Cái nghèo quấn lấy chân khiến người mẹ sinh 14 đứa con ở Hà Nội quanh năm lam lũ, không còn phút giây nào dám nghĩ cho bản thân mình.
Câu chuyện sinh nhiều con những tưởng chỉ diễn ra ở một vùng xa xôi nào đó, vậy mà ngay gần Thủ đô, một người phụ nữ mới chỉ ngoài 40 nhưng đã có tới 14 mặt con khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Trong tiết trời mưa phùn lạnh giá cuối đông, chúng tôi tìm về làng Cổ Bản (Đồng Mai, Hà Đông – Hà Nội) để tìm gặp người phụ nữ "tằng tằng" sinh 14 đứa con. Ngay từ đầu làng, khi hỏi gia đình chị Đặng Thị Hải – anh Ngô Doãn Năm không ai là không biết, thậm chí nhiều người còn tận tình dẫn vào tận nơi.
Nhà 14 đứa con mỗi ngày ăn đong 7 kg gạo
Nói là ở làng nhưng ngôi nhà của gia đình chị Hải cũng lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ, bốn bề là nhà cửa san sát của các hộ gia đình khác. Với diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 50m2, đó là nơi ở của gần 20 con người trong hàng chục năm qua. Ngôi nhà tiêu điều, dây quần áo nặng trịch của người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh vướng cả lối vào.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1995 là kết quả của biết bao nỗ lực, chắt bóp của cả hai vợ chồng anh chị. Nhưng rồi vì sinh quá nhiều con mà căn nhà cũng chỉ được vỏ bên ngoài còn tài sản bên trong hầu như không có vật dụng gì có giá trị trừ chiếc tivi đã cũ.
Điều bất ngờ lớn nhất có lẽ không phải là gia cảnh của chị Hải – anh Năm mà là chuyện gia đình siêu đông con này vừa đón thêm thành viên mới cách đây chỉ 2 tháng. Đó là một bé gái xinh xắn được đặt tên Út Thảo.
Chị Đặng Thị Hải bế đứa con thứ 14 - Út Thảo mới được 2 tháng tuổi.
Ngoài đồ đạc vứt chỏng chơ khắp nơi, quần áo nửa trong nửa ngoài ngăn kéo, 3 chiếc giường là nơi ngủ cũng chỉ có mấy tấm chăn đã cũ. Trời gần trưa, chị Hải vẫn còn lặn lội bán tôm tép ở chợ để có đủ tiền ăn cả ngày cho gia đình. Cô con dâu thứ hai sấp ngửa lo bữa cơm trưa đạm bạc cho gia đình. Trong khi đó, những đứa trẻ mới chỉ 3-4 tuổi vô tư chơi đùa trên chăn một cách hồn nhiên mà không hề hay biết bố mẹ chúng đang phải chạy vạy từng bữa cơm. Cái đói, cái nghèo quấn lấy chân nhiều năm nay, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn, chuyện học hành cũng phập phù gian nan.
Đứa thứ 13 đang thơm đứa em thứ 14
Anh Năm khá kiệm lời khi kể về chuyện gia đình, bởi đã có khá nhiều người biết về câu chuyện sinh nhiều con của hai vợ chồng. Trước đây, anh Năm và chị Hải cùng gánh vác công việc kiếm sống để nuôi đàn con nheo nhóc. Thế nhưng, mấy năm lại nay, anh Năm không làm được những việc nặng, bởi mắc phải nhiều căn bệnh như dạ dày, gan, thận, tiểu đường…Bao nhiêu vất vả lại phải dồn lên vai người vợ gầy guộc.
“Mỗi khi ăn cơm, nhà tôi ngồi gần hết nửa nhà, mỗi ngày ăn hết khoảng 7kg gạo. Từ Tết đến bây giờ lúc nào tôi cũng quằn quại vì những cơn đau, thuốc uống hàng bịch. Cứ 6 tháng/ lần lại đi khám ở viện 103. Tiền kiếm hàng ngày chỉ đủ ăn, còn tiền chữa bệnh thì phải vay mượn, giật gấu vá vai”, anh Năm tâm sự.
Chị Hải sinh đứa con đầu lòng từ năm 1989, đến nay đã sinh 14 đứa con
Theo lời anh Năm, hai vợ chồng xây dựng gia đình năm 1989, cuối năm sinh bé gái đầu tiên. Đến nay gia đình đã có 14 đứa con, trong đó có 3 người con lớn nhất đã xây dựng gia đình. Có một cậu con trai được học hành cao nhất cũng chỉ đến lớp 11 phải dừng lại.
