“Đối với em, bà là bố, là mẹ, là gia đình, là người thân duy nhất. Em chỉ cần có bà thế là đủ, ở bên là lúc nào cũng là niềm vui”, đó là chia sẻ của Huyền Thương dành cho người bà đã dang rộng vòng tay cưu mang em suốt 15 năm qua.
Video: Chuyện của Thương - đứa trẻ được bảo mẫu nhận nuôi 15 năm.
Đặng Thị Bình - cái tên gợi cho nhiều người nhớ đến câu chuyện của một người đàn bà đi trông trẻ xa nhà. Thế rồi, bà bỗng chốc trở thành "người mẹ bất đắc dĩ" của đứa bé ấy suốt 15 năm qua. Đứa bé xinh xắn ngày nào bà Bình nhận nuôi có cái tên thân thương - Hoàng Huyền Thương.
Hoàng Huyền Thương (15 tuổi) đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn. Còn bà Bình 64 tuổi, đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Hai con người cách nhau 2 thế hệ, không phải ruột thịt, không cùng quê quán gặp nhau khi bà Bình 49 tuổi nhận trông Thương mới chỉ 5 tháng tuổi vào năm 2004. Và rồi như một sự tình cờ, sắp xếp của ông trời, họ đã sống cùng nhau ngần ấy năm qua.
Người phụ nữ ấy đã dang rộng vòng tay yêu thương ôm em vào lòng khi mẹ bỏ lúc 17 tháng tuổi, còn Thương - cô gái nhỏ bé ấy đã ôm chặt bà Bình để cùng bước qua 15 năm sóng gió, gian nan, vất vả.
Thương không chỉ đơn giản là cái tên của em mà còn chứa đựng vô vàn tấm lòng của bà Bình - người phụ nữ hoàn toàn xa lạ dành cho người cháu đặc biệt mà định mệnh và "ông trời" mang đến.
Bà là cha, là mẹ, là gia đình duy nhất!
Huyền Thương năm nay học lớp 10 trường THPT Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội. Mỗi ngày em phải đi xe buýt 10km từ Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên đến trường nhưng Thương vẫn không hề cảm thấy vất vả, mệt mỏi bởi em biết luôn có bà ngồi chờ trước hiên nhà khi trở về. Em phải cố gắng học tập để không phụ lòng công ơn nuôi nấng, dãi nắng dầm mưa của bà suốt bao năm qua xin cho em được giấy khai sinh, sổ hộ khẩu để đến trường như bao bạn bè.
Thương bảo, đối với em, bà là bố, là mẹ, là gia đình bởi từ khi em ý thức được đến giờ chỉ có duy nhất bà là người chăm sóc, cho em những bữa cơm, ở bên cạnh và cho em tình yêu thương vô bờ bến.
Bà đã vất vả nửa cuộc đời để nuôi 2 dì (2 người con gái của bà Bình – PV) khôn lớn, trưởng thành khi chồng mất sớm và bà lại dành nửa cuộc đời còn lại để dang rộng vòng tay yêu thương em – một người không phải là máu mủ của mình.
Ngồi bên cạnh Thương, bà Bình rưng rưng trầm ngâm nhớ lại, ngày 8/1/2004, Thương 5 tháng tuổi, bà nhận trông em cả ngày lẫn đêm với số tiền 1 triệu đồng. Hơn 1 năm sau, bà bị mất liên lạc với mẹ em vào ngày 22/2/2005, lúc ấy Thương mới 17 tháng tuổi.
Dù vậy, bà vẫn cố gắng một tay chăm bẵm em mà không gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi hay cho những gia đình hiếm muộn với mong chờ một ngày mẹ em trở về. Bởi, bà chẳng nghĩ rằng có người mẹ nào dứt ruột bỏ đi giọt máu của mình.
Thế nhưng, một năm, hai năm, ba năm,… rồi đến 15 năm trời, mái tóc bà đã điểm bạc, gương mặt đã xuất hiện những nốt chân chim và đôi mắt cũng đã trùng xuống, còn Thương cũng ngày một lớn khôn nhưng cuộc điện thoại mà bà mong chờ của người mẹ ấy vẫn không thấy, bà từ người trông trẻ bỗng trở thành bố mẹ, người thân nhất của Thương.
“Tôi quê ở Hà Nam, năm 2002 lên ở với con gái trên Long Biên và nhận trông trẻ. Lúc nhận trông Thương cháu chỉ có 5 tháng tuổi. Vì mẹ cháu bảo bị u phải đi điều trị nên nhờ trông cả ngày đêm với số tiền 1 triệu, tôi đồng ý. Thưở đó cứ 2-3 ngày mẹ cháu vào thăm một lần mua bỉm sữa cho cháu đầy đủ.
Về sau, số điện thoại của mẹ cháu không liên lạc được, phòng trọ cũ cũng đã dọn đi. Lúc đấy tôi chỉ đoán hay là nó đi làm, hay nó bị làm sao, nhiều cái "hay" trong đầu tôi lắm nhưng không bao tôi nghĩ đến "hay là nó bỏ con", bà Bình ngồi bên Thương chia sẻ.
