Từ khi còn trẻ cho đến khi về già, vợ chồng cố nhạc sĩ An Thuyên cũng không ít lần cãi cọ vì sự khác biệt trong tính cách và sở thích. Nhưng theo ca sĩ Bông Mai - con gái của cố nhạc sĩ An Thuyên thì hễ mẹ chị đi đâu quá 3 ngày là ba chị giục về. Lâu dần, sự cãi cọ của ba mẹ chị đã trở thành “gia vị” của cuộc sống mà nếu không có là thấy thiếu…
Vẫn chưa quen sự thiếu vắng chồng
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột từ giã cõi trần vào tháng 7 vừa qua đã để lại sự nuối tiếc lớn trong lòng khán giả yêu nhạc. Và để tưởng nhớ ông, gia đình cố nhạc sĩ cùng những người bạn thân đã quyết định tổ chức đêm nhạc mang tên “Tan vào Hà Nội”.
Hỏi bà Huyền Lâm - vợ của cố nhạc sĩ An Thuyên mong muốn điều gì qua đêm nhạc này, bà bảo: “Mong nhất là chương trình sẽ không bán vé, vì sợ nhiều người không hiểu cho lại đánh giá là “nhân tiện kiếm tiền”, nhưng thực ra có bán được mấy đâu vì phải đi mời bạn bè thân thiết rất nhiều. Tâm lý của anh, chị em nghệ sĩ cũng cho rằng, bán vé sẽ khiến chương trình có giá trị hơn là vé mời. Nhưng số tiền bán vé, gia đình sẽ làm những điều thiện nguyện và lập một quỹ mang tên nhạc sĩ An Thuyên để thực hiện nốt những tâm nguyện của nhạc sĩ còn dang dở. Đó là việc xuất bản cuốn sách nhạc dành tặng các nhạc sĩ lớn tuổi; Phát hành Tổng Tập nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ An Thuyên và nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác; Thành lập trại sáng tác dành cho những đơn vị doanh nghiệp như những tâm nguyện của ông khi còn là Chủ tịch hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp...”.
Bà Huyền Lâm chia sẻ: “Những ngày đầu, tôi chưa hình dung được sự thiếu vắng ông ấy, nhưng càng về sau càng ngấm cái cảm giác một mình. Như hôm qua, 10h đêm có cuộc điện thoại mà giật mình, cứ nghĩ là ông ấy gọi. Vì khi còn sống, ông rất hay gọi vào giờ đó khi đi công tác. Cảm giác vẫn chưa thể quen với sự thiếu hụt và buồn khi không còn người để cằn nhằn mỗi ngày...”.
Nhạc sĩ An Thuyên và vợ bên cháu nội và ngoại. Ảnh: TL
Cũng không ít lần dọa bỏ nhau
Trước sự ra đi đột ngột của người bạn đời, bà Huyền Lâm nói rằng, điều khiến bà ân hận nhất không phải là vì ông đi nhanh quá, không kịp dặn dò điều gì mà chính là những ngày cuối cùng đó, hai ông bà thường xuyên cãi nhau vì chuyện ăn uống. “Ông ấy huyết áp cao nên bác sĩ khuyên phải thay đổi khẩu phần ăn, nhất là kiêng mỡ và đồ ngọt. Nhưng đó lại là sở thích của ông ấy, vậy mà tôi bắt ông quay 108 độ sang thịt nạc và không cho ăn ngọt nữa. Ông ấy bảo, ăn như thế thì khô lắm, nuốt làm sao được. Có khi chưa chết vì bệnh mà chết vì chán ăn trước. Giờ nghĩ lại, tôi tự trách mình sao không để cho ông ấy ăn thoải mái để ông được vui hơn”.
