Điểm lại những cái "nhất" của truyền hình thực tế Việt Nam trong năm qua.
Chưa có năm nào, khán giả Việt được thưởng thức nhiều món ăn tinh thần hấp dẫn đến thế. Truyền hình thực tế với cuộc đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam trong năm qua khiến khán giả phần nào có thể đánh giá được khả năm Việt hóa các hiện tượng truyền hình toàn cầu. Có những really TV show là đỉnh cao của hàng trăm quốc gia, nhưng khi về Việt Nam lại “xẹp lép”. Trong khi đó, cũng có những chương trình thế giới không còn sản xuất, thì về Việt Nam lại trở thành một hiện tượng.
Cùng điểm lại 10 cái nhất của các show truyền hình thực tế phiên bản Việt diễn ra trong năm 2013.
Chửi bậy nhiều nhất
Sẽ là kỳ lạ nếu đêm đề tài “chửi bậy” trên truyền hình ra để bàn tán, bởi điều này hết sức phi lý. Nhưng trong năm 2013, đã có một show truyền hình để đảm bảo tính thực tế buộc phải giữ nguyên những cảnh quay mà người chơi buột miệng nói bậy – đó là Cuộc đua kỳ thú. Lần đầu tiên, những tiếng “beep” xuất hiện trên truyền hình Việt Nam, và khán giả có thể đoán biết những người chơi của Cuộc đua kỳ thú đang thể hiện sự bức xúc của họ.
Thực tế, những lời nói bậy này hầu hết mọi người đều từng nghe trong cuộc sống đời thực, nhưng lại là điều cấm kỵ trên truyền hình. Vì vậy, những tiếng “beep” của Cuộc đua kỳ thú cho thấy show truyền hình về du lịch, trải nghiệm và khám phá này giữ trọn vẹn những yếu tổ “thực” để đem lại cảm xúc thật nhất cho khán giả. Đây cũng là âm thanh thường thấy trong các show truyền hình thực tế của Mỹ.
Dài dòng, lê thê nhất
Cảm giác “buồn ngủ” là tâm trạng chung của hầu hết khán giả khi bàn tán về show tìm kiếm tài năng âm nhạc Giọng hát Việt 2013. Với việc thay đổi các huấn luyện viên và luật chơi, nhiều điểm mới ở mùa giải thứ 2 khiến chương trình không khác gì đang “ru ngủ” người xem.
Các HLV của Giọng hát Việt 2013 đều là những bậc tiền bối trong showbiz Việt, không có HLV nào là ngôi sao ca nhạc được đa số khán giả trẻ yêu mến. Luật chơi thay đổi với 14 tập (tương đương 3 tháng rưỡi phát sóng) là các tập ghi hình từ trước. Chính vì lẽ đó, các HLV buộc phải “mặc lại đồ cũ” trên sóng truyền hình, chưa nói đến việc gu thời trang năm nay của 2 HLV nữ cũng không được báo chí quan tâm, trong khi đây lại là những điểm nhấn chói lóa trong mùa giải đầu tiên.
Cũng với luật chơi mới này, mặc dù kéo dài trong suốt gần một năm nhưng Giọng hát Việt 2013 thiếu đi những cá tính nổi trội, những giọng ca xuất sắc hay những scandal bên lề, thế nên thậm chí bước vào vòng bán kết vẫn còn có những thí sinh… xa lạ với khán giả.
Quảng cáo đêm chung kết đắt nhất
So với nhiều chương trình thực tế khác được phát sóng trên VTV, Giọng hát Việt nhí không chỉ là chương trình thu hút đông đảo người xem truyền hình nhất mà còn thu hút rất nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào quảng cáo.
Theo bảng giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV được ký vào ngày 28/8, giá áp dụng cho đêm chung kết của chương trình Giọng hát Việt nhí 2013, mỗi quảng cáo với thời lượng 30 giây có giá lên đến 280 triệu đồng. Còn những quảng cáo ngắn hơn với thời lượng 10 giây, 15 giây, 20 giây thì có giá tương ứng lần lượt là 140 triệu đồng, 168 triệu đồng và 210 triệu đồng. Đây được coi là con số kỷ lục về giá quảng cáo trong một tập phát sóng của chương trình truyền hình thực tế.
