PGS. TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định sữa công thức, sữa bò sẽ tốt hơn sữa từ các loại hạt.
Trào lưu làm sữa hạt homemade nở rộ
Gần đây, trên nhiều trang Facebook, các diễn đàn đang rộ lên trào lưu sử dụng sữa từ các loại hạt cùng với công thức làm sữa “thần thánh” cho con được các mẹ truyền tai nhau. Chỉ cần gõ tìm kiếm với cụm từ “cách làm sữa hạt” nhanh chóng ngay sau đó Google trả về gần 1 triệu kết quả. Hàng loạt công thức và những câu chuyện của các bà mẹ làm sữa hạt cho con được hiện ra.
Trên mạng xã hội Facebook, các mẹ bỉm sữa còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm khi cho con dùng loại sữa này.
Nhiều người cho biết sữa hạt có thể dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và có thể thay thế được sữa bò cũng như sữa công thức, thậm chí là cả sữa mẹ. Và dường như sữa hạt bắt đầu “lên ngôi” chiếm trọn niềm tin của các bà mẹ.
Sữa từ các loại hạt đang được nhiều bà mẹ làm cho con uống. Ảnh minh họa
Tận dụng cơ hội, hàng loạt công thức làm sữa hạt được các bà mẹ “sáng tạo” ra: nào là sữa hạt sen khoai lang mật, sữa yến mạch, sữa bắp ngọt và mè trắng... Các loại hạt thực vật như lạc, sen, đậu nành, đậu xanh, mè đen, mè trắng, yến mạch, bí đỏ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó... được 'mix' lại với nhau theo từng công thức nhất định.
Cũng từ đó, các loại sữa hạt này nhanh chóng trở thành "món hàng đắt giá" được rao bán trên mạng với giá từ 40- 45k/ 540ml.
Nhiều bà mẹ sở hữu hàng chục cách làm sữa hạt khác nhau. Ảnh minh họa
Có thể nói, trong tình thế thị trường giá sữa dành cho trẻ nhỏ hiện nay đang quá cao cùng với việc rất khó để nhận biết đâu là sữa thật, đâu là sữa giả kém chất lượng, việc “xoay chuyển tình thế” sang làm sữa từ hạt cho con dùng của nhiều chị em cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, sữa hạt lại có nguồn các loạt hạt, củ sạch từ thiên nhiên như hạt sen, vừng, đậu đỏ, đậu xanh, khoai tím, ngô... dễ kiếm, dễ làm và có hương vị thơm ngon, hấp dẫn các bé khiến nhiều bà mẹ lựa chọn và ưa chuộng.
Tuy nhiên, xét từ góc độ dinh dưỡng, liệu quan điểm sữa hạt bổ dưỡng có thể thay thế cho sữa công thức, sữa bò, sữa mẹ và phù hợp với trẻ ở mọi lứa tuổi liệu có thực sự chính xác? Đây liệu có phải là loại "tiên dược" như mọi người vẫn lầm tưởng?
Sữa hạt dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia về chế độ dinh dưỡng của sữa từ các loại hạt, bà cho biết: “Sữa từ các loại hạt như sữa đậu nành, đậu xanh hoặc cho thêm hạt lạc, hạt sen, hạt điều… thực ra rất tốt.
Sữa đậu nành, sữa đậu xanh bản chất là cung cấp các chất đạm, vi chất dinh dưỡng cũng như canxi. Nếu trẻ không uống được sữa công thức thì ít nhất uống sữa đậu nành hoặc sữa đậu xanh cũng tốt”.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia. |
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cũng nhấn mạnh sữa từ các loại hạt phải có hạt đậu nành, đậu xanh là chính mới có thể đảm bảo chất đạm, chất béo cũng như canxi cho trẻ.
“Cho trẻ uống sữa hạt tôi nghĩ không có nguy hại gì, đó là cũng là một dạng sữa.
Tuy nhiên sữa từ các loại hạt phải là hạt đậu xanh, đậu nành thì mới có nhiều chất đạm và chất béo, nếu sữa chỉ từ hạt sen, hạt điều hay các loại hạt khác sẽ không có nhiều đạm.
Khi làm sữa đậu nành hoặc đậu xanh, các bà mẹ có thể cho thêm các hạt khác vào nhưng bản chất vẫn phải là đậu nành và đậu xanh là chính”.
Mặc dù vậy, đứng về mặt dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng khẳng định sữa công thức, sữa bò sẽ tốt hơn sữa từ các loại hạt bởi loại sữa tự làm như sữa đậu nành giàu protein và nguyên tố vi lượng tuy nhiên chất protein trong sữa đậu nành lại là protein thực vật thiếu một hoặc nhiều axit amin cần thiết và ở tỷ lệ không cân đối như sữa bò và các thức ăn động vật khác (thịt, trứng..)
“Sữa công thức ưu Việt hơn, tăng cường đủ các vi chất dinh dưỡng sẽ tốt hơn là sữa từ các loại hạt. Sữa từ các loại hạt cũng có chất đạm, canxi tuy nhiên các vi chất dinh dưỡng như canxi, kẽm, sắt thì không thể đủ như sữa công thức.
Đứng về mặt dinh dưỡng thì uống sữa công thức tốt hơn sữa từ các loại hạt trừ trường hợp trẻ không uống được thì mới uống sữa từ các loại hạt hoặc uống xen kẽ giúp đỡ ngấy.
Trẻ em đang ở độ tuổi phát triển cơ thể cần nhiều axit amin cần thiết nên cần ưu tiên thức ăn nguồn gốc động vật, thỉnh thoảng có thể cho trẻ dùng thêm sữa đậu nành. Bên cạnh đó cần thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm cho trẻ”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.