Định cư ở Mỹ đã lâu nhưng Phương Thảo-Ngọc Lễ luôn dạy con nhớ mình là người Việt.
Sau khi định cư tại Mỹ, Phương Thảo - Ngọc Lễ hầu như không xuất hiện trên báo chí. Những chia sẻ của cặp đôi lần này cũng như một lời tri ân tới khán giả.
- “4 ngọn nến lung linh” rời Việt Nam định cư ở Mỹ đã 7 năm rồi. Nhớ mới ngày nào 2 bé Na Nấm xúng xính hát “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh…” cùng ba mẹ. Anh chị còn nhớ cảm giác của khoảng thời gian này không?
- Lúc chúng tôi sáng tác bài hát Ba ngọn nến lung linh, cả hai chỉ mới cảm xúc về hai tiếng “gia đình”. Bảy năm qua ở Mỹ, Thảo, Lễ mới thật sự cảm nhận được sự thiêng liêng của hai tiếng đó. Lúc còn ở Việt Nam, công việc ca hát làm mình khó có thể gần con cái như mình mong muốn. Ở Mỹ, may mắn là chúng tôi có thể làm được điều mơ ước đó. Ngoài giờ ở trường học, “4 ngọn nến” lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Thật khó có thể mong gì hơn thế.
- Anh chị không đi hát nữa sao?
- Cứ lên xuống máy bay đi hát, để Na, Nấm ở nhà, là chúng tôi cảm thấy việc đi hát không còn thú vị nữa. Thôi thì chọn công việc hòa âm sáng tác ở nhà vậy, mình sẽ có thời gian ở bên con nhiều hơn.
- Như vậy chắc phải nhớ sân khấu lắm?
- Không phải chỉ sân khấu, nhớ đủ thứ trên đời, bạn bè cũ, những con đường hò hẹn, những buổi sáng café.... Nhớ đến nỗi tối ngủ cũng nằm mơ.
Gia đình Phương Thảo - Ngọc Lễ và hai bé Na, Nấm ở Mỹ.
- Ở Mỹ, cuộc sống của gia đình anh chị thế nào?
- Mỗi sáng hai vợ chồng cho Na, Nấm dậy khoảng 7h, ăn sáng rồi đưa đến trường. Hai bé ăn trưa tại trường và về đến nhà khoảng 15h. Từ giờ đó đến chiều, không khí gia đình sôi nổi lên hẳn. Na, Nấm vừa làm bài tập vừa cười nói luôn miệng rồi tập piano, guitar, chơi game. Bữa cơm chiều là bữa chính của gia đình. Hôm nào bài tập của các con không nhiều thì cả nhà xem phim chung với nhau. Đến 21h, Na, Nấm chuẩn bị để đi ngủ. Vợ chồng tôithường làm nhạc đến 22-23h. Thứ bảy là ngày tuyệt vời vì cả nhà được ngủ nướng đến 8-9h.
Chúng tôi cũng đang theo học college về âm nhạc và Anh văn cộng với công việc trong phòng thu âm nên cũng lu bu lắm. Cũng may là phòng thu âm ngay tại nhà nên có nhiều thời gian gần gũi các con.
- Chị Thảo hay anh Lễ là người vào bếp thường xuyên?
- Thảo luôn được bình chọn là người nấu ăn ngon nhất trên thế giới (bình chọn nội bộ thôi nhé). Tôi không bao giờ dám cạnh tranh với Thảo về lĩnh vực này. Mỗi lần vào bếp, Lễ tôi cho ra đời những món ăn lạ lùng không ai thưởng thức nổi. Na, Nấm rất hâm mộ những món ăn mẹ nấu. Chúng tôi cố gắng làm cho bữa ăn trong gia đình trở thành những giây phút thiêng liêng để nhớ sau này. “Ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam” là quy ước của cả nhà trong mỗi bữa ăn. Đây là dịp Na, Nấm thực tập tiếng Việt, kể chuyện học hành trong trường, nói chuyện về Việt Nam.
- Khán giả luôn nhớ đến hình ảnh bé Na, Nấm nhỏ xíu theo ba mẹ lên hát cùng trên sân khấu, còn bây giờ Na, Nấm là những cô bé thế nào rồi?
- Chúng tôi cũng ước Na, Nấm nhỏ xíu hoài, nhưng giày dép cứ tăng số đều. Na bây giờ cao gần bằng mẹ, đang học lớp 10, nói chuyện với ba mẹ như một người bạn nhỏ. Nấm đã 11 tuổi, học lớp 6 và sẵn sàng giải đáp cho ba mẹ những thắc mắc về Anh ngữ.
- Hai cháu có phụ giúp anh, chị khi vào bếp không?
- Về khoản bếp núc thì có lẽ Na, Nấm mang "gene" của ba, chỉ dừng ở mức “luộc rau, chiên trứng” (cười).
- Anh chị có dạy các cháu những công việc đó không hay sẽ cho các cháu tự mày mò?
- Riêng về chuyện này phải dạy các cháu từng bước chứ để tự mày mò có ngày không kịp gọi xe cứu hỏa mất vì nhà ở Mỹ cháy nhanh lắm, toàn gỗ thông.
- Ở Mỹ, anh chị có gói bánh chưng, làm giò, cuốn nem để nhớ tết Việt Nam không?
- Chúng tôi may mắn sống ở California, gần Little Saigon nên có đủ hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu .. Chỉ có điều người ta nấu chứ không phải mình nấu.
- Tết ở xa quê, anh chị nhớ kỷ niệm nào nhất khi còn ở Việt Nam?