Vị trí Á quân thuộc về đêm chung kết Giọng hát Việt 2013. Cụ thể, để có được 30 giây quảng cáo trước và trong đêm chung kết, khách hàng phải trả tới 240 triệu đồng. Mức giá giảm dần xuống 180 triệu cho 20 giây, 144 triệu cho 15 giây và 120 triệu đồng cho 10 giây quảng cáo trên truyền hình. Mức giá này cao hơn 30% so với đêm chung kết Giọng hát Việt mùa đầu tiên diễn ra vào tháng 1 năm 2013.
“Ế khách” nhất
Đó là phiên bản Việt của hiện tượng truyền hình toàn cầu Big brother được mang tên Người giấu mặt. Lý do là vì chương trình này được phát sóng trên kênh truyền hình VTV6, nên mặc dù ngày nào cũng phát sóng nhưng không phải ai cũng biết đến sự tồn tại của Người giấu mặt.
Chưa kể đây cũng là show truyền hình lên sóng nhiều nhất, với hơn 65 tập, mỗi tập kéo dài một tiếng đồ hồ. Như vậy, để xem hết Người giấu mặt, mỗi khán giả phải tiêu tốn 3 ngày liên tiếp nếu không ăn, không ngủ và chỉ "dán mắt" vào màn hình.
Để cải thiện tình trạng đã phát sóng hơn một tháng nhưng "ế" khách, mới đây, nhà sản xuất đã tung chiêu "độc" khi tiết lộ ảnh khỏa thân ghi từ camera của các thí sinh trong chương trình. Ngay sau khi "đánh bóng" tên tuổi, đơn vị này cũng gửi lời xin lỗi khán giả và hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Hài hước nhất
Đó cũng chính là tiêu chí của nhà sản xuất khi xây dựng gameshow vui nhộn được mang tên Gương mặt thân quen. Không những mang đến cho khán giả những tràng cười đến no nê mỗi tối thứ 7 hàng tuần, chương trình cũng đem đến những cung bậc cảm xúc khác lạ khi thí sinh bỏ phiếu chấm điểm cho nhau, cùng dành phần thưởng làm từ thiện hoặc rơi nước mắt trên truyền hình. Đây được coi là một chương trình giải trí "đúng chất" khi đề cao tính nhân văn bên cạnh nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả.
"Flop" nhất
Là khái niệm dùng để chỉ các show truyền hình thực tế "tụt dốc không phanh" so với mùa giải liền kề trước đó. Mặc dù Giọng hát Việt 2013 được mệnh danh là "thảm họa truyền hình" so với mùa giải năm trước, nhưng vẫn đem lại thành công xét về mặt doanh thu cho nhà sản xuất và tạo được nhiều tiếng vang ở nửa sau của mùa giải. Còn có một chương trình khác lập tức "tụt xuống đáy" của thảm họa khi không có scandal để "đánh đu", đó là Vietnam's Got Talent.
Thậm chí, khán giả khó có thể lập tức kể lại 4 cái tên xuất sắc nhất lọt vào chung kết mùa thi thứ 2 của VGT, sau cuộc thi cũng không có nhân tố nào tiếp tục tỏa sáng dữ dội. Đây được coi là sân chơi không chuyển của cuộc thi ca hát và thậm chí, có những ý kiến cho rằng "Liệu có phải nguồn tài năng đã cạn kiệt" sau khi theo dõi VGT.
Tranh cãi nhiều nhất
Danh hiệu này buộc phải trao cho cuộc thi gây tốn kém giấy mực của báo giới nhất trong năm - Cặp đôi hoàn hảo. Từ chỗ là sân chơi đi tìm kiếm sự thăng hoa về giọng ca, sự hòa quyện trong cảm xúc của các cặp đôi; cuộc thi biến này nơi người ta cãi nhau.
