Bác sĩ Viện dinh dưỡng Quốc gia đã giải đáp mọi thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Cho con bú đúng cách tưởng dễ nhưng hóa ra chẳng đơn giản. Khá nhiều bà mẹ vẫn cứ loay hoay mãi với những thắc mắc chưa lời giải hoặc có những hiểu lầm nghiêm trọng dẫn đến việc cho bú sai cách, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé.
Để giúp các mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng bé tốt nhất, Thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi phổ biến nhất của chị em quanh việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Do em không đủ sữa nên có cho bé bú thêm sữa ngoài. Nhưng bé khó chịu lắm! Mỗi lần bú bình được chút ít là nhè ti ra không chịu nữa. Em cố ép thì bé khóc nằng nặc. Em phải làm gì đây?
Trả lời: Nếu con bạn vẫn phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao thì không phải ép bé bú sữa ngoài làm gì vì bé bú sữa ngoài quen rất dễ sẽ bỏ bú mẹ, hơn nữa càng bị ép ăn trẻ càng sợ.
Bạn cũng nên tăng cường cho bé bú mẹ nhiều hơn vì như thế sẽ giúp sữa mẹ dồi dào. Để chất lượng sữa mẹ tốt, bạn nên ăn thêm cháo, uống sữa 2 – 3 cốc/ ngày, uống từ 2 lít nước/ngày và ăn đa dạng các loại thực phẩm (tuyệt đối không kiêng khem quá mức).
Bé bú mẹ nhiều sẽ giúp mẹ dồi dào sữa (Ảnh minh họa).
Đầu ti em ngắn, thụt nên ngày nào em cũng chịu khó vê đầu ti rồi dùng tay kéo nhưng không thấy hiệu quả. Vắt sữa mãi thì ngại, lại sợ con bú bình quen sẽ chê ti mẹ thì tủi thân lắm. Em phải làm gì đây?
Trả lời: Một số người mẹ có đầu ti ngắn, thụt khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn. Bé thường khóc thét “phản đối” bú vì khó ngậm và mút ti mẹ. Khi ấy, nếu người mẹ không kiên trì thì chuyện nuôi con bằng sữa mẹ sẽ rất khó khăn. Bé lười, không chịu bú sẽ khiến mẹ giảm tiết sữa. Đồng thời, mẹ ít sữa thì bé càng chán bú mẹ và thích bú bình hơn.
Bạn có thể chọn cách vắt sữa, bỏ vào bình rồi cho con bú nhưng cách này cũng không nên kéo dài. Bởi một khi bé đã quen với núm ti giả thì bé sẽ càng không chịu bú mẹ, càng khóc to hơn khi mẹ nhét ti vào miệng bé. Với những trường hợp này, bạn có thể thử:
- Lấy khăn sạch, mềm, nhúng nước ấm, vắt khô, đặt lên đầu ti rồi “vân vê”. Nên làm trước khi cho con bú để kéo dài ti mẹ khiến bé bú mẹ dễ dàng hơn.
- Nếu một đầu ti bị thụt thì nên tránh luôn cho bé bú ở ti bên kia. Bú lệch như thế sẽ khiến bé không tận dụng được sữa ở hai bầu ngực mẹ; đồng thời khiến ngực mẹ không cân xứng (bên to – bên bé). Nên kiên trì cho bé bú cả ở bên có đầu ti ngắn.
- Tư thế bú đúng ở bé là miệng bé phải mở rộng ngậm sâu hết quầng thâm của vú, chứ không chỉ ngậm đầu ti. Do đó, người mẹ cần biết đưa ti mẹ vào miệng bé đúng cách để bé bú được: Đặt bé đối diện với một bên ngực mẹ, sao cho mũi (hoặc môi trên) của con đối diện với đầu ti của mẹ. Đợi đến khi bé mở miệng to (bạn có thể nhẹ nhàng cọ đầu ti mẹ lên môi của bé, kích thích bé mở miệng), bạn nhanh chóng đưa miệng con vào bầu vú mẹ. Môi dưới của bé chạm vào bầu vú mẹ, để môi dưới càng xa đầu ti mẹ càng tốt. Bởi vì, bằng cách này, “đầu ti” mẹ sẽ hướng tới vòm họng của bé.
