Đau lòng vì 2 con trai lớn mắc bệnh máu khó đông không có tiền điều trị, chị Thu Hương không dám cho người con trai thứ 3 đi xét nghiệm máu vì sợ nhận tin sốc.
Với những đứa trẻ bình thường, trường học có thể được coi như ngôi nhà thứ 2 thì đối với Nguyễn Đức Huy (13 tuổi) và em Nguyễn Dung Quế Hòa (9 tuổi), Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương lại là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Và có thể sắp tới, đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của Nguyễn Dung Quế Bình (6 tuổi) – cậu con trai thứ 3 của chị Nguyễn Thu Hương ở ngách 406/63, tổ 25, phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ.
Chị Hương và 3 con: Huy, Hòa, Bình cùng bố mẹ già đang trọ tại căn nhà nhỏ ở quận Tây Hồ.
Căn nhà trọ lụp xụp chỉ vỏn vẹn 17m2 là nơi sinh sống của 6 người trong gia đình chị Nguyễn Thu Hương. Mặc dù sinh ra tại Hà Nội nhưng đến bây giờ chị chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Đến ngôi nhà duy nhất làm nơi che mưa che nắng, chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện đi lại cũng lần lượt “đội nón ra đi” để có tiền chữa bệnh cho Huy – con trai lớn của chị. Hiện nay, chị cùng bố mẹ già và 3 con nhỏ đang đi thuê trọ ở quận Tây Hồ.
Kể về bệnh tình của con trai, chị Hương không kìm được những giọt nước mắt: “Cháu Huy tầm 4-5 tuổi đã phát hiện bị chân sưng, người cứ thỉu dần đi. Lúc đầu tôi nghĩ cháu bị xương khớp nên chạy chữa về xương. Về sau xét nghiệm máu mới biết cháu bị mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia A).
Bác sĩ bảo nếu các khớp sưng lên phải cho vào viện truyền huyết tương, các thuốc đông máu luôn, không thì nặng sẽ chảy máu trong nội tạng. Nhưng mỗi lần đi bệnh viện cũng phải 10 - 13 túi và một số loại thuốc nữa mới đỡ được mà nhà lại không có tiền.
Năm ngoái Huy có đi 2-3 lần nhưng nay phải nằm nhà. Có nhiều khi, giữa đêm đau quá con chỉ dám thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi, hay là cho con đến viện đi, con đau quá”. Những lúc ấy, nước mắt tôi cứ thế rơi, nhưng bản thân tôi bất lực”, chị Hương nghẹn ngào chia sẻ.
Đã 6 năm nay, chị Hương phải chạy vạy khắp nơi, tất bật sớm tối làm đủ thứ nghề từ rửa bát thuê, phụ hàng ăn để có tiền chữa trị bệnh cho Huy.
Tuy nhiên, dường như ông trời vẫn muốn thử thách chị khi sau đó không lâu bé Hòa cũng phát hiện mắc căn bệnh giống anh. Cả bầu trời của chị dường như sụp đổ, vỡ vụn hoàn toàn. Thậm chí khi bác sĩ bảo cho con trai thứ 3 đi xét nghiệm chị không dám đưa đi vì chị sợ mình sẽ không sống nổi nếu cả 3 con đều bị căn bệnh quái ác này.
“Khi bác sĩ đưa tờ giấy chuẩn đoán bệnh thật sự tôi không thể nào đứng vững, bị sốc hoàn toàn. Bác sĩ bảo xét nghiệm cháu thứ 3 nhưng tôi không dám cho xét nghiệm vì sợ cháu thứ 3 bị giống 2 anh thì tôi không sống nổi nữa”, chị Hương gạt 2 hàng nước mắt của mình chia sẻ.
Từ tết đến nay, Huy phải cắn răng chịu đựng những cơn đau ở nhà gia đình không có điều kiện đưa đi bệnh viện truyền huyết tương.
Bất lực nhìn các con chịu đau hàng ngày, đứa đầu gối sưng to, đứa chảy máu răng ướt đẫm cả gối mỗi sáng, còn đứa bị mẩn ngứa uống thuốc không khỏi nhưng chị chẳng biết làm gì hơn chỉ biết trách bản thân bởi “làm mẹ sinh ra các con không được lành lặn lại mang thêm bệnh làm khổ các con”.
