Ngày đầu tiên bé Ý vào lớp 1, An không được dắt tay con tới trường. Lần đầu tiên Trung thu đến, An phải nằm trên giường bệnh đón nhận nỗi đau khi mất đi một phần được gọi là “phụ nữ” mà không được đưa con đi chơi. Nhưng sau tất cả, An có thể ở bên Ý được nhiều mùa Trung thu hơn.
Nini An là con trai Út của bà Mười ở Thành phố Tân An, Long An. Sinh ra với thân hình con trai nhưng tâm hồn anh luôn muốn được là con gái ngay từ khi còn nhỏ. Mặc những lời chê cười, dè bỉu của mọi người, bà Mười thương An đến đỗi không chỉ chấp nhận những khiếm khuyết của An mà còn cho cô theo đoàn hát, gánh lô tô phù hoa đi cùng trời cuối đất để được sống làm chính mình. Bà còn cố gắng tìm cho Nini An một đứa con nuôi để cô có thể tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, để bà có đứa cháu. An làm trong đoàn Lô tô Hoàng Anh và được mệnh danh là “Nữ hoàng lô tô” bởi cô là ca sĩ chính, điệu nhất và cũng là người được khán giả mong chờ nhất trong đêm. An cũng đã từng phẫu thuật chuyển giới để trở thành con gái và hiện đang được điều trị tại bệnh viện vì những biến chứng của nó. |
Video: Nini An bên cạnh bé Như Ý
- Mi ơi, Mi hết bệnh, Mi khỏe hơn chưa để con cho da cho Mi (Cho da bụng đắp vào ngực cho mẹ– PV).
- Mi ơi, chừng nào Mi về?
- Con ráng ở nhà đi học ngoan, nghe lời cha xong Mi hết bệnh Mi về với con nghen.
Giọng nói của Như Ý cứ vang mãi bên tai của Nini An. An phải cố gắng kìm nén những giọt nước mắt của mình đến khi cuộc gọi messenger kết thúc. An ngồi lặng người, đôi mắt buồn thiu trên giường bệnh, đôi tay An quệt quệt 2 hàng nước mắt đang rơi vì thương, nhớ con gái, rồi cố gắng kìm nén nỗi đau khi mới trải qua ca phẫu thuật 8 tiếng lần 2 vì hoại tử ngực. Lần đầu tiên An xa bé Ý lâu đến thế, lần đầu tiên bé đi học không có mẹ dắt tay đến trường và lần đầu tiên Trung thu này, An không được dắt tay Ý đi chơi, đi từ thiện như những năm trước.
Tổ ấm nhỏ của Nini An.
Niềm hạnh phúc khi được làm mẹ và lời xin lỗi chưa kịp nói
Ngày An nhận nuôi bé Ý của 6 năm trước cũng là ngày mẹ An ra đi về bên kia thế giới. An vẫn nhớ rõ cái ngày đó và đến bây giờ khi nhắc lại An vẫn rưng rưng nước mắt. Ngày An hạnh phúc nhìn thấy con cười trong lòng mình, ngày An lần đầu tiên được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ sau bao năm vất vả đi xin, nhận con nuôi không thành cũng là ngày An nhận ra mình bất hiếu với mẹ.
Sau câu nói của An: “Má ráng khỏi về chăm cháu ngoại nha”, lời nói cuối cùng mẹ khăng khăng “Không, cháu nội” khiến An ân hận vì chưa gửi lời xin lỗi đến mẹ, đã làm mẹ đau lòng suốt bao năm qua. Hóa ra từ trước đến nay vì thương con nên dù mọi người dè bỉu cười chê “Con bà Mười pê đê”, mẹ An vẫn nén nỗi đau, luôn ủng hộ con được là chính mình, thậm chí còn tính bán căn nhà cho con chuyển giới và luôn tự hào về con là người giỏi đẹp, ngoan hiền nhất.
“Ngày xưa mẹ thương mình lắm, ba mất sớm, 2 mẹ con thủ thỉ với nhau. Mọi người dè bỉu, cười chê cũng chỉ có mẹ mình ủng hộ. Cảm giác thế giới chỉ có mẹ không có ai khác. Hồi đó nghĩ mẹ mất có thể theo mẹ luôn. Khi nuôi con rồi mới hiểu được nỗi khổ của cha mẹ như thế nào, vừa lo cho cuộc sống, lại vừa khổ vì con. Nỗi buồn mẹ giấu để mình không thấy trăn trở nhưng đến phút cuối đời mẹ nói “Cháu nội” mình cảm thấy bất hiếu, thiếu lời xin lỗi với mẹ”, Nini An nghẹn ngào.
Thế nhưng, sau tất cả An vẫn cảm thấy mình là người hạnh phúc vì không chỉ mẹ, anh chị ở bên ủng hộ mà An còn có một người đàn ông yêu thương, cùng mình đi qua những năm tháng thanh xuân, và ủng hộ mình có thể thực hiện niềm ao ước được là “đàn bà”, đó là Công.