Bà Đặng Thị Bình hiện đang thuê trọ và sống cùng vợ chồng con gái ở Văn Lâm, Hưng Yên.
Suốt những năm tháng nuôi Thương dù có nhiều vất vả phải trông 2-3 đứa trẻ trong xóm để có tiền trang trải, dù không có tiền mua sữa bột phải mua sữa ông thọ cho cháu uống hay dù phải chắt chiu từng lạng thịt cho cháu ăn còn mình chỉ xin bì lợn về lọc mỡ nấu canh nhưng bà Bình vẫn vui. Bà cũng luôn gieo vào đầu em câu nói “bố mẹ đi nước ngoài kiếm tiền nuôi Thương”, thậm chí bà còn cố gắng đi tìm mẹ cho em.
Bà Bình thương Thương lắm, bà còn nhớ như in những câu nói của em khiến bà chảy nước mắt. Đó là năm Thương lên 5, nghe lời người ta mách, bà đèo bòng Thương từ phòng trọ nhỏ mình thuê ở Long Biên lên đến tận Từ Sơn, Bắc Ninh tìm mẹ cho em. Nhưng 2 lần đi rồi lại tay trắng trở về vì không gặp.
Về đến nhà, Thương kể với dì Nhài - con gái ruột của bà Bình rằng: “Hôm nay, bà lại trốn dì cho con đi Từ Sơn đó, 2 lần rồi nhưng vẫn không gặp mẹ con. Bà bảo mẹ giống viên xỉ than nhà mình mà bà không bao giờ đi tìm mẹ con nữa đâu. Bà thề và khóc với các cô như thế. Thôi từ nay dì cho con gọi dì bằng mẹ nhé!”.
Nghe Thương nói vậy, bà Bình chỉ biết khóc vào buổi tối khi Thương đã ngủ say bởi bà thương cô bé ấy còn nhỏ đã biết mình không bao giờ có mẹ. “Lúc đấy, con chưa biết mẹ bỏ đi vì tôi luôn nhỏ giọt vào đầu con là mẹ đi làm. Bây giờ con gọi vợ chồng con gái tôi là bố mẹ. Rồi vợ chồng cô con gái ở Hà Nam cũng nhận là con gái chấy rận.
Thế là đi học con khoe với các bạn mình có 3 bố mẹ có thương không. Con có lúc tự ti nhưng có lúc mạnh mẽ, bản lĩnh lắm. Tính con cương trực từ bé, không làm không nhận. Bây giờ cái gì một là một, hai là hai không bao giờ lùi”, bà Bình kể.
Món quà 20/10 dành tặng bà đầu tiên
Thương tâm sự, hồi học lớp 1, nhìn các bạn được bố mẹ đưa đi đến trường em đã rất tủi thân vì mình chỉ có mỗi bà. Rồi khi học lớp 3 biết không phải cháu ruột của bà Bình, em đã khóc rất nhiều, không ăn, không nói chỉ quay vào góc tường nằm khóc hơn 1 tuần nhưng bây giờ khi hiểu chuyện, em chỉ cần một mình bà là đủ mà không cần ai nữa. Đối với em, ở bên bà lúc nào cũng là niềm vui.
Suốt 15 năm sống bên bà, em được mọi người trong gia đình bà đối xử như những người thân thiết ruột thịt mà không hề có sự phân biệt đối xử. Em được bà chăm sóc từng li từng tí, từng miếng ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo mà mỗi khi nhắc đến gương mặt Thương lại phụng phịu “Bà cứ ép ăn, ăn suốt đến béo khỏe. Đi học leo 4 tầng thang bộ mệt lắm ạ”.
Thế nhưng, bà vẫn là người quan trọng nhất của cuộc đời Thương, là người lo từng bữa sáng, giặt từng tấm áo, là người dắt tay em đi học, hát ru mỗi tối đi ngủ và là người lo lắng, ngồi chờ em đi học về vào mỗi buổi tối.
Bằng tình yêu thương của mình, bà Bình một tay chăm sóc Thương dù nhiều người đến xin nuôi em.
Dù đi học không có tiền để mua quà tặng bà, em chỉ biết thể hiện tình cảm của mình dành cho bà bằng những điều giản đơn, những câu nói chất chứa tình yêu thương, lòng biết ơn của mình.
Thương còn nhớ hồi năm học lớp 3, thấy bà làm nhiều việc quá, xưởng gạch thuê người bốc xếp, em theo bạn trốn nhà ra làm. Dù sau đó bị sưng rộp, rớm máu và bị bà giận khi phát hiện nhưng em vẫn vui vì mình làm ra được những đồng tiền đầu tiên bằng sức của bản thân mang về cho bà mua đồ ăn.
Rồi ngày 20/10 năm học đó, em làm một tấm thiệp tặng bà. Tấm thiệp thủ công chỉ dán đơn giản lọ hoa ở ngoài và vài dòng chữa bên trong nhưng đó là cả tấm lòng của em dành cho bà.
“Khi tặng bà, bà cười nhiều lắm xong bà cất đi nhưng bây giờ chắc mất rồi ạ”, Thương chia sẻ.