Mặc dù 3 bé nhà chị Hương đều trong độ tuổi đi học nhưng vì bệnh tránh va đập, hơn nữa “tiền thuốc thang cho các con còn không có thì nghĩ đâu đến chuyện cho con đi học” nên 2 năm nay cả Huy, Hòa, Bình đều ở nhà.
Có lẽ Huy may mắn hơn 2 em của mình khi được đi học đến cấp 2. 5 năm học tiểu học dù đi học tính ra được 10 buổi mỗi tháng nhưng em vẫn học khá ở lớp, có giấy khen thưởng học sinh tiên tiến của trường, được thầy cô khen ngợi. Cậu ham mê học đến nỗi dù ở viện điều trị bệnh nhưng vẫn nhắc mẹ mang cặp sách vào cho mình học, thậm chí, dù đau nhưng hễ khi nào đỡ bệnh em lại nhờ ông và mẹ cõng đến trường.
2 năm nay vì căn bệnh trở nặng hơn nên Huy đành phải nằm ở nhà. Tuy nhiên trong đôi mắt em vẫn sáng lấp lánh mỗi khi nhắc đến sách vở, bài tập và sở thích vẽ của mình. Dẫu vậy, khi được hỏi về ước mơ của mình làm bác sĩ hay kiến trúc sư, em lại cúi mặt xuống, im lặng hồi lâu rồi chảy nước mắt vì em biết căn bệnh này sẽ chẳng bao giờ khiến ước mơ của em có thể bay cao. "Con không biết ước mơ của con là gì vì con đau chân thế này không đi lại được. Con chỉ mong muốn có tiền để mẹ cho con vào viện chữa bệnh, để con khỏi bệnh đến trường chơi với các bạn”, Huy nói.
Còn với Hòa, vì quá ít tuổi nên em vẫn chưa ý thức hết được căn bệnh mà mình mắc phải. Em vẫn vui chơi, chạy nhảy và “thèm” được đi học như các bạn đồng trang lứa.
"Hôm trước cháu Hòa nói mà tôi ứa nước mắt “Mẹ! hôm qua con vẽ đẹp nhất lớp, thầy hứa hôm sau cho con vẽ bằng màu nước mà sao hôm nay con phải nghỉ học".
Còn Huy dù đau nhưng biết nhà không có, nhìn mẹ khóc, cháu lại an ủi bảo “Con không đau đâu mẹ đừng khóc nữa. Mẹ không phải lo đâu, không cần cho con đi bệnh viện đâu, con sẽ chịu đau được mà”, chị Hương xúc động tâm sự.
Đến bây giờ, mong muốn đơn giản của chị Hương là con được đến bệnh viện, con có một chiếc xe lăn để đẩy đi ra ngoài thư giãn, hít thở không khí nhưng chị cũng không thể thực hiện được.
Biết bệnh tình của các con không thể chữa khỏi hoàn toàn, tháng nào cũng vậy, chị Hương lại cõng Huy tham gia thiện nguyện cùng CLB Tâm Thành phóng sinh, nghe kinh phật, ăn cơm chay theo mong muốn của con. Chị biết ở đây con tìm thấy vui, niềm hạnh phúc và quên đi đau đớn của bệnh tật. Chính bởi niềm vui nhỏ bé của con nên lúc nào chị cũng mong con được toại nguyện.
Có lẽ sau tất cả những khó khăn, những thử thách của số phận, điều mà chị cảm thấy an ủi nhất đó là các con thông minh, ngoan ngoãn, tình cảm, luôn biết nghĩ cho mẹ.
Dù ngày mai và rất nhiều ngày sau nữa, cuộc chiến đấu với bệnh tật của 3 mẹ con chị Hương vẫn dai dẳng và khốc liệt. Nhưng với trái tim và sức mạnh tình yêu thương của người mẹ, chị Hương sẽ tiếp tục kiên cường và nỗ lực từng giây, từng phút để nắm lấy ánh sáng của cuộc sống cho các con.
Máu khó đông là một căn bệnh cực kì nguy hiểm sinh ra do thiếu hụt hoặc không đủ một loại Protein giúp kiểm soát sự chảy máu. Biểu hiện bệnh rất đa dạng, có thể chảy máu bất kì chỗ nào, hay gặp ở mũi, chân răng, cơ hoặc khớp. Nguy hiểm nhất là trường hợp chảy máu ở khớp vì khi tái phát dễ gây viêm, biến dạng khớp. Bệnh máu khó đông hiện chưa có thuốc chữa tận gốc mà chỉ có thể bổ sung máu suốt đời. |