Còn một cách nữa là bạn có thể nhờ trẻ lớn hơn bú hộ, thậm chí có thể nhờ ông xã hoặc người lớn bú hộ, để kéo dài đầu ti ra
Em lo quá! Bé nhà em được 17 tháng tuổi rồi mà ăn một mẩu chuối hay bất kỳ thứ gì khó nuốt một chút là trớ hết. Cho con ăn bột xong, chỉ cần uống nước sặc một chút là cũng cho ra hết luôn. Phải làm gì giúp bé đây?
Trả lời: Nguyên nhân của tình trạng này là tại bạn không chịu tập cho con ăn thô từ nhỏ, chắc cái gì cũng xay nhuyễn, hoặc chỉ cho con ăn nước. Bình thường từ 7 – 8 tháng tuổi bé đã có thể ăn được thức ăn thô như cháo hạt, thịt cá chỉ cần băm, nhưng vì cứ sợ con không nuốt được mẹ cứ xay nhuyễn hết làm mất phản xạ nhai, của trẻ, cái gì ăn cũng chỉ nuốt chửng.
Một nguyên nhân nữa là do họng của bé quá nhạy cảm, hơi tý là nôn đã tạo thành phản xạ. Cách khắc phục bây giờ là bạn phải kiên trì tập, không cho trẻ ăn no quá, không ép trẻ khi bé không muốn ăn, dù có nôn ẹo vẫn phải kiên trì tập, bạn có thể cho bé ăn những gì bé thích, cho ăn cùng mâm với người lớn hoặc cho bé tự nhón thức ăn cho vào miệng, cho ăn cùng với trẻ con hàng xóm...
Bên cạnh đó bạn cũng có thể cho dùng thêm men tiêu hoá và kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chị em bị đau tức ngực thường xuyên khi cho con bú thì nên đi khám ngay (Ảnh minh họa).
Em không hiểu sao bé nhà em nhất quyết không chịu bú mẹ?
Trả lời: Bạn không nói rõ hiện bé bao nhiêu tháng tuổi, đã từng bú mẹ và bỏ bú hay bỏ bú mẹ ngay từ khi chào đời, điều này rất quan trọng vì mỗi một tình huống có cách giải quyết khác nhau.
Trường hợp bé đã từng bú mẹ nhưng bỗng nhiên bỏ bú thì nguyên nhân chính là bạn đã tập cho con ăn sữa ngoài khi mẹ chuẩn bị đi làm hoặc mẹ sợ thiếu sữa nên có cho bé ăn thêm, khi đã bú bình quen đương nhiên bé sẽ bỏ bú mẹ vì bú bình dễ hơn bú mẹ rất nhiều. Cách khắc phục là bạn ngừng cho bé bú thêm sữa ngoài mà hãy vắt sữa mẹ cho vào bình dự trữ cho bé bú. Nếu bé chê sữa nhạt không bú, bạn có thể pha thêm một ít sữa ngoài, sau đó dần dần bỏ hẳn sữa ngoài, kiên trì tập cho bé bú mẹ lại xen kẽ với các bữa bú bình.
Trường hợp bé mới sinh không chịu bú mẹ thì phải vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng thìa sau đó từ từ tập cho trẻ bú mẹ. Nếu bé đã đến tuổi ăn dặm (ngoài 6 tháng) bạn nên cho con bú mẹ lúc đói trước, sau đó mới cho ăn dặm.
Vợ tôi mới sinh con đầu lòng được gần 4 tháng. Cho con bú, cô ấy thường xuyên kêu đau tức ngực. Xin hỏi, vợ tôi bị bệnh gì?