Hiện nay, tuy lịch học kín tuần, ít có thời gian phụ bà nhưng em luôn cố gắng tự lập, tự làm mọi chuyện để bà đỡ vất vả. Đặc biệt, em luôn cố gắng học tập đạt thành tích tốt để làm món quà tặng bà mỗi một năm. 9 năm học tiểu học và THCS vừa rồi, em đều đạt thành tích học tập tốt, học sinh giỏi và năm học lớp 10 này, em cũng là một trong những học sinh giỏi của lớp chọn Toán.
“Bây giờ lớn rồi, con nhìn thấy bà giặt quần áo bằng tay lại bảo “Bà ơi, nhàu một tí không sao, bà cứ kệ bọn con cho hết vào máy giặt, bà đừng giặt nữa bây giờ rét rồi thì rét bà mất. Con nhất định không mang quần áo về cho giặt để bà bớt làm đi.
Việc học bà cũng lo lắm nhưng con bảo “Bà cứ yên tâm, tập kiểm tra con để ở trong túi trên bàn không có môn nào điểm thấp, việc học bà để con lo”. Tôi hỏi các cô giáo bảo con học tập tốt nên cũng đành thôi", bà Bình ngồi bên cạnh nở nụ cười.
Đối với Thương, bà là tất cả.
Bà ơi, bà sống thật lâu để con kiếm tiền đưa bà đi chơi
Thương kể, 15 năm sống bên bà, hình ảnh của bà để lại trong Thương nhiều kỉ niệm nhất đó là những giọt mồ hôi ướt đẫm áo và những giọt nước mắt của bà mỗi lần đi đi về về bằng xe đạp làm thủ tục xin giấy khai sinh và hộ khẩu để em được đi học hàng mấy tháng trời mà không được.
Đã có lúc nhìn thấy bà vất vả, tụt huyết áp ngất trên đường vì đi lại nhiều làm hộ khẩu để em được học cấp 3, Thương đã khóc "Thôi bà đừng đi xin cho con nữa. Con không đi học cấp 3 nữa, con đi làm cũng được mà". Thương sợ mất bà, sợ có điều gì đó xảy ra em sẽ không được gặp bà nữa nên chấp nhận tất cả. Còn bà Bình vẫn cố gắng đến hơi sức cuối cùng để cho Thương được viết tiếp giấc mơ đến trường.
"Bà già yếu rồi nên em lo sợ một mai bà không còn nữa. Có hồi, bà cũng phải nằm viện vì dây thần kinh chèn vào tê liệt tay. Lúc đó, em cũng sợ bà có chuyện gì xảy ra em sẽ không được gặp bà nữa.
Em sợ giấc mơ hồi nhỏ lúc 5 tuổi thấy bà lên một chiếc xe rồi đi mất trở thành hiện thực nên tối đến đi ngủ là em lại quay sang ôm bà ngủ. Bây giờ lớn rồi em ôm bà thì bà bảo "mày bị hâm à" nhưng em vẫn ôm", Thương thủ thỉ tâm sự.
Cô bé Thương mỗi khi nhắc đến kỉ niệm về bà lại nở nụ cười rạng rỡ.
Thương bảo, điều em muốn học ở bà đó là lòng bao dung, vị tha, lòng trắc ẩn bởi tất cả những điều đó của bà đã giúp em được trưởng thành, khôn lớn như ngày hôm nay. Bà đã bước vào và mang đến cuộc đời mới cho em. Chính vì vậy, em luôn cố gắng học thật tốt để sau này có thể kiếm được nhiều tiền chăm sóc, phụng dưỡng, đền đáp công ơn của bà.
"Từ lúc bé, con đã bảo: "Bà ơi, con còn bé chưa thể hiện tầm suy nghĩ của con cho bà biết, bao giờ con đi làm con sẽ thể hiện cho bà". Rồi thuở bé cũng mộng mơ kiếm nhiều tiền thuê người chăm sóc bà. Bà cháu cố sống chờ cháu có tiền thuê người giúp việc chăm bà đây. Thỉnh thoảng tôi vẫn bảo "Giờ bà giặt váy áo cho Thương, mai kia bà già yếu, Thương giặt váy cho bà nhé!", bà Bình nở nụ cười.
Bà Bình bảo, hiện tại bà chỉ mong còn sức khỏe để làm lụng chăm lo Thương khôn lớn. Đối với bà điều đó còn quý giá hơn cả tiền bạc. Bà không mong tìm mẹ cho Thương nữa, bà chỉ mong Thương có sức khỏe để làm lụng lo cho Thương học xong, đi làm, lấy chồng rồi sinh chắt cho bà là bà đã hoàn thành công cuộc nuôi Thương từ khi 17 tháng tuổi đến trưởng thành. Còn Thương, em cũng không mong tìm lại được bố mẹ, dù không còn oán trách nhưng nếu bố mẹ có trở về em cũng quyết định không đi bởi "Em chỉ cần có bà thôi".
"Bà ơi, bà sống thật lâu nhé để sau này con kiếm thật nhiều tiền con cho bà đi chơi, đến những nơi bà thích", Thương nhắn gửi.