Sống với nhau nhiều năm, bà Huyền Lâm bật mí rằng, hai người cũng không ít lần cãi nhau. Lúc trẻ là do cuộc sống khó khăn, do vẫn còn hiếu thắng. Già là sự khác nhau về cách sinh hoạt. “Đêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi” - câu hát trong ca khúc nổi tiếng “Ca dao em và tôi” chính là sự “khái quát hóa” những lần hai ông bà “cơm không lành, canh không ngọt”. Bà nhớ lại: “Đó là lần cãi nhau ở trong Vinh hồi năm 1975. Khi đó cuộc sống gian khổ, khó khăn rất nhiều thứ. Cũng có lúc giận dỗi đến mức dọa bỏ nhau, nhất là trong 5 năm đầu. Tôi đưa ra quyết định ly hôn, ông ấy cứ tỉnh bơ. Bỏ ra ngoài chán chê, tưởng ông ấy sẽ đi tìm nhưng về nhà vẫn thấy ông ngồi ở bàn thản nhiên đọc sách”.
Ca sĩ Bông Mai cũng nhiều lần chứng kiến cảnh ba mẹ cãi cọ, tranh luận, nhưng với chị, nhiều khi đó như là “gia vị” của gia đình, không có lại thấy nhớ. Ca sĩ Bông Mai kể: “Có lần tôi khuyên: Giờ ba mẹ già rồi, nên ở chung một phòng để có gì còn đỡ đần nhau, không nên ở mỗi người một tầng như thế. Lúc sau, cả hai người đều gọi riêng tôi ra “cảnh báo”. Mẹ nói: “Không ai theo được giờ giấc của ông ấy đâu. Hôm nào cũng thức đến 1-2h sáng xem bóng đá, hút thuốc, nghe nhạc. Ở cùng phòng thì mẹ ngủ làm sao được?”. Còn ba thì bảo: “Đang yên đang lành, đừng có mà xui dại. Hơi tí là bà ấy tắt điện thì chịu sao được?”. Chỉ riêng chuyện bật điện và tắt điện thì khi còn sống, hai ông bà cũng thường xuyên tranh cãi rồi...”.
“Ấy vậy nhưng mẹ tôi đi đâu quá 3 ngày là ba tôi sốt ruột. Trước khi mẹ đi, ba nói cứng lắm: “Bà đi đâu cũng được, cứ thoải mái”. Nhưng ngày thứ nhất thì hỏi: “Đến nơi chưa?”. Ngày thứ hai, là: “Bao giờ về?”. Ngày thứ ba thì: “Sắp về chưa?”. Khi mẹ tôi đi vắng mới biết mình mẹ bằng 5 người bình thường vì sở thích ăn uống của ba tôi như thế nào chỉ mẹ mới hiểu và làm đúng yêu cầu của ông”, ca sĩ Bông Mai chia sẻ thêm.
Trải qua những vui buồn của đời sống hôn nhân, dù có lúc này lúc khác, nhưng điều khiến bà Huyền Lâm luôn trân trọng ở chồng là sự nhân hậu, yêu vợ thương con. Bà nói: “Người ta bảo phải gọt giũa cá tính của nhau thì mới sống chung được, nhưng không bao giờ làm được như thế mà phải chấp nhận và tôn trọng sở thích, cá tính khác biệt của nhau. Trong triết học, mâu thuẫn thúc đẩy phát triển thì trong tình cảm cũng vậy. Có những đôi vợ chồng không cãi nhau nhưng đó là vì họ không thèm nói nữa. Như thế thì buồn lắm. Còn cãi nhau là còn yêu. Đôi khi tôi có làm ông khó chịu nhưng ông ấy hiểu một điều: Tất thảy những điều tôi làm đều là vì gia đình”.
Đêm nhạc “Tan vào Hà Nội” diễn ra vào tối 11/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự góp mặt của nhiều thế hệ ca sĩ như NSND Thu Hiền, NSƯT Tấn Minh, Mỹ Linh, Lan Anh, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Vũ Thắng Lợi, Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Xuân Hảo... Chủ đề của đêm nhạc là tên một sáng tác gần đây của nhạc sĩ An Thuyên. Ca khúc nói về mùa thu với những hình ảnh lãng mạn, bay bổng và rất đỗi thân thuộc của Hà Nội. Với nhạc sĩ An Thuyên, Hà Nội là quê hương thứ hai. Vì thế, người con xứ Nghệ khi rời cõi trần như tan vào hư không, tan vào lòng Hà Nội. Đó cũng là lý do để gia đình lựa chọn chủ đề “Tan vào Hà Nội” trong đêm nhạc của ông. |