Những gì chúng ta nghe và tưởng chắc chắn đúng khi nhắc đến tự kỷ đôi khi hóa ra chỉ là hiểu lầm. Hãy bỏ chút thời gian và xem qua những điều dưới đây để có cái nhìn đúng hơn về tự kỷ.
1. Nghe nói: Những cá nhân bị tự kỷ thì tránh tiếp xúc xã hội?
Sự thật: Họ thường tìm cách kết bạn nhưng gặp khó khăn và cần hỗ trợ.
2. Nghe nói: Người tự kỷ không thể có cuộc sống thành công và độc lập?
Sự thật: Nếu được tiếp nhận giáo dục thích hợp, nhiều học sinh bị chứng tự kỷ sẽ lớn lên thành những người đóng góp rất tốt cho xã hội.
Người tự kỷ hay dùng các phương thức giao tiếp thay thế hơn là ‘nói chuyện’ với đối tượng cần giao tiếp - Ảnh: specialneedsparents.
3. Nghe nói: Tự kỷ là kết quả của việc cha mẹ chăm sóc không tốt?
Sự thật: Sự hiểu lầm này bắt đầu từ những năm 1950, khi người ta cho rằng tự kỷ sinh ra do khoảng cách tình cảm và sự lạnh nhạt của bố mẹ. Nhưng các nghiên cứu hiện đại sau này đã cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng chứng tự kỷ là do sự khác biệt trong cách não phát triển trước khi đứa trẻ ra đời chứ không liên quan đến phong cách chăm con của bố mẹ.
4. Nghe nói: Tự kỷ là do vaccine?
Sự thật: Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy tiêm vaccine cho bé gây ra tự kỷ. Một nghiên cứu không đến nơi đến chốn hồi năm 1998 chỉ ra liên quan giữa vaccine và tự kỷ đã bị phản pháo bởi hàng loạt các nghiên cứu khác với độ tín xác cao khẳng định rằng không hề có mối liên hệ ấy.
Tự kỷ không phải do vaccine cũng không phải do phong cách nuôi dạy con cái của cha mẹ - Ảnh: guardianlv
5. Nghe nói: Tất cả các cá nhân bị chứng tự kỷ đều có tài năng đặc biệt?
Sự thật: Ước tính chỉ có 10% cá nhân rối loạn tự kỷ có thể có những khả năng đặc biệt trong các lĩnh vực như âm nhạc, nghệ thuật, tính toán, trí nhớ và sự khéo léo thủ công. Tuy nhiên, đa số họ thường chỉ đạt hiệu suất cao ở một số lĩnh vực liên quan đến sở thích hoặc những ám ảnh của họ. Những kỹ năng này thường được gọi là "splinter skills” (có khả năng làm một nhiệm vụ cụ thể đặc biệt nào đó, nhưng không có khả năng thể hiện các nhiệm vụ khác).
6. Nghe nói: Tự kỷ có thể được chữa khỏi?
Sự thật: Hiện tại chưa có phương pháp chữa bệnh tự kỷ. Nhưng người bị chứng tự kỷ phản ứng rất tốt với biện pháp can thiệp sớm, giáo dục và dạy nghề tập trung vào phong cách học tập độc đáo của riêng họ.
7. Nghe nói: Người bị chứng tự kỷ không giao tiếp bằng mắt?
Sự thật: Khi người tự kỷ cảm thấy thoải mái và tự tin với đối phương thì tiếp xúc bằng mắt có thể xảy ra khá tự phát. Nhưng không bao giờ nên buộc một người bị chứng tự kỷ giao tiếp mắt với bạn.
Người tự kỷ cũng có và trao tình cảm nhưng có cách thể hiện khác người bình thường nên tạo hiểu lầm rằng họ vô cảm - Ảnh: autism.ideas.org
8. Nghe nói: Người bị chứng tự kỷ không thể nói chuyện?
Sự thật: Họ “giao tiếp” nhiều hơn là “nói chuyện”. Một số học sinh bị chứng tự kỷ cần giúp đỡ để có phương thức giao tiếp thích hợp với bạn bè của họ.
Nhiều người cần hỗ trợ để truyền đạt các nhu cầu và mong muốn cơ bản bằng cách sử dụng kết hợp từ, cử chỉ, và các hệ thống truyền thông tăng cường như PECS (PECS - Picture Exchange Communication System: là một dạng của hình thức giao tiếp thay thế và thúc đẩy giao tiếp trong đó người ta sử dụng hình ảnh dưới các hình thức khác nhau thay cho ngôn ngữ để giúp trẻ có thể học cách giao tiếp).
9. Nghe nói: Người bị chứng tự kỷ không có cảm xúc và do đó không thể thể hiện tình cảm?
Sự thật: Người mắc chứng tự kỷ có và có thể trao tình cảm. Tuy nhiên, do sự khác biệt trong xử lý cảm quan và hiểu biết xã hội, việc thể hiện tình cảm của họ thường khác với những người bình thường. Hiểu và chấp nhận những khác biệt này là chìa khóa để giúp đỡ người tự kỷ.
Hướng tới Ngày Thế giới Nhận thức về Chứng tự kỷ 2/4, chúng tôi thực hiện chuyên đề Trẻ tự kỷ với mong muốn thúc đẩy nhận thức đúng từ cộng đồng về vấn đề này. Các mẹ đang một mình chiến đấu với con bị tự kỷ, hãy gửi những câu chuyện của mình về địa chỉ e-mail Tintuc@khampha.vn, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn. |