Bảo Hoàng mắc bệnh u máu, khối u “khổng lồ” bám thành ụ to gồ lên trên chiếc chân phải của con đã khiến chị Luyến nhiều đêm nghẹn lòng xót xa.
Đó là trường hợp bé Trần Bảo Hoàng (5 tháng tuổi) mắc căn bệnh u máu. Ngày con chào đời cũng là ngày ba mẹ con hốt hoảng phát hiện con không bình thường. Dần dần căn bệnh tiến triển khiến chân con quá cỡ so với vóc dáng một đứa trẻ mới vài tháng tuổi.
Nhìn con co giật từng cơn bên giường bệnh chị Nguyễn Thị Luyến (30 tuổi – mẹ của bé Hoàng) ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình không khỏi đau đớn, chị ước giá như được thay con gánh một phần nỗi đau thể xác bởi căn bệnh u máu quái ác hành hạ đứa trẻ.
Làm công việc rửa chén bát thuê lượm lặt từng đồng để mong có tiền chữa bệnh cho con nhưng vẫn không thấm là bao. Chị Luyến bồng bế con đi khắp các chợ ở Huế để xin tiền chữa bệnh cho con.
Bé Trần Bảo Hoàng (5 tháng tuổi) mắc căn bệnh u máu
Theo chị chia sẻ, bé Bảo Hoàng là con thứ hai của gia đình, trước đó anh chị còn có một bé trai may mắn lành lặn và phát triển bình thường. Tuy nhiên, vất vả lại chồng chất khó khăn khi bố của hai em bị teo chân không làm được gì giúp vợ và các con. Mọi sinh hoạt trong gia đình một mình chị Luyến gánh gồng.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần chị Luyến nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong. Nhìn chị, ít ai có thể nghĩ với độ tuổi còn khá trẻ nhưng khuôn mặt lúc nào cũng hằn lên nỗi vất vả cực nhọc. Chừng ấy năm nuôi con, có lẽ chị chưa bao giờ biết nở một nụ cười hạnh phúc.
Cách đây vài hôm chị được giới thiệu ra Hà Nội để phẫu thuật cho con. Những tưởng cuộc đại phẫu của con được diễn ra sớm nhất có thể nhưng những cơn co giật sốt li bì đã khiến ca mỗ phải trì hoãn.
Nằm trên giường bệnh với chiếc ga trắng toát là thân hình “mất cân đối” của cậu bé kiên cường Bảo Hoàng. Sau những cơn co giật được bác sĩ cấp cứu thành công, Hoàng mở mắt và nhăn nhó nặng nề có thể do muốn được vùng vẫy nhưng chiếc chân phải “khổng lồ” đã kìm hãm tất cả hoạt động của em. Mỗi khi bản thân bất lực như vậy em lại gồng người khóc thé lên khiến những người xung quanh ít ai giữ được những giọt nước mắt thương xót.
Hướng mắt về phía buồng cấp cứu, chị Luyến nấc lên từng câu bằng chất giọng miền Trung nắng nóng: “Đem con ra Hà Nội hy vọng được mổ sớm để con sớm lành lặn nhưng các bác sĩ nói con nhiều bệnh lắm! Không chỉ riêng bệnh u máu. Con bị lên cơn sốt và co giật liên tục nên các bác sĩ không thể phẫu thuật ngay được. Con đau quá nên nó chẳng thể ngủ, chỉ khi nào mệt bé mới lịm đi”.
Trong vòng tay chị Luyến, Bảo Hoàng khóc nằng nặc sau những thìa sữa được mẹ đút cho ăn. Khi được hỏi về việc chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh, chị Luyến lặng người lắc đầu, chị nói: Từ ngày phát hiện con bị bệnh, hai mẹ con ngược xuôi vừa ẵm con làm thuê kiếm tiền vừa phải đến bệnh viện cho con được khám định kỳ. Sữa chính là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho bé trong suốt thời gian bị bệnh.
U máu là khối u bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em
“Các bác sĩ nói để mổ được cho con phải cần một khoản tiền 200 đến 250 triệu đồng. Số tiền quá lớn với gia đình em. Bằng mọi giá em phải cứu được con, dù tốn kém nhưng em sẽ cố gắng đi làm thuê làm mướn để con được chữa bệnh” – chị Luyến cho hay.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Nguyệt Nhã, nguyên Phó Trưởng khoa sọ mặt tạo hình của Bệnh viện Nhi Trung Ương, u máu là khối u bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em - Đó là loại u lành tính của tế bào nội mạc lát thành mạch máu, loại u này xuất hiện lúc mới sinh và có đặc tính phát triển nhanh ở trẻ nhũ nhi. U mạch máu có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể như: Da, đầu, mặt, cổ, mắt, chân, tay, nội tạng (gan, thận)…
Về nguyên nhân xuất hiện u máu hiện các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng có một số giả thuyết được đưa ra như: Do di truyền từ cha mẹ sang con cái (có nguy cơ 50/50 - Mặc dù bố mẹ có u máu đã thoái triển thì nguy cơ con mắc bệnh vẫn cao hơn), do rối loạn hoocmon, rối loạn miễn dịch, bất thường về mạch máu, ảnh hưởng của hóa chất hay chất độc hại, do mẹ bị nhiễm khuẩn hay virus trong thời gian có thai, sau chấn thương…
Hiện tại bé Bảo Hoàng đang được theo dõi tích cực tại khoa cấp cứu – bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), do vẫn còn những cơn sốt kèm co giật nên các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi, để bé sớm được phẫu thuật.
Với người mẹ kém may mắn này, chắc có lẽ chặng đường phía trước sẽ là một hành trình dài hơi để cùng con chiến đấu với bệnh tật. Thế nhưng với một sự yêu thương cao cả của tình mẫu tử thiêng liêng, chị Luyến và bé Bảo Hoàng chắc chắn sẽ vượt qua.