5 lần mang nặng đẻ đau nhưng chỉ 3 bé có duyên được ở lại bên mẹ. Những tưởng hạnh phúc vẹn tròn với tiếng cười trẻ thơ trong nhà, thế nhưng giờ đây vợ chồng anh chị Ngoạn lại chật vật với việc chạy chữa cho hai đứa con bị bại não.
Mẹ 38 tuổi suốt 10 năm lận đận nuôi con cái bệnh tật
Chị Trần Thị Ngoạn và anh Nguyễn Mạnh Tưởng cùng là người con của vùng đất nghèo khó tỉnh Nghệ An, cưới nhau đã gần chục năm. Với công việc của người chồng là một anh lính cụ Hồ và chị làm kế toán cho một doanh nghiệp, cuộc sống được vun vén cũng đủ ấm cúng.
Thế nhưng, dường như chuyện con cái của anh chị thực sự kém may mắn. Lần mang thai đầu tiên em bé chưa kịp nhìn ánh mặt trời đã bỏ bố mẹ ra đi. Em bé thứ hai sinh ra và lớn lên khỏe mạnh đến 6 tuổi bị đuối nước qua đời. Đến năm 2013 anh chị sinh bé gái đặt tên là Tường Vy thì 6 tháng tuổi, con bị phát hiện mắc bại não.
Năm 2015 anh chị sinh em bé kế tiếp đặt tên là Thùy Dương, lần này may mắn trời thương đã ban phúc cho gia đình một đứa trẻ lành lặn.
Nằm trong lòng mẹ ngủ nhưng bé Cẩm Tú thường xuyên giật mình vì tiếng động xung quanh (Ảnh: Bình An)
Đến 3/2018 chị đẻ thêm bé Cẩm Tú với hy vọng có chị có em khỏe mạnh bầu bạn với nhau. Song cuộc đời luôn có những trái ngang khó có thể lý giải. Bé Cẩm Tú từ khi chào đời đến lúc 3,5 tháng tuổi liên tục khóc thét, chân tay gồng cứng ngắc, bú kém và cơ thể ốm yếu.
"Trước sinh, tôi đã đi khám sàng lọc ở bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều lần, kết quả bình thường.Tuy nhiên, khi sinh ra, Cẩm Tú có biểu hiện bất thường về vận động tay chân và cổ, mắt không nhìn thấy gì.
Ngày bé sinh ra cứ đờ đẫn yếu đuối, mẹ giơ tay quờ quặng trước mặt nhưng hai đôi mắt không có biểu hiện. Nghi có chuyện chẳng lành, gia đình đưa đi bệnh viện điện não đồ thì phát hiện cháu bị bại não bẩm sinh giống bé Tường Vy", chị Ngoạn đau đớn nhớ lại.
Từng muốn đi hiến mắt, phải cho con uống thuốc ngủ để đi chữa bệnh
Trời đất như sụp đổ dưới chân đôi vợ chồng trẻ khi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Anh chị gạt nước mắt đưa con đến bệnh viện với mong mỏi các con có thể đi lại bình thường.
Người mẹ trẻ kém may mắn này từng là một nhân viên kế toán đầy lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Chị cưới chồng ở ngay tại quê nhà với mong muốn tiện bề chăm sóc bố mẹ. Thế nhưng giờ đây chị đành phải gác lại công việc để đằng đẵng hàng tháng đưa con đi chữa bệnh.
Bé Tường Vy (5 tuổi) hiện tại đang phải ở nhà vì kinh tế gia đình kiệt quệ. Ảnh: Bình An
Nhìn hình hài non nớt gồng mình dưới hàng trăm mũi kim xung quanh chằng chịt không ai có thể kìm lòng xót xa.