Trả lời: Anh nên đưa vợ đi khám chuyên khoa nội xem chị ấy có mắc bệnh gì về tim mạch, hoặc viêm dây thần kinh liên sườn hay không? Nếu cần thiết nên làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán cho chính xác.
Bé nhà em bú mẹ hay bị đau bụng. Chuyển cho bé ăn sữa ngoài liệu có cải thiện được tình hình?
Trả lời: Một số bà mẹ có hàm lượng đường trong sữa cao khiến bé bú mẹ dễ đau bụng rồi đi ngoài phân lỏng, mùi chua có bọt. Để cải thiện tình hình, bạn nên cho bé uống nước vôi nhì 5%, ngày uống 10ml chia 2 lần/ngày, uống thêm men vi sinh 2 gói hoặc 2ống/ngày trong vòng 1 tuần nếu không khỏi, thì hãy chuyển sang ăn sữa ngoài nhưng phải chọn loại sữa không có đường lactose ( Free lactose). Để duy trì nguồn sữa mẹ vợ bạn vẫn nên vắt sữa, cho ăn cùng với sữa ngoài và chế độ ăn của mẹ nên giảm chất ngọt, còn vẫn ăn tôm, cua, cá bình thường.
Đầu ti của tôi hay bị rỉ sữa giữa các cữ cho con bú. Tại sao lại thế? Tôi nên làm gì để khắc phục?
Trả lời: Ngực bạn bị rỉ sữa giữa các cữ bú. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong những tuần đầu tiên khi bạn bắt đầu cho bé bú. Cách khắc phục hiện tượng này như sau: Bạn hãy đặt những tấm vải lót (thường là vải xô hoặc khăn mặt bông) phía trong áo lót để thấm hút lượng sữa bị rỉ ra. Cần thay đổi thường xuyên những tấm vải lót này và giặt sạch sẽ là rất cần thiết vì sữa ẩm ướt gần bên da có thể làm bạn bị viêm da do nấm.
Hoặc, bạn có thể vắt bớt sữa trước khi cho con bú. Việc rỉ sữa này thường chỉ hay gặp vài tuần sau khi sinh, nếu cho con bú thường xuyên sữa sẽ tự chảy điều hoà hơn, bạn cũng không nên quá lo lắng hiện tượng này vì điều đó càng chứng tỏ bạn rất nhiều sữa để nuôi con.
Làm gì với bé ngủ trong lòng mẹ khi đang bú?
Trả lời: Có rất nhiều bé cứ ngậm vú mẹ là ngủ vì trong sữa mẹ có chứa chất gần giống thuốc an thần được tạo ra do thuỷ phân từ casein trong sữa mẹ. Nếu bé ngủ trong lúc đang bú bạn có thể vẫn tiếp tục cho con bú đến khi trẻ tự bỏ ra. Sau đó đặt bé xuống giường ngủ.
Bé đầu nhà tôi mới được 8 tháng tuổi thì tôi lại dính bầu. Liệu tôi có thể cho bé bú khi đang mang thai không?
Trả lời: Mẹ có thai vẫn có thể cho con bú trong những tháng đầu vì không hại gì cho trẻ và thai nhi nhưng mẹ cần phải ăn uống nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng.
Con bạn đã 8 tháng vì vậy chỉ cần bú thêm 4 tháng nữa là có thể cai sữa, những tháng cuối của thai kì thì không nên cho trẻ bú vì có thể làm kích thích đầu vú gây tăng tiết oxytoxcin gây tình trạng sinh non tháng. Khi cai sữa cần cai từ từ bằng cách giảm số lần bú trong ngày. Cai sữa đột ngột có thể làm chấn thương tinh thần dẫn đến biếng ăn ở trẻ làm sụt cân và suy dinh dưỡng.
Mời độc giả gửi tâm sự, khó khăn chuyện chăm con, chuyện vợ chồng sau sinh... về địa chỉ email: lamme.eva@gmail.com. Eva sẽ chia sẻ, gỡ rối cùng bạn. |