Không đòi hỏi thêm điều gì từ cuộc sống, NSƯT ca sĩ Hồng Vân cho rằng cuộc đời bà nhờ thiếu thốn mà nên danh phận và nếu có kiếp sau bà vẫn xin được hát dân ca.
Phóng viên: Sau tai nạn bị cướp gây ra khiến chân của bà bị tật, dáng đi không còn tha thướt như xưa. Hiện nay cuộc sống của bà như thế nào?
NSƯT ca sĩ Hồng Vân: Cuộc đời như một dòng sông khi lở, khi bồi. Lòng vị tha thì như mặt nước hồ thu. Tôi sống vẫn vậy, an nhiên với cuộc đời. Tôi đang viết lại những trang đời nghệ sĩ của mình như một quyển hồi ký. Tôi tin rằng đã là hồi ký thì phải viết thật, viết đúng và đặt mình vào trong từng trang bản thảo để chia sẻ với những ai quan tâm đến phận đời ca sĩ hát dân ca.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân và ca sĩ Ngọc Yến, Ngọc Điệp biểu diễn tại Mỹ
Điều gì khiến bà trăn trở nhất trong cuộc sống hôm nay?
Tôi cho rằng sự tha hóa về mặt đạo đức, cách giáo dục thanh thiếu niên từ nhà trường cho đến gia đình dường như đang bị thử thách. Căn bệnh của xã hội hiện nay nếu không chấn chỉnh sẽ dung túng cho một số thanh thiếu niên không được học hành, lười biếng lao động,ham ăn chơi, đua đòi rồi lao vào việc cướp giựt để có tiền ăn xài, hút chích,... nên sanh ra chuyện. Sau tai nạn, tôi có bãi nại nhưng tòa vẫn tuyên án vì sau khi gây ra lỗi lầm và bệnh tật cho tôi, thanh niên này không có hối cải.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân trong đêm nhạc "Những ca khúc vượt thời gian"
Đi hát từ năm 17 tuổi, khi viết hồi ký chắc chắn bà sẽ nhắc đến chặng đường dấn thân bền bỉ dù phải đối mặt với nhiều khó khăn?
Tôi sẽ nhắc đến sự kiện bà nội tôi đã mắng tôi theo nghề hát là làm nhục gia tộc, vì gia đình tôi có họ hàng với hoàng tộc triều Nguyễn ở Huế. Bà nội tôi khó tính lắm, bà cho rằng đi hát là xướng ca vô loại. Thế nhưng tôi đã chọn dòng nhạc mang âm hưởng dân ca và nghệ thuật ngâm thơ để xây dựng sự nghiệp. Công chúng yêu thể điệu dân ca ba miền và những vần thơ được viết từ đáy lòng đã dành cho tôi quá nhiều tình cảm. Chính tình yêu nghệ thuật này giúp tôi vượt qua khó khăn bám nghề gần 60 năm rồi.
Bà có hối tiếc điều gì trong cuộc đời mình?
Tôi chỉ tiếc là lập gia đình quá sớm, một thân lo toan mọi việc để nuôi con, không được học hành đến nơi đến chốn. Cha tôi có nhiều vợ, tính luôn tôi ông có cả thảy 18 người con. Chính vì mẹ tôi muốn tự thân lập nghiệp, gieo trong lòng tôi ý chí kiên định của một phụ nữ không chấp nhận lệ thuộc vào đàn ông nhất là về mặt kinh tế. Có lẽ vì thế mà tôi học được từ mẹ tôi nghị lực sống. Tôi yêu dân ca và lao vào học, say mê khám phá nhưng làn điệu dân ca của các vùng miền, biến những trở ngại trước đó của một cô bé nhút nhát để trở nên dạn dĩ, khẳng khái.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân biểu diễn tại Mỹ
Bà có cho mình là người phụ nữ làm nghệ thuật thành công và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc!?
Tôi mê văn chương, thơ ca và hội họa nhưng không được học đến nơi, đến chốn. Do lập gia đình sớm nên đến năm thứ hai Đại học Văn khoa Sài Gòn tôi đã mang bầu, mắc cỡ khi vác cái bụng bầu đi học nên tôi đã rời ghế nhà trường. Ngay thời điểm này đây, ở tuổi 67 rồi, tôi lại thèm được đi học hội họa, vì tôi vẽ rất đẹp, viết chữ thư pháp cũng đẹp. Tôi quá hạnh phúc bởi tôi làm được điều mình thích. Về gia đình tôi có một mái ấm với chồng và 3 con. Từ khi ông nhà tôi qua đời, tôi sống vì con cháu. Tôi là người hạnh phúc nhưng cơ cực lắm. Đã phải một mình nuôi con, lao vào mọi việc bộn bề của cuộc sống để chăm sóc các con ăn học nên người.
Khi nghĩ về quá khứ, điều gì khiến bà buồn nhất?
Tuổi thơ tôi thiếu tình thương của cha. Khi tôi thành danh, các em của tôi chỉ nghĩ đến chị khi cần sự giúp đỡ nào đó về mặt tài chánh, chứ hoàn toàn không có tình thương.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân và nghệ sĩ Trần Quốc Bảo, ca sĩ Lệ Thu (Nguyễn) tại Mỹ
Để vượt qua nghịch cảnh khi phải bị cho là xướng ca vô loại, bà đã làm gì?