“Hiện tại, chỉ có 1 đứa con dâu đang làm nghề may, còn lại chưa đứa nào có nghề nghiệp ổn định vì bằng cấp không có. Hiện tại có 6 đứa đang đi học, cũng nhờ được miễn giảm nên đỡ phần nào chi phí, gia đình chỉ phải mua sách vở, bút giấy thôi”, anh Năm nói.
Sinh con tại nhà, chưa bao giờ đến bệnh viện
Sau khi bán nốt mớ tép, chị Hải quảy gánh hàng trở về nhà, sự mệt mỏi hiện lên trên gương mặt phúc hậu sau một buổi chợ vất vả. Khác với anh Năm, chị Hải khá cởi mở khi trò chuyện với chúng tôi. Sinh năm 1969, mới chỉ 45 tuổi nhưng mười mấy lần sinh nở và những ngày lao động vất vả kiếm tiền nuôi con khiến cho người phụ nữ này trông như 60 tuổi. Dáng người gầy guộc, gương mặt nhăn nheo làm cho nhiều người không khỏi xót xa.
Chưa kịp ngồi xuống chiếc bàn uống nước bừa bộn, chị Hải đã phải nghe cô con gái thứ 12 mách “có đứa đánh con”, đằng xa vài đứa khác lại đang chọc nhau khóc nức nở…Với người khác có thể nổi cáu nhưng đó là chuyện thường ngày ở gia đình này, người mẹ với nụ cười hiền từ xoa đầu đứa con gái đầy chua xót. Từ năm 1989 đến nay, 14 đứa con gồm: Hà, Tới, Hồng, Tiền, Nguyệt, Nhật, Hoằng, Tám, Phúc, Đức, Tươi, Sáng, Nhân, Thảo lần lượt chào đời, cứ 2 năm/đứa nhưng cũng có khi 1 năm/đứa.
Bế vội bé Út Thảo, chị Hải nhìn xa xăm kể về hoàn cảnh gia đình. “Tôi phải dậy từ 4h sáng để đi xúc tôm tép đưa ra chợ bán. Tội nghiệp đứa thứ 14 mới hơn 2 tháng nhưng không được bú mẹ từ sáng đến bây giờ (11h trưa – pv). Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi một chút lại tiếp tục đi bắt tôm tép để bán phiên chợ chiều. Nghỉ một ngày là cả nhà không có bữa cơm no nên phải gắng gượng thôi”, chị Hải chua xót kể.
Nói về chuyện sinh 14 đứa con, chị Hải cho biết, con cái là lộc trời, mải làm lụng để kiếm từng bữa cơm cho các con nên chính bản thân cũng không biết có bầu lúc nào. “Bận rộn quanh năm, suốt tháng, tôi cũng không biết có bầu lúc nào. Chỉ đến khi thai được 4-5 tháng mới biết có bầu, không muốn làm điều gì thất đức nên cứ thế mà sinh con”, chị Hải chia sẻ.
Một hai lần sinh nở là chuyện có thể khiến nhiều chị em phát hoảng nhưng với người phụ nữ này, khi nói về chuyện sinh nở hết sức tự nhiên, nhẹ nhàng. Thậm chí, chị Hải chưa bao giờ sinh con ở bệnh viện mà chỉ nhờ bà đỡ trong làng.
Chị Hải chia sẻ: “Cả bé Út Thảo này cũng thế, đến gần ngày sinh, tôi vẫn đi làm nên đẻ rơi khi đang cắt cỏ. Cả 14 đứa con đều như vậy, trộm vía chuyện sinh nở đều bình thường. Sinh bé Thảo xong, tôi cũng xác định là không sinh nữa vì thời buổi người khôn của khó, kiếm sống cũng khó khăn hơn”.