Tuy Công – chồng của An nhỏ hơn cô nửa con giáp nhưng anh luôn là chỗ dựa cho cô hơn chục năm qua, cùng cô nếm đủ mùi cay đắng ngọt bùi, xây dựng tổ ấm hạnh phúc mà bản thân cô cũng như những người chuyển giới mơ ước bấy lâu, nơi ấy có Công, có An và có bé Ý.
Những lần đầu tiên khó khăn tập làm mẹ bỉm sữa
Từ ngày nuôi con, An mới hiểu hết nỗi lòng, sự vất vả của mẹ. Những ngày đầu tiên làm mẹ với An rất khó, cô chẳng có kinh nghiệm gì cả, cũng chẳng có sữa cho con. Cô phải tập tất cả từ hát ru, cho con ăn đến bế ẵm, thay tã, tắm rửa cho con. Với một người mẹ khiếm khuyết như An thì đó là cả một sự cố gắng không ngừng.
An còn nhớ lần đầu tiên tập hát ru, con khóc ré lên. Lần đầu tập cho con bú sữa bình, con ói ngược. Lần đầu An tập đưa con đi học, phải giả đò ngó lơ nhận là dì vì sợ con thẹn với bạn.
Dẫu An không được hưởng niềm hạnh phúc của 9 tháng 10 ngày mang thai, có một mầm sống từ từ lớn dần trong cơ thể, không thể cảm nhận được cơn đau đẻ như gãy 20 cái xương sườn một lúc như thế nào hay không thể tận hưởng niềm hạnh phúc khi con áp miệng vào bầu ngực uống dòng sữa ấm nóng nhưng với tình yêu mộc mạc của mình đã giúp An cảm nhận niềm hạnh phúc làm mẹ giống như những người phụ nữ bình thường khác. Cái niềm hạnh phúc ấy mà An đã ao ước bấy lâu.
An bảo, từ khi nuôi bé, An sợ đủ thứ. Thấy bé ở gần nhà mình được nhận nuôi bị bệnh truyền nhiễm, An cũng sợ, sợ con có bệnh gì giống vậy không, rồi sợ tùm lum tùm la. Thế nhưng mỗi lần thấy con biết lật, biết đứng, biết đi là nỗi lo sợ ấy trong An dần tan biến. Bụng An lại mừng thầm. Đặc biệt, khi Ý biết nói, biết gọi “Má Mi”, An nghe nó kêu hạnh phúc quá trời đất.
An kể, ngày xưa nuôi Ý khó dữ lắm vì con bị trào ngược dạ dày từ nhỏ không ăn được gì chỉ uống sữa, rồi con bị bệnh hoài cả tháng trời đi khám. Lo sợ con không ăn được gì khi đi mẫu giáo, An cẩn thận dặn dò, nhờ cô giáo giúp nhưng cả năm học đó con ốm, gầy gò thiếu chất phải đi bác sĩ liên tục. Nhìn con, nghe con kể mà An sót, thương không cầm được nước mắt.
“Ngày nhỏ con ói liên tục không ăn được, cứ ăn được 3 muỗng là ói. Tối đêm nào ngủ con cũng ói, con phải uống sữa tươi suốt năm mẫu giáo. Hồi con vô trường mẫu giáo, mình có vô nhờ cô chăm giùm nhưng chắc nhiều học sinh quá, cô chăm không kỹ nên năm đó con ốm mất 2 ký (từ 22 kg xuống còn 20 kg), thiếu chất ai cũng quở, đi bác sĩ liên tục. Lúc mình hỏi cô giáo, mình mới biết, Ý ăn nhưng ói hết lại trong tô, vậy là không ăn thêm được nữa. Thôi xong”, An kể.
An bảo Ý điệu giống cô.
Những ngày tháng chăm con nhỏ, mặc dù bỡ ngỡ nhưng An được chị Tư chăm phụ giúp để đi kiếm tiền mua sữa cho Ý. Vì con ăn chủ yếu là sữa nên vợ chồng An phải ráng đi làm, rồi làm đủ thứ nghề. An tâm sự, công việc hát ở đoàn thu nhập không nhiều mỗi tối nên An và mấy chị em phải biểu diễn múa lửa, ăn than để thu hút được nhiều người, kiếm thêm thu nhập mỗi ngày.
Hơn nữa, cô chỉ dám nhận những sô diễn ở gần để tiện chăm sóc, có thời gian bên con. Cuối tuần không có tiền cho con đi siêu thị, những nơi cao sang, An lại dẫn con tới hội chợ nghe mẹ hát. Ý thích đi theo mẹ ra đoàn hội chợ để được coi mẹ hát, đặc biệt con rất thích mẹ chơi lô tô. Ngày nào con đi học, An lại cố gắng chăm sóc con, tắm rửa chải chuốt dạy con học trước khi đi làm. Còn ngày nào con được nghỉ An lại dẫn con theo đoàn cùng mẹ.
