèn cho con sự kiên trì như vậy hẳn cũng khiến các cháu sợ. Thậm chí có thể dẫn đến vì quá sợ nên mà không dám nói ra, chỉ giữ trong lòng. Còn ở gia đình chị thì sao?
Bố mẹ làm cho con không sợ đó là hình thức bên ngoài, khi con có lỗi lại xí xóa cho qua là không nên. Hãy để con trẻ dám nói ra sự thật với chính bố mẹ, không phải để đánh hay quát mắng mà để con cái hiểu ra dám đương đầu với những việc đã làm. Với gia đình tôi, khi các cháu có lỗi, sẽ hỏi đến tận cùng, chẳng hạn như nói dối sẽ tìm ra nguyên nhân mới thôi. Tuy nhiên, phải xác định rằng, tìm ra nguyên nhân để biết mà thôi chứ không phải là để trách mắng. Chỉ cần vài lần như vậy, trẻ sẽ thành thật và cảm thấy không sợ khi nói với bố mẹ.
Chị khiến các con sợ, phải chăng điều này phản tác dụng khi nuôi dạy con?
Đối với gia đình tôi, con sợ mẹ nhất trên đời. Nhưng nỗi sợ đó không phải là sợ mẹ dùng roi vọt đánh hay dùng lời mắng nhiếc, mà ở đây là các cháu sợ mẹ buồn, mẹ mệt hay sợ mẹ không quát mắng. Có những lúc tôi quá mệt nên không quát gì cả, mấy đứa con đều tỏ ra khá lo lắng và buồn. Nhưng khi mệt mỏi qua đi, tôi có mắng một chút, các cháu lại thấy vui và bảo với nhau là “được mẹ mắng rồi". Bởi vì, điều đó có nghĩa là mẹ còn quan tâm, chú ý và muốn dạy dỗ con nên người.
Trong nuôi dạy con, mẹ Mai Anh tránh điều gì nhất?
Đừng bắt con làm cái này hay cái kia cũng đừng bắt con phải làm mọi việc với kết quả tốt nhất. Cuộc đời là sự thật, ai cũng có lúc không nhất, có lúc tốt, có lúc không tốt lắm… tôi cũng thành thật với con về điều này. Có lúc mải xem bộ phim hay, chưa kịp xem bài vở, tôi vẫn sẵn sàng. Hãy để trẻ phát huy bản năng, điều quan trọng là uốn nắn bản năng. Tôi không mong con giỏi nhất lớp hay làm cán bộ lớp mà ý nghĩa nhất là các cháu sống đàng hoàng, thành thật, có lỗi thì biết đứng lên nhận lỗi và tự sửa.
Với Thiện Nhân, dù đang phát triển như biết bao bạn bè cùng trang lứa nhưng có thể đâu đó vẫn có những xì xào về câu chuyện con nuôi hay cơ thể không lành lặn. Chị làm thế nào để truyền cho cháu sự tự tin mà quên đi sự tự ti?
Tôi luôn dạy con đối diện với sự thật, có thể có những điều xì xào từ nhiều người chưa hiểu nhưng điều đó không là vấn đề phải quan tâm. Việc của ai người đó làm, xác định mọi thứ thật bình thường và đơn giản sẽ thấy thoải mái. Tôi vẫn nói với con về chuyện cháu chỉ có 1 chân, còn nếu ai nói con có 2 chân thì mới là chuyện phải bàn. Với nhiều người cũng vậy, khi nhận con nuôi rất vui nhưng đến khi nói ra sự thật với con lại vô cùng căng thẳng. Có gì hơn là nói sự thật với bé, con nuôi hay con đẻ không quan trọng, cốt yếu là ai nuôi, ở với ai và tình thương như thế nào.
Bé Thiện Nhân (thứ 3 từ bên phải sang) đang vui đùa cùng bạn bè
Để các con tự phân xử, mẹ không can thiệp
Các cháu đều đang trong độ tuổi đến trường, gia đình chị có áp lực về điểm số như một số gia đình khác?
Gia đình tôi quan niệm không áp lực với các cháu về điểm số, rõ ràng điểm cao là thể hiện năng lực nhưng không phải vì thế mà khiến việc học trở nên nặng nề. Quan trọng là tôi hướng đến cho con việc tự học, tự chủ ngồi vào bàn, có thái độ lo lắng chăm chút để làm bài tập khi có. Hoặc dạy cho cháu từ những việc nhỏ nhất như cầm sách làm sao thật nhẹ nhàng để không làm rách trang giấy…. Mỗi khi có bài toán khó, tôi để các cháu tự suy nghĩ đến lúc nào tìm ra đáp án mới thôi. Nếu suy nghĩ và tìm mọi cách giải mà không ra, tôi cũng không hướng dẫn mà để cháu đến lớp hỏi bạn bè hoặc thầy cô.
Chăm sóc một lúc 3 cậu con trai, mẹ Mai Anh làm thế nào để phân xử những cuộc tranh cãi như cơm bữa của trẻ con?
Đúng là chăm sóc, dạy dỗ 3 đứa con là một vấn đề, cũng có lúc các cháu tranh cãi nhau. Tuy nhiên, tôi không đứng ra làm người phân xử. Trẻ con luôn mách anh có lỗi này, em có lỗi kia,,, nếu cứ đi phân xử như vậy rất mất thời gian. Tôi để các cháu tự giảng giải với nhau, bởi anh em dù thế nào vẫn là anh em. Có lần 3 đứa cãi nhau, tôi không quát mắng nhưng cấm các con chơi với nhau, không được gọi anh em gì cả, sau một lúc 3 anh em hiểu chuyện tự thương lượng với nhau để làm hòa.