Vừa nói bà mẹ của 14 người con vừa chỉ tay vào đứa con trai thứ 13 kể, lúc sinh ra đủ ngày đủ tháng nhưng cháu bị viêm phổi, hi vọng chỉ còn 2% phải đưa lên bệnh viện Nhi Trung Ương nằm trong lồng kính gần 2 tuần. “Trộm vía từ đó đến nay, cháu chỉ thỉnh thoảng bị ho, còn lại không ốm đau gì cả”, chị Hải chia sẻ.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn
Bé Út Thảo không được bú sữa mẹ từ 4h sáng đến tận 11h trưa, vậy nhưng trộm vía khá ngoan, không hề khóc hay mè nheo. Khi chúng tôi chỉ tay hai hộp sữa đặc để đầu giường, chị Hải cho biết, "đó là sữa để bé Thảo uống mỗi khi mẹ không có nhà". Chưa kịp ngỡ ngàng thì lòng chúng tôi như thắt lại, trong khi nhiều em bé khác được uống sữa dành cho trẻ sơ sinh thì bé Thảo không có được may mắn đó. Một hộp sữa bột công thức hàng trăm ngàn đồng quá lớn so với túi tiền của một gia đình đông miệng ăn thu thập mỗi ngày chỉ đủ để đong gạo.
“Lúc sinh con xong, tôi cũng không cân để biết con được bao nhiêu kg. Hôm vừa rồi, cháu Thảo được 2 tháng, mượn cân nhà hàng xóm về mới biết bé được 5kg, trộm vía cháu ngoan chứ không hay quấy khóc”, chị Hải kể.
Cuộc sống mười mấy miệng ăn của gia đình chị chỉ biết trông vào gánh hàng tôm tép bắt được ở khu đầm tăng gia. Bữa bán hết còn đỡ, bữa nào ế hàng, lòng chị lại ngay ngáy nỗi lo không đủ gạo cho cả nhà.
“Trung bình mỗi phiên chợ tôi cũng kiếm được 100.000 đồng, chừng đó mới chỉ đủ tiền mua gạo cho cả nhà thôi, thức ăn chỉ có rau, đậu qua ngày. Hôm nào đi chợ được thì có hôm đó, chứ cũng chẳng tích lũy được gì, vì số tiền kiếm được quá ít trong khi gia đình lại đông miệng ăn”, chị Hải tiết lộ.
Sinh con chỉ nghỉ 10 ngày lại mưu sinh
Mới sinh con được 2 tháng, người mẹ của 14 đứa con chẳng có thời gian nghỉ ngơi như những phụ nữ khác. Chuyện tẩm bổ để lấy lại sức sau sinh là điều mà chị Hải không bao giờ dám nghĩ tới, chung quy cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Trải qua nhiều lần sinh nở nhưng lần nào cũng vậy, chị Hải chỉ nghỉ ngơi khoảng 10 ngày không hơn không kém rồi lại phải bươn chải. Mới sinh xong, chị vẫn mò cua, bắt ốc, xúc tôm, cá để chạy cơm. Nghĩ đến những đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn lòng lại càng lo lắng nên không dám cho phép tĩnh dưỡng như những người khác.
Căn nhà đã nhiều năm không được tu sửa của gia đình chị Hải
Có lẽ vì quanh năm lam lũ, ăn uống thiếu thốn là vậy nên sức khỏe của chị cũng giảm sút phần nào so với trước đây. Theo lời chị Hải, bây giờ mỗi khi trái gió trở trời, chân tay lại đau nhức, lội nước một lúc là chân bị tê...
“Chỉ nghỉ ngơi có 10 ngày rồi lại ra đồng, làm việc để làm sao con cái có được bữa cơm qua ngày, nghĩ kém cạnh so với bạn bè, tôi cũng ức lắm nên cứ cố gắng hết sức mà làm thôi. Nhưng có lẽ làm cũng không lại được vì đông con quá”, chị Hải chua xót nói.
Nhưng việc nghỉ sinh10 ngày chưa đủ khiến nhiều người sốc bằng chuyện có lần đang mang thai tháng thứ 8 mà chị Hải vẫn một mình đạp xe từ Hà Đông sang tận Long Biên để làm bê tông. Bụng mang dạ chửa nhưng cũng vì các con lại phải lặn lội để kiếm chút tiền, dù biết gần ngày sinh như vậy là rất nguy hiểm. Sinh con xong vừa được ít ngày nhưng chị Hải đều phải tự đưa quần áo đi giặt cách nhà khá xa. Vất vả là vậy nhưng người mẹ lam lũ vẫn luôn cố gắng làm sao để các con không bị đói.
Cái nghèo, sự lam lũ quấn lấy chân, khiến chị Hải dường như không có thời gian để lo cho bản thân mình. Gần đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, khi hỏi về ước mơ của bản thân, chị Hải cười hiền hậu nói: "Tôi cũng không mong ước gì đặc biệt cho bản thân cả, chỉ mong cả nhà khỏe mạnh, đủ ăn là được rồi".