“Hồi còn nhỏ, nhìn thấy mẹ làm gì là vỗ tay làm theo, có hôm con lấy dép xỏ vào cành cây rồi đội lên đầu giống như mấy cô. Sợ con bắt chước mẹ đốt lửa, mình phải dặn con không được làm ghê lắm. Nhưng lớn lên con không như xưa nữa, mỗi lần thấy mẹ ăn than, đốt lửa là con lại nói “Sợ quá, Mi làm con sợ quá”, An tâm sự.
An bảo, đối với Ý, Má Mi vẫn là người giỏi nhất và là người nó thương nhất. Nó không bao giờ làm Má Mi buồn. Mỗi lần có lỗi Ý lại nhanh chóng xin lỗi, hứa mai mốt không dám làm cho Mi buồn nữa. Rồi có lần, ngồi rủ rỉ cùng cô chị họ bằng tuổi, cô chị lỡ trêu: Má Mi là pê-đê. Ngay lập tức Ý dặn nhỏ: “Đừng gọi là Mi là pê đê. Mi buồn…".
Những lời Ý nói, tình cảm của Ý dành cho An đã khiến cô phải cố gắng làm một người mẹ thật tài giỏi trong mắt con, là tấm gương để con nhìn vào, không bao giờ buông bỏ mỗi khi gặp chuyện như Mi của nó.
“Trung thu này mẹ không được bên con”
Năm nay Ý vào lớp 1, thế nhưng ngày đầu tiên Ý đi học cũng là ngày An nhập viện cắt bỏ phần hoại tử ngực. 3 năm trước đây, vì tiếc 2 chữ “đàn bà” nên dù xuất hiện những dấu hiệu hoại tử ở ngực, An vẫn cố giữ lại. Cô chịu đau, chịu nhức và vơ tạm viên thuốc uống cho hết mủ để đi diễn. Thậm chí, nghe lời những người đi trước, cô còn lấy kim chích, nặn mủ ra rồi uống kháng sinh đến sưng miệng để cố giữ bầu ngực mình đã dùng cả thanh xuân, cả cuộc đời để có được.
Thế nhưng những gì An muốn giữ cũng không giữ được, cô phải trải qua 2 lần phẫu thuật kéo dài gần chục giờ đồng hồ để không ảnh hưởng đến tính mạng của mình.
An bảo, mặc dù đau đớn mất đi cái mình đã dùng cả thanh xuân để đánh đổi nhưng cô đã có thể ở bên Ý lâu dài hơn. Ít ra cô cũng không còn sợ mất Ý, sợ không được chăm sóc Ý nữa.
Tính đến nay đã được gần 1 tháng cô nằm viện. Đó cũng là khoảng thời gian cô xa Ý lâu nhất. Cũng kể từ hôm đó, Ý khóc quá trời mỗi lần đi học rồi mỗi tối trước khi đi ngủ. Ý như người trầm cảm, cọc cằn, không nói năng gì vì không có mẹ dắt tay đến trường, bố bận chạy taxi ngày đêm kiếm tiền trang trải.
“Bé học hơi chậm tiếp thu hơn bạn nên mình cũng cố gặng dạy con, cho con học thêm. Nhưng hôm rày đi không biết bữa giờ con học sao. Mình ráng khỏe về xem con chứ năm dày lo quá”, An gương mặt lo lắng, sốt ruột khi nghĩ đến con.
An tâm sự, từ khi An nằm viện, cứ cuối tuần chồng An lại chở Ý lên thăm mẹ. Hàng ngày cả 3 người trong gia đình ý đều gọi Messenger cho nhau. Những lời nói đơn giản của ông xã “Mấy người (Em) ráng hết bệnh, tui đi làm tui nuôi” hay lời hỏi thăm của Ý “Mi ơi, Mi hết bệnh, Mi khỏe hơn chưa để con cho da cho Mi" (Cho da bụng vô ngực cho Mi – PV) khiến An có động lực, cố gắng mau khỏe lại.
Thế nhưng, ngồi nghe thấy tiếng bài hát Trung thu vang lên từ chiếc điện thoại, An bỗng nhiên thở dài, gương mặt đượm buồn bởi năm nay, lần đầu tiên An không đưa Ý đi chơi, đi từ thiện như Trung thu những năm trước.
“Giờ chỉ biết kêu cha nó mua bánh, đèn cho con chơi chứ về nhà được đâu mà dự định bây giờ. Năm nào mình cùng Ý cũng vô chùa, góp mấy anh em mua đèn lồng, bánh cho các bé nhưng năm nay bệnh đâu có đi được”, An thở dài.
Mặc dù buồn nhưng sau tất cả, niềm hạnh phúc sáng bừng lên trong An bởi cô có thể ở bên, bù đắp cho Ý được nhiều mùa Trung thu như cô mong muốn. Không còn ngực nữa nhưng An sẽ không bao giờ bỏ cuộc, sẽ làm mọi cách để tiếp tục đi hát, để được đứng trên sân khấu, rồi An sẽ học thiết kế may đầm dạ hội. An sẽ mở một tiệm may nho nhỏ, chờ Công lái taxi về mỗi ngày. 3 người trong gia đình An quây quần vui vẻ bên mâm cơm tối, cuộc sống cứ bình yên như thế.