Với một người lớn di chuyển đi lại trên các phương tiện đã là vất vả thì một đứa trẻ bị bệnh còn gian nan gấp bội, mỗi lần hai mẹ con ra Hà Nội điều trị, chị đều phải cho bé uống thuốc ngủ mới yên tâm ra đến viện được
Đã có lúc chị từng sang bệnh viện mắt để yêu cầu các bác sĩ lấy giác mạc của mẹ thay cho con nhưng chị được nhiều người an ủi rằng: “Phải vững tin để đôi mắt sáng đó còn chăm những đứa con bệnh tật”, nên chị lại ngậm ngùi ôm con quay lại viện châm cứu.
Ước mơ nhỏ nhoi mong con có thể tự bước đi bình thường
Lần này trở lại bệnh viện gặp chị, những nỗi lo lắng cho hai đứa con bị bại não vẫn còn đó nhưng chúng tôi thấy ở chị sự lạc quan, gắng gượng trên khuôn mặt của người phụ nữ chạc tuổi tứ tuần.
“Tường Vy nằm viện điều trị 14 lần, Cẩm Tú 4 đợt. Bằng con nhà người ta đã biết lẫy, biết bò còn con mình thì nằm nguyên một chỗ. Nhìn mỗi lần kim châm đâm vào đầu vào chân tay của con mà xót xa. Giờ chỉ mong các con có thể đi lại bình thường, chứ chị không mong gì hơn nữa", chị Ngoạn vừa chỉ vào bé Cẩm Tú vừa chia sẻ.
Bốn lần đi điều trị, mỗi lần 25 ngày đã là những tháng ngày quá quen thuộc nên bé tỏ ra rất hợp tác với bác sĩ (Ảnh: Bình An)
Chị bảo, giờ đây có bi lụy cũng không giải quyết được gì cả, chị cười và cố sống lạc quan vì con mình, chị không thể để bản thân tuyệt vọng mà ủ ê, ốm đau suốt ngày, như vậy làm sao có sức để chăm nuôi hai đứa con mắc bệnh bại não.
Bé Cẩm Tú được các bác sĩ tiến hành thủy châm, co bóp, bấm huyệt, tập luyện hàng ngày (Ảnh: Bình An)
Chị Ngoạn liên tục phải dùng tay đỡ cổ của con vì phần cổ và lưng của bé Cẩm Tú mềm nhẽo (Ảnh: Bình An)
Tạm biệt 2 mẹ con chị Ngoạn cũng là lúc đến giờ châm cứu cho bé Cẩm Tú, tiếng khóc do mũi châm đâm vào da thịt khiến bé gào khóc đến xé ruột gan, nhìn hình hài non nớt gồng mình dưới hàng trăm mũi kim xung quanh chằng chịt dây dựa không ai có thể kìm lòng xót xa.
Bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động, ngôn ngữ trẻ em của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết: Hiện nay y khoa chưa xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến chứng bại não ở trẻ em. Tuy nhiên, căn cứ vào các nghiên cứu trị liệu lâm sàng, có thể đưa ra vài yếu tố nguy cơ như: Do bố hoặc mẹ bị bệnh lý mãn tính từ trước hay do môi trường sống bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu vì lý do này phải có yếu tố số đông, chứ không riêng một cá nhân hay một gia đình. “Cùng lúc có hai con nhỏ bị bệnh, gia đình chỉ có mình chồng làm lụng nên kinh tế không đủ đưa con đi viện, đây thực sự là một trong những hoàn cảnh rất đáng thương.Bệnh lý của các cháu được xác định thoái hóa cơ tủy do gen di truyền ẩn”, Bs Tâm nhận định. Trưởng khoa Điều trị Liệt khuyến cáo các bậc cha mẹ tương lai cần nâng cao hiểu biết, biết cách phòng tránh bệnh cho trẻ bằng việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, nhằm loại bỏ nguy cơ con sinh ra bại não và cả các bệnh khác như vàng da hay dị tật. Trước khi sinh, cha mẹ cần chuẩn bị về sức khỏe, vật chất, tinh thần, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho trẻ. |