“Sau này, mẹ chỉ cần người đàn ông duy nhất, người con trai duy nhất nói con yêu mẹ để thấy được sự hy sinh của mẹ. Nếu con không nói được, mẹ chỉ cần con ôm mẹ, rồi mẹ ôm con thế là đủ rồi”, chị Trương Hồng Liên nghẹn lại sau hành trình 9 tháng cùng con bị đa dị tật chiến đấu giành giật sự sống.
Mẹ đặt tên con là Tùng Lâm là cả một rừng cây Tùng. Cây Tùng thể hiện sức sống bền bỉ đứng trên núi cao khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà vẫn không chết, không đổ. Và con cũng đã thể hiện sức sống mãnh liệt của cây Tùng ấy suốt 9 tháng qua.
Từ một cậu bé đa dị tật, thoát vị bẹn, giãn não thất,… từng nhiều lần bị bác sĩ lắc đầu vì phần trăm sống quá ít, con đã kiên cường vượt qua để ở bên mẹ đến tận bây giờ.
Chị Trương Hồng Liên (32 tuổi, Hà Nội) và bé Sóc.
“Mẹ nghẹn thắt tim khi nhìn con lần đầu”
Con là em bé thứ 3 đến với mẹ. Trước con mẹ đã trải qua 2 lần vượt cạn, một lần thành công một lần thất bại. Lần đầu mang bầu chị cả mẹ vượt cạn rất thuận lợi thế nhưng đến lần mang bầu chị thứ 2 và con, sao khó khăn lại đến với mẹ nhiều thế. Mẹ bị tiền sản giật phải mổ sớm khi mang bầu chị gái con. Thế nhưng, chị thứ 2 của con cũng không thể ở bên gia đình mình được lâu sau 3 tháng sau sinh. Lúc đó mẹ đã khóc rất nhiều mỗi khi sữa về, cảm giác đó xót xa lắm.
Mẹ bị suy gan, rồi tiền sản giật đã có nhiều lúc mẹ không muốn sinh nữa nhưng rồi mẹ cũng quyết định tìm con thêm một lần nữa sau khi điều trị bệnh suy gan tiến triển hơn.
Mang bầu con mẹ chăm sóc cẩn thận, đi khám kỹ lưỡng lắm vì mẹ biết bệnh của mình, thế nhưng chẳng hiểu sao những tin không hay cứ đến với mẹ. Đầu tiên là tháng thứ 4 men gan mẹ tăng cao lên 10^7, mẹ sợ quá nhưng không dám dùng thuốc.
Tháng thứ 6 thai kỳ, mẹ lại thêm lo lắng khi con bị giãn não thất, rồi 28 tuần bác sĩ lại bảo con có vấn đề bất thường tăng âm vang ruột non, sau sinh có thể biểu hiện của bị chướng bụng, viêm phúc mạc phân su, tắc ruột, nhiễm trùng bào thai, down, suy dinh dưỡng và một loạt vấn đề khác như gan con bị to, nghi nhiễm trùng bào thai,…
Mẹ được xét nghiệm Torch (Herpes sinh dục, giang mai, Rubella, Toxoplasma gondii, Cytomegalovirus…) và kết quả mẹ bị virut toxo - Loại ký sinh này thường được tìm thấy ở một số động vật, đặc biệt là mèo. Mẹ cũng chẳng hiểu sao mẹ bị nhiễm virut này bởi mang bầu con mẹ chăm chút cẩn thận, chẳng đi ra ngoài tại sao mẹ lại nhiễm được.
Chưa dừng lại ở đó, gần sinh con mẹ phải nhập viện theo dõi vì nước tiểu có protein niệu. Những ngày ấy, lúc nào mẹ cũng lo lắng bởi tim của con không dò được vì yếu. Mẹ cũng không biết cân nặng của con được bao nhiêu.