Cãi cọ triền miên xảy ra giữa thí sinh với ban giám khảo, giữa đội chơi này với đội thi khác. Sau cùng, danh hiệu "hoàn hảo" được trao cho cặp đôi thể hiện hết mình với tiêu chí "im lặng là vàng" - Dương Triệu Vũ và gái một con Thanh Thúy xứng đáng trở thành cặp đôi đẹp nhất trong năm.
“Sạch” nhất
Nếu phải kể ra một cuộc thi không có scandal thì đó là Bước nhảy hoàn vũ 2013. Được đánh giá là năm đầu tiên sân chơi khiêu vũ chinh phục trái tim khán giả bằng những màn biểu diễn nghệ thuật, ban giám khảo công tâm và luật chơi cực kỳ "khó nhằn" và chiến thắng thuyết phục của ca sỹ Yến Trang. Tuy nhiên, chương trình cũng có một scandal nhỏ là khi ca sỹ Hòa Hiệp lên tiếng tố Khánh Thi kém về... trình độ chuyên môn khi cho anh điểm thấp.
MC/host xuất sắc nhất
Show truyền hình tưởng như "chìm nghỉm" sau 3 mùa giải - Vietnam's Next Top Model 2013 như "vớ được vàng" khi sở hữu Thanh Hằng trong vị trí host. Tuy nhiên, thể hiện của siêu mẫu tại VNTM khiến khán giả nổ ra nhiều tranh cãi, như việc cô quá gồng mình khi dẫn dắt các thí sinh, không trực tiếp biểu diễn thử thách hoặc "xử ép"... Có vẻ như sân khấu thời trang và màn ảnh rộng là điều phù hợp hơn với chân dài số một của làng mẫu Việt.
Nhưng có một tên tuổi khác làm tròn vai mọi vị trí, thỏa mãn tâm lý của khán giả và đem đến sự căng thẳng, hồi hộp cho cuộc chơi do cô "cầm trịch" - đó là Ngô Thanh Vân. Với việc làm host của Project Runway Việt Nam, Ngô Thanh Vân một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của một diễn viên hàng đầu Việt Nam trong một vai trò hoàn toàn mới.
Thành công nhất
Rất khó để dồn sự yêu thích, ngưỡng mộ của mình cho một chương trình truyền hình duy nhất. Nhưng trong năm qua, có 2 show thực tế được bàn tán sôi nổi hơn cả trên tất cả các phương tiện truyền thông. Đầu tiên, phải kể đến Vua đầu bếp - Masterchef Việt Nam, một thứ gia vị hoàn toàn mới mẻ trên truyền hình Việt, khiến các bà nội trợ "phát cuồng" khi phải chờ đợi theo dõi từng tập thi.
Tuy nhiên, Vua đầu bếp cũng bộc lộ những hạn chế như nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt về công thức nấu ăn giữa BGK với thí sinh và khán giả truyền hình, trận chung kết diễn ra nhạt nhòa so với mong đợi của khán giả. Dẫu vậy, đây cũng là bệ phóng cho rất nhiều đầu bếp Việt Nam và là một diễn đàn ẩm thực thú vị dành cho mọi khán giả.
Nhưng xét trên yếu tố hồi hộp chờ đợi, căng thẳng theo dõi và khó lường trước kết quả - chính là Amazing Race - cuộc đua kỳ thú 2013. Một sân chơi giản dị, thân thuộc nhưng vẫn vô cùng mới mẻ, thú vị và ấn tượng. Những thử thách quá tuyệt vời với đội ngũ thiết kế kịch bản hoàn toàn dành riêng cho khán giả Việt, không thể phụ thuộc vào phiên bản gốc. Những cá tính được khai thác chân thực với nhiều câu chuyện đậm tính nhân văn - Amazing race không những thành công về mặt hấp dẫn khán giả mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.