- Nhớ những buổi diễn ở những tỉnh xa, nơi không khí tết thường tưng bừng hơn ở Sài Gòn, con nít xum xoe quần áo mới đi xem hát. Nhớ những đêm giao thừa cùng nhau mơ ước…Nhớ bếp lửa nồi bánh chưng, nhớ bao lì xì, chợ hoa ngày Tết… Bạn hỏi thế lại làm chúng tôi nhớ đủ thứ nữa rồi.
- Anh chị thường dắt Na, Nấm đi đâu chơi vào dịp Tết thế này?
- Ở Nam California thường có những hội chợ Tết tổ chức cũng hay lắm. Có hoạt cảnh Tết Việt Nam, có ông đồ già câu đối đỏ và các món ăn truyền thống Việt Nam. Chúng tôi thường cho Na Nấm đến để hưởng chút hương hoa ngày tết Việt Nam.
- Trẻ con sống ở nước ngoài từ nhỏ thường bị hạn chế nhiều về tiếng Việt và văn hóa Việt. Còn hai bé nhà anh chị thì thế nào?
- Mỗi chủ nhật, hai cháu có hơn 2 giờ học tiếng Việt ở trường Việt ngữ. Ở đây, các cháu được học và biết nhiều điều về văn học, lịch sử và địa lý Việt Nam. Thảo cũng dạy thêm chính tả và viết tiếng Việt. Bây giờ Na, Nấm có thể đọc, viết tiếng Việt khá dễ dàng. Ở đây, cha mẹ nào cũng lo nhất là con cái mất tiếng Việt, vì mất tiếng Việt đồng nghĩa với mất kênh liên lạc với ông bà, bà con ở Việt Nam và ngay cả với cha mẹ ở đây, những người không có điều kiện học thêm tiếng Anh vì phải lo bươn chải kiếm sống. Khi cho được cháu học tiếng Việt tại trường Việt ngữ, chúng tôi cảm thấy như cất đi được một nỗi lo trong lòng.
- Anh chị có định hướng nghề nghiệp hay hướng hai cháu theo con đường nghệ thuật như ba mẹ?
- Ở đây, định hướng cho con cái là một việc khó khăn và có thể là không cần thiết, bởi vì cha mẹ nhiều khi định hướng không đúng cho con cái làm chúng phải mang cái sai lầm đó đến suốt đời. Học sinh ở Mỹ từ lớp 9 đã được học rất kỹ để hiểu rõ tính cách của mình thích hợp nhất với nghề nghiệp nào, nên chúng sẽ tự hiểu nên chọn con đường nào cho tương lai. Chúng tôi tôn trọng điều đó của các con.
Nhiệm vụ của mình là yêu thương, gần gũi, và chia sẻ tất cả những vui buồn, khó khăn với các con. Đó chính là hành trang quý giá nhất cho các con sau này. Tuy nhiên các cháu cũng có năng khiếu về nghệ thuật như ba mẹ. Na rất thích sáng tác nhạc và vẽ, còn Nấm thì mê đọc sách và viết văn.
- Khán giả vẫn luôn nhớ đến hình ảnh đẹp của gia đình anh chị và giờ đây, sau gần 20 năm kết hôn, anh chị có thể nói gì về hạnh phúc này?
- Chúng tôi luôn cám ơn cuộc đời đã cho mình được hạnh phúc đến giờ này. Chung quanh mình, bao gia đình tan vỡ nên chúng tôi quý cái êm đềm mình đang có lắm lắm.
- Trong cuộc sống thường ngày, anh chị có hay giận dỗi nhau không? Sau mỗi lần giận dỗi ai sẽ là người làm lành trước?
- Thảo - Lễ cảm thấy khó trả lời câu hỏi này vì cả hai ít giận nhau quá. Ngày xưa thì đương nhiên là Lễ làm lành trước. Còn bây giờ thì Bé Na là đại sứ hòa bình. Na có biệt tài hòa giải những xung đột trong gia đình một cách rất tình cảm và hài hước. Nhiều khi mình chưa kịp giận thì “đại sứ” đã đánh hơi được và tới giải quyết trước rồi.
- Sau gần 20 năm, anh Lễ còn lãng mạn như ngày xưa nữa không, thưa chị?
- Đôi khi những gì mình cho là lãng mạn thì người khác lại thấy lãng nhách, nên Thảo xin được lảng tránh câu trả lời này…(cười).
- Trong thời gian cả gia đình sang Mỹ sinh sống, anh có sáng tác nhiều không? Chị Thảo có phải là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của anh?
- Ngọc Lễ vẫn viết, chỉ có điều càng ngày mình càng khắt khe hơn với chính mình nên để ra một bài hát cần thời gian nhiều hơn. Bài hát Lễ đang làm và ưng ý nhất là Cali một chiều mưa. Bài hát này Lễ viết chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhạc sĩ Bắc Sơn. Nhạc của Bắc Sơn làm Ngọc Lễ yêu miền quê Nam bộ của Phương Thảo hơn. Từ lâu Lễ mong muốn được viết cho Thảo hát những bài hát mang đậm màu sắc Nam bộ, bây giờ mới thực hiện được đây.
- Anh chị có kế hoạch về Việt Nam làm việc?
- Cuộc sống ở Mỹ đang rất thích hợp với gia đình. Các cháu được đi học một chương trình học rất tốt. Thảo - Lễ cũng đang được học những điều rất sâu cho nghề nghiệp của mình, được làm công việc mình yêu thích mà vẫn có nhiều thời gian cho gia đình nên chưa có kế hoạch gì về Việt Nam làm việc. Lâu lâu về thăm gia đình bà con, bạn bè, đi lại những con đường thân quen, ăn những món ăn dân dã, là thấy vui và ấm áp lắm rồi.