Và rồi mẹ "chết lặng" khi gần sinh bác sĩ bảo vấn đề không còn ở mẹ nữa mà vấn đề ở con. Con bị hàng loạt các vấn đề mà nhiều bác sĩ cũng phải lắc đầu bó tay.
"Liên ơi thôi hôm nay anh mổ cho em nhé không để tuần sau em mất con. Con em không ổn đâu thôi đừng triệt sản nữa", đó là những lời bác sĩ nói mẹ vẫn còn nhớ như in đến tận bây giờ vào ngày 22/12/2017 khi con chào đời mới được 35 tuần thai. Nếu những người mẹ khác hạnh phúc khi nghe tiếng khóc con yêu chào đời còn mẹ thì nằm suy sụp vì thương con chỉ nặng 1,4kg, chỉ kịp nhìn con được bác sĩ bế vội đi. Mẹ đau đớn lắm.
Bé Tùng Lâm (Sóc) sinh ra nặng 1,4kg với loạt vấn đề.
Nhiều lần muốn con sang thế giới bên kia để bớt đau khổ
Lần đầu tiên mẹ gặp con sau 1 tháng sau sinh, mẹ đã rất háo hức, mẹ muốn dành những dòng sữa ngon nhất mang vào cho con nhưng mẹ không cầm được nước mắt con à. Nhìn con nằm trong lồng kính, dây dợ chằng chịt, chân tay nhỏ bé, bụng căng cả một khối ở dưới, bộ phận sinh dục tụt vào trong chẳng hiểu sao nước từ trong khóe mắt mẹ cứ rơi ra, đôi tay mẹ run run chạm vào con qua lớp tấm kính ấy. Mẹ không ngờ lần gặp đầu tiên của mẹ con mình lại trong hoàn cảnh này.
Khoảng thời gian con nằm lồng kính, nhiều lần mẹ hụt hẫng lắm khi đến rồi lại lặng lẽ về vì không được gặp con nhưng cũng có lúc mẹ vỡ òa, chẳng hiểu sức mạnh từ đâu trong mẹ ập đến chỉ sau một cuộc điện thoại của bệnh viện, mẹ đã nhanh chóng đến để ấp kangaroo cho con.
"Viêm phổi do 1 con vi khuẩn khủng khiếp mang tên Ecoli, bác sĩ cũng lắc đầu vì mang Ecoli là đã cầm chắc án tử, sống cũng để lại di chứng, nhiễm khuẩn E.coli gây suy giảm miễn dịch, thoát vị bẹn to nhất thế giới, tim bẩm sinh thông liên thất phần cơ, giãn não thất 15mm, suy dinh dưỡng" là những gì mẹ nghe được khi bác sĩ nói về tình hình chàng trai 2 tháng chỉ nặng 2,4 kg của mẹ.
Kể từ khi bé Lâm sinh, 9 tháng trời chị Liên và bé coi viện là nhà.
Mọi thứ đến với mẹ quá dồn dập, mẹ căng nghẹn trong lồng ngực đến không thở được. Con không đủ cân nặng để phẫu thuật, bệnh của con như "mớ bòng bong" khiến bác sĩ cũng không biết gỡ rối điểm nào đầu tiên. Thế nhưng, Tùng Lâm của mẹ vẫn kiên cường lắm khiến cho các bác sĩ nhiều lần phải bất ngờ.
Từ khi sinh ra, con chủ yếu ở viện, hơn 2 tháng viện Phụ sản TW, 10 ngày ở viện Việt Đức rồi bệnh viện Xanh Pôn và bệnh viện Nhi Trung Ương. Đó là những tháng ngày mệt nhoài của mẹ.
Mẹ còn nhớ, khoảng thời gian vui nhất khi con nằm ở viện Xanh Pôn, nghe bác sĩ nói con tăng từ 1,8kg lên được 2,4kg, mẹ sướng lắm, cảm giác ý tuyệt vời lắm con à nhưng nó cung không ở bên mẹ không lâu khi ngày hôm sau nhận bình sữa về với dòng chữ "nhịn ăn".
Và những ngày sau đó nữa con bị sốt cao, được chuyển sang tăng cường nhi trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng: Viêm phổi do E.coli đa kháng thuốc, nhiễm nấm trong máu, nhiễm CMV 12000 trong máu. Thế rồi bác sĩ cũng phải chuyển con lên Viện Nhi TW gấp vì phát hiện trong dịch tụy hầu có hơn 6 triệu con virus CMV. Bác sĩ bảo với mẹ rằng, đây là lần đầu tiên thấy số lượng virut gây viêm phổi kinh khủng như thế, nó nằm trong người con gây suy giảm miễn dịch.
Bị đa dị tật đã nhiều lần chị Liên muốn cho con sang Singapore điều trị nhưng số tiền quá lớn khiến chị từ bỏ suy nghĩ này.
Những ngày tháng con nằm trong viện Nhi cũng là những ngày trong nước mắt của mẹ, đã không biết bao nhiều lần mẹ khóc vì tình hình con và cũng đã không biết bao lần mẹ nhói lòng muốn con sang thế giới bên kia để không còn khổ đau.
Mẹ nhớ những ngày đêm tối cuối tháng 5, con quấy khóc không ngừng, bìu bẹn cứng đơ, bác sĩ nghi con bị tắc ruột nên đã mổ gấp trong đêm và dự định thăm do ruột xem có bị phình đại tràng bẩm sinh không.
Trước khi vào phòng phẫu thuật bác sĩ luôn dặn mẹ chuẩn bị trước tinh thần, có thể con không qua được vì yếu quá. Đó cũng là ngày giỗ ông nội con, ngồi bên ngoài chờ, mẹ vừa khóc vừa cầu nguyện rằng "Ông hay mang con đi cùng ông để con bớt khổ đau" bởi bệnh tình của con không có một lối thoát nào, tất cả đều trong nghi ngờ. Điều đó còn khổ hơn cả bị ung thư con à. Không phải mẹ không có tiền chăm con nhưng nhìn con đau đớn mẹ không cầm lòng được, mẹ không chịu đau được thay con. Cảm giác đó đau khổ lắm, sức chịu đựng ấy quá với mẹ.
"Con cứ thế mà đi nhẹ nhàng còn hơn sống đau khổ như thế này" là những điều mẹ nghĩ đến, đặc biệt khi con vượt qua ca mổ xoắn ruột và bị sốc phản vệ nhiễm trùng tăng nặng khả năng không thể qua nổi đêm đó. Mẹ đã xin đón con về điều đó đồng nghĩa với việc để con đi sớm.
"Con thoi thóp nhưng hiện tại vẫn đang sống, gia đình cứ để con nằm tiếp không phải lo, gia đình ở Hà Nội, nếu con có vấn đề gì bệnh viện sẽ gọi đến kịp" đó là những lời nói của bác sĩ đã giúp con ở bên mẹ được đến ngày hôm nay.
Bị đa dị tật, thêm nữa cân nặng quá ít nên bé Sóc chưa thể làm phẫu thuật "gỡ rối" các vấn đề.
Sau này mẹ chỉ cần con nói "Con yêu mẹ" hoặc không thể nói được thì con đến ôm mẹ thế là đủ
Tâm lý mẹ những lúc nhìn thấy con đau không kiên định, có những lúc bản năng của một người mẹ khiến mẹ luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con, đăng ký cho con nằm phòng dịch vụ 2 giường để tránh lây chéo nhưng có những lúc nhìn con đau đớn, luôn phải đối diện với câu nói "gia đình chuẩn bị tinh thần, tình hình đang rất nguy kịch" mẹ lại muốn con được sang thế giới khác không còn khổ đau nữa.