Tôi nỗ lực gấp nhiều lần để đạt đến thành quả. Hồi đó khi còn trẻ để có tiền nuôi con, tôi xin vào làm việc tại Trung tâm Học liệu Sài Gòn, làm người hát mẫu cho các cô giáo dạy mầm non để các cô dạy trẻ em và hát ru cho trẻ em ngủ. À, tôi lớn lên từ giọng hát ru của mẹ tôi, bà hát ru hay lắm. Từ chiếc nôi này, các thầy Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan đã bắt gặp tôi có tố chất trở thành ca sĩ, đã tạo cơ hội cho tôi, rèn giũa giọng hát để tôi bước lên sân khấu.
Nhạc sĩ Lê Thương dạy tôi hát, thầy Vĩnh Phan dạy tôi ngâm thơ, thầy Hùng Lân lập ban tam ca Đông Phương gồm tôi, chị Tuyết Hằng, Thu Hà để biểu diễn thường trực tại phòng trà Đêm màu hồng của cô Thái Thanh. Tôi nỗ lực không ngừng để đến nay 67 tuổi mà vẫn còn bám sàn diễn.
Vừa qua bà được mời sang Mỹ biểu diễn nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đoàn âm nhạc dân tộc Bách Việt và tam ca Đông Phương đã hội ngộ. Đây hẳn là niềm hạnh phúc lớn của mình?
Chúng tôi đã biểu diễn dưới sự đệm đàn của những nghệ nhân, những nhạc sĩ kỳ cựu về âm nhạc dân tộc bằng những nhạc cụ cổ truyền. Tôi xúc động nhớ lại những ngày mới được hát dân ca. Trái tim xao xuyến cho đến tận bây giờ khi được là một ca sĩ hát dân ca, mãi mãi là như thế. Nếu có kiếp sau thì tôi vẫn xin được làm ca sĩ hát nhạc dân ca và ngâm thơ.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân,ca sĩ Tuyết Hằng, Thu Hà (ban tam ca Đông Phương) biểu diễn tại Mỹ
Đi lưu diễn nhiều, từ Nga, Đức, Hungary, Bungary đến Pháp, Mỹ, bà nhận thấy thế nào về tình cảm của khán giả dành cho âm nhạc quê hương ?
Đó là một khối tình cứ mãi lớn mạnh như cây cổ thụ bám rễ sâu trong lòng đất. Ở đâu tôi cũng bắt gặp những ánh mắt thân thương, khi tôi hát trên sân khấu, khán giả hát nhẫm theo. “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” hoặc “Mưa trên phố Huế”, “Lý mười thương”…những bài thơ tôi ngâm từ nhiều điệu thức khác nhau, đến hò Nam Bộ, hò Huế hoặc một bài chầu văn, vẫn làm say mê khán giả kiều bào.
Tôi bắt gặp rất nhiều những tâm sự giống như bản thân tôi, đó là dòng đời xô đẩy với sự mưu sinh đôi lúc khắc nghiệt nhưng vẫn có một chút gì để gọi là quê nhà trong trái tim người Việt, đó là hồn quê của dòng nhạc dân ca, là những vần thơ như hoa nở tận đáy tâm hồn.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân và ca sĩ Ngọc Cẩm (vợ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết)
Khi thử sức mình ở phim truyền hình, bà đã mượn chất liệu từ đâu để diễn đạt vai bà Từ Cung trong bộ phim "Ngọn nến hoàng cung"?
NSƯT ca sĩ Hồng Vân: Hình ảnh của bà nội tôi. Bà quý phái, kiêu kỳ và khó tánh y như thế. Tôi cảm ơn duyên may đó đã cho tôi được hóa thân vào vai diễn bà Từ Cung, để bây giờ đến một số nơi, khán giả vẫn quen gọi tôi là bà Tư Cung. Có một vài lời mời đóng phim, diễn kịch, nhưng tôi từ chối, bởi thời gian này tôi vẫn thích được hát, được ngâm thơ và chịu học vẽ. Những đêm nhạc mini của tôi vẫn diễn ra, dù trời mưa vẫn có những trái tim đồng điệu thổn thức cùng tôi với những giai điệu của dân ca ba miền, của những vần thơ tuyệt đẹp. Thế là quá đủ.
Bà có nghĩ hồi ký của mình sẽ tạo sức hút, khi một số đồng nghiệp thích khai thác chuyện éo le của tình cảm, còn bà thì chưa bao giờ là tâm điểm của những vụ bê bối yêu đương?
Không bao giờ tôi xem việc viết hồi ký để gây sự nổi tiếng. Tôi rất ghét khi đã là người của công chúng mà đem những chuyện tào lao đó làm ảnh hưởng đến vị thế của mình. Hiện nay, tôi đã có 6 đứa cháu nôi, ngoại rồi. Cháu tôi đã vào đại học rồi nhé. Rất mê tiếng hát của bà. Thế là đủ rồi còn đòi hỏi điều gì từ cuộc sống. Hồi ký của tôi chính là gửi đến người yêu mến tôi, ở đó là niềm đam mê và lòng tự trọng.