Thế nhưng sau này, mẹ đãy thay đổi suy nghĩ hoàn toàn, không còn muốn con xa mẹ nữa khi nhìn thấy con kiên cường chiến đấu để được sống và nhìn thấy những người có chung hoàn cảnh giống mẹ con mình. Đó là ngày 8/8/2018 khi con được chuyển từ hồi sức ngoại sang khoa dinh dưỡng ở cùng những bạn phải cắt ruột, suy dinh dưỡng gầy tong teo đã khiến mẹ phải cố gắng cùng con.
Từ đó mẹ thay đổi tư tưởng, vui vẻ hơn. Mẹ không còn khóc vì thương con như trước nữa mà chỉ khóc mỗi lần con bị lấy ven.
Hiện tại bé Sóc đã được về nhà và có những tiến triển đáng kể với cân năng tăng từ 2,6kg lên 4,2kg.
Cái khoa dinh dưỡng này cũng hay thật, nó không chỉ giúp mẹ lấy động lực cố gắng cùng con mà còn để lại cho mẹ nhiều kỉ niệm.
Mẹ vẫn nhớ những ngày còn ăn loại sữa thử nghiệm mới, cân nặng nhích lên từng lạng, từ 2,5kg lên được 2,6kg sau 1 tuần. Mẹ vẫn nhớ những ngày cầu xin số phận đừng làm con khổ, để con lấy ven khi nhìn người con chi chít vết ven từ đầu đến nách, cổ, chân tay, có thể phải làm làm đường truyền trung tâm giống những bạn bị ung thư và có khả năng bị nhiễm khuẩn không sống được.
Mẹ vẫn nhớ khoảng thời gian, cả phòng dinh dưỡng bị phơi nhiễm sởi. Mẹ lo sợ vì con chưa được tiêm phòng mũi nào có khả năng cao bị lây nhiễm nhưng cuối cùng con là chàng trai duy nhất trong phòng không bị sởi.
Ngày 29/8 là ngày mẹ không bao giờ có thể quên được, khi trong phòng bệnh chỉ còn sót có mình con bởi có bạn đã được về, có bạn chuyển sang khoa truyền nhiễm vì bị sởi. Con có ở bệnh viện cũng không có đường hướng gì, sau một hồi suy nghĩ bác sĩ hỏi mẹ có muốn cho con về để chăm sóc không? vì lúc đó nguy cơ lây chéo, nhiễm khuẩn đang rất cao.
Con bị chướng bụng chụp chiếu cũng không rõ nguyên nhân. Con cũng không mổ được vì cân nặng chưa đủ nếu như bị megacolon. Điều trước mắt con phải lên cân, tìm cách xúc thìa cho con ăn từ từ hoặc đặt xông cho con, nếu bụng chướng phải đặt xông hậu môn. Mẹ cứ nghĩ chỉ vài ngày con phải vào bệnh viện thôi nhưng kỳ tích đã đến, từ hôm đó đến nay con về nhà đã được 2 tháng rồi đấy.
Hình ảnh bé Sóc hiện tại.
Nhìn lại hành trình 9 tháng đồng hành cùng con đi khắp các viện, mẹ thật giống siêu nhân nhỉ. Siêu nhân đồng hành bên con suốt gần 1 năm nay ở các bệnh viện, siêu nhân giúp con tăng cân ngoài mong đợi khi về nhà đến giờ từ 2,6kg đến 4,2kg.
Mẹ biết con không thể như nhưng bạn khác, có thể sống thực vật, não teo nhưng mẹ luôn tin sẽ có kỳ tích xảy ra và mẹ sẽ hết lòng vì con, lấy con làm động lực để vượt qua tất cả. Dù bác sĩ có đưa ra những trường hợp xấu như thế nào, mẹ cũng chị cần người đàn ông duy nhất, con trai duy nhất nói "con yêu mẹ" để thấy được sự hy sinh của mẹ. Nếu mai sau con không nói được, mẹ cũng chỉ cần con có thể ôm mẹ, mẹ ôm con thế